Triệu chứng ung thư thực quản ở giai đoạn sớm thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết 6 triệu chứng ung thư thực quản thường gặp để không bỏ sót bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trên cơ thể và có biện pháp xử lý kịp thời.
Bạn đang đọc: Nhận biết 6 triệu chứng ung thư thực quản
1. Ung thư thực quản là gì
Thực quản là một ống tiêu hóa có chức năng chứa đựng thức ăn cũng như các chất lỏng đi từ họng xuống dạ dày. Ung thư thực quản là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô trong thực quản.
Ung thư thực quản là một trong những bệnh lý ung thư nguy hiểm về đường tiêu hóa và thường được chia làm hai loại chính:
– Ung thư biểu mô vảy: xuất phát từ tế bào dạng biểu bì ở thành thực quản, nằm ở phần trên và giữa của thực quản.
– Ung thư biểu mô tuyến: xuất phát từ tổ chức tuyến ở phần dưới của thực quản.
2. Triệu chứng ung thư thực quản
Ở giai đoạn sớm, ung thư thực quản thường không biểu hiện thành triệu chứng cụ thể. Theo thời gian, khối u dần phát triển sẽ làm xuất hiện các triệu chứng trên cơ thể người bệnh, điển hình nhất là 6 triệu chứng sau:
– Nuốt nghẹn, khó nuốt: có cảm giác thức ăn bị vướng trong thực quản, có thể bị trào ngược ra ngoài.
– Nôn: thường xuất hiện sau nuốt nghẹn, có thể nôn trong khi đang ăn hoặc sau khi ăn xong, thậm chí có lẫn máu trong chất nôn.
– Họng rát hoặc ho kéo dài, ho ra máu: việc nuốt nghẹn, trào ngược và nôn có thể khiến họng bị tổn thương gây ra cảm giác đau rát và tình trạng ho lâu ngày, thậm chí ho ra máu.
– Tăng tiết nước bọt: nuốt nghẹn nhiều khiến nước bọt hầu như không xuống được dạ dày, làm cho người bệnh thường xuyên phải nhổ nước bọt.
– Sút cân đột ngột, gầy đi trông thấy, suy kiệt sức khỏe và có thể bị thiếu máu.
– Có cảm giác đau ở họng hoặc lưng, phía sau xương ức hoặc hai xương bả vai.
Người bị ung thư thực quản thường có triệu chứng nuốt nghẹn và đau rát họng
3. Các giai đoạn của ung thư thực quản
Ung thư thực quản tiến triển theo 4 giai đoạn:
– Giai đoạn 1: Ung thư chỉ xuất hiện ở lớp trên cùng của thành thực quản.
– Giai đoạn 2: Ung thư bắt đầu lan đến lớp sâu hơn của thành thực quản hoặc xâm lấn tổ chức bạch huyết lân cận nhưng chưa xâm lấn đến các bộ phận khác trên cơ thể.
– Giai đoạn 3: Ung thư xâm lấn lớp sâu hơn của thành thực quản, xâm lấn tổ chức hoặc hạch bạch huyết trong vùng cạnh thực quản.
– Giai đoạn 4: Ung thư đã xâm lấn và lan rộng đến các bộ phận khác trên cơ thể như gan, phổi, não, xương.
4. Các yếu tố nguy cơ ung thư thực quản
Nguyên nhân chính xác gây ra ung thư thực quản đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng tỷ lệ mắc phải ung thư thực quản, điển hình như:
4.1. Tuổi tác
Theo thống kê, nhóm người cao tuổi, đặc biệt là từ 60 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc phải ung thư thực quản so với những đối tượng khác.
Tìm hiểu thêm: Nhận biết các dấu hiệu của viêm lợi và cách phòng ngừa
Người cao tuổi là đối tượng dễ mắc ung thư thực quản
4.2. Giới tính
Nam giới dễ mắc ung thư thực quản hơn là nữ giới.
4.3. Yếu tố di truyền
Ung thư thực quản là một trong số những bệnh lý có tính di truyền. Hầu hết các kết quả điều tra đều cho thấy, có rất nhiều bệnh nhân mắc ung thư thực quản do di truyền, trong đó tỉ lệ di truyền từ bố là cao nhất.
4.4. Hút thuốc lá
Thói quen hút thuốc lá hoặc các chế phẩm có chứa thuốc lá là nguy cơ chủ yếu gây ra ung thư thực quản.
4.5. Sử dụng nhiều rượu bia
Những người thường xuyên uống nhiều rượu hoặc nghiện rượu có nguy cơ rất cao sẽ mắc phải ung thư thực quản. Đặc biệt nếu người bệnh sử dụng đồng thời cả rượu và thuốc lá thì nguy cơ này còn có thể tăng lên hơn nữa.
4.6. Ảnh hưởng từ một số bệnh lý nhất định
– Bệnh viêm thực quản Barrett: Thực quản bị loét kéo dài không khỏi sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản. Thậm chí, tổ chức ở đáy thực quản có nguy cơ bị hoại tử nếu dịch vị dạ dày thường xuyên bị trào ngược lên thực quản. Các tế bào ở thực quản dần thay đổi nhiều và bắt đầu trở nên giống các tế bào ở dạ dày, đây là một tổn thương tiền ung thư và có thể phát triển thành ung thư thực quản biểu mô tuyến.
– Các bệnh lý khác cũng có thể gây hoại tử niêm mạc thực quản, từ đó làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản như nuốt phải acid hoặc các chất phụ gia khác.
4.7. Tiền sử bệnh ung thư khác
Những bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh ung thư vùng đầu mặt cổ có thể làm tăng nguy cơ mắc thêm một bệnh ung thư thứ hai ở khu vực này, trong đó có ung thư thực quản.
Tuy nhiên, vẫn có những đối tượng có một hoặc thậm chí nhiều yếu tố nguy cơ nhưng không bị ung thư thực quản. Trong trường hợp này, người bệnh không nên chủ quan mà cần đi thăm khám khi thấy mình có những dấu hiệu nguy cơ được liệt kê ở trên.
5. Biện pháp phòng ngừa ung thư thực quản
5.1. Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng và khoa học
– Bổ sung nhiều rau xanh và trái cây trong các bữa cơm hàng ngày.
– Hạn chế ăn những loại thực phẩm hun khói, đồ chiên rán, dầu mỡ.
– Không nên ăn thức ăn khi đang quá nóng, không nên ăn quá nhanh vì có thể dễ dàng gây tổn thương thực quản.
– Kết hợp nhiều loại thực phẩm tốt và an toàn để cân bằng mức độ dinh dưỡng mà cơ thể hấp thụ mỗi ngày.
– Không ăn các loại thực phẩm dễ gây ung thư như thức ăn đã mốc, hỏng.
5.2. Cai rượu, bỏ thuốc lá
Hút thuốc lá và uống quá nhiều rượu rất có hại cho sức khỏe và gây ra ung thư thực quản, vì vậy bạn nên hạn chế uống rượu và bỏ thuốc lá.
Nếu vẫn muốn uống rượu thì nên hạn chế uống không quá 1 lon bia mỗi ngày nếu là nữ hoặc 2 lon mỗi ngày nếu là nam.
>>>>>Xem thêm: Tuyến vú tăng sản là gì? Nguyên nhân và cách phòng ngừa
Chấm dứt ngay thói quen hút thuốc lá để phòng ngừa ung thư thực quản
5.3. Duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh
– Tập thể dục đều đặn để tăng cường sức khỏe, nhưng hãy chú ý không nên tập luyện quá sức.
– Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn và hạn chế nguy cơ mắc phải ung thư thực quản.
Hy vọng những thông tin trên đây đã có thể mang đến cho bạn một cái khái quát và chi tiết hơn về căn bệnh ung thư thực quản. Khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nghi ngờ triệu chứng ung thư thực quản nào, bạn hãy nhanh chóng đến các cơ sở uy tín khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.