Hệ tiêu hóa của con người bao gồm nhiều cơ quan như đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, tá tràng, ruột non, đại trực tràng), gan mật,… Các bệnh về tiêu hóa không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề ăn uống mà còn dẫn đến nhiều nguy cơ cho sức khỏe cho người bệnh. Dưới đây là các bệnh về tiêu hóa thường gặp nhất ở Việt Nam hiện nay.
Bạn đang đọc: Điểm danh các bệnh về tiêu hóa thường gặp
1. Tổng quan về hoạt động của hệ tiêu hóa
Hệ tiêu hóa của con người có cấu tạo phức tạp với nhiều cơ quan phối hợp hoạt động. Mục đích của quá trình tiêu hóa là phân hủy thức ăn thành các chất dinh dưỡng để hấp thu. Qua đó, các chất dinh dưỡng được chuyển hóa thành năng lượng cung cấp cho cơ thể hoạt động.
Cụ thể con đường tiêu hóa diễn ra như sau:
– Thức ăn được đưa vào miệng và được xử lý cơ học bởi răng miệng. Nước bọt được tiết ra giúp làm ẩm cho thức ăn.
– Sản phẩm thô từ miệng được đưa xuống dạ dày. Quá trình tiêu hóa được diễn ra chủ yếu tại dạ dày và ruột non. Tại đây, enzyme tiêu hóa được tiết ra cùng với sự co bóp của dạ dày sẽ phân hủy chất béo, protein và carbohydrate thành các phân tử nhỏ hơn. Các chất này được hấp thu qua biểu mô của ruột non vào máu.
– Sản phẩm từ ruột non được chuyển qua ruột già. Chất dinh dưỡng đã được hấp thụ phần lớn, ruột già chỉ tái hấp thu lượng nước dư thừa. Sản phẩm cuối cùng không tiêu hóa được và các chất cặn bã được đào thải ra ngoài cơ thể qua đường đại tiện.
Quá trình tiêu hóa có thể bị rối loạn và dẫn đến các bệnh lý nếu bất kỳ cơ quan nào của hệ tiêu hóa gặp bất thường. Bệnh lý đường tiêu hóa ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe do cơ thể bị thiếu hụt dưỡng chất nên cần được điều trị càng sớm càng tốt.
2. Các bệnh về tiêu hóa thường gặp
2.1. Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược axit là hiện tượng trào ngược dạ dày hay trào ngược thực quản. Trong đó thức ăn hoặc chất lỏng di chuyển ngược lại từ dạ dày vào thực quản do cơ vòng thực quản dưới không kín (cơ vòng vai trò giúp dạ dày đóng kín lại).
Triệu chứng của trào ngược axit bao gồm ợ nóng, trào ngược và khó nuốt, bệnh nặng hơn có thể dẫn đến viêm loét, gây tổn thương ở răng và thực quản. Bệnh thường gặp ở phụ nữ mang thai, người thừa cân và người trên 40 tuổi.
2.2. Không dung nạp lactose
Lactose là một loại đường có trong sữa và các sản phẩm của sữa. Không dung nạp lactose là tình trạng cơ thể không có khả năng tiêu hóa chất này. Những người bị hội chứng này thường có biểu hiện đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy sau khi ăn các sản phẩm từ sữa khoảng 30 phút đến 2 tiếng.
Đây là bệnh khá phổ biến hiện nay, ước tính có khoảng 70% dân số thế giới gặp khó khăn trong việc tiêu hóa lactose. Hội chứng này thường xảy ra ở trẻ em hoặc cuối thời kỳ dậy thì ở một giai đoạn nhất định và thường không kéo dài.
2.3. Loét dạ dày tá tràng là bệnh về tiêu hóa thường gặp
Loét dạ dày tá tràng là vết loét hình thành từ niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần trên của ruột non) khi lớp niêm mạc ấy bị bào mòn bởi một loại dịch tiêu hóa có tính axit.
Hầu hết các vết loét dạ dày tá tràng đều do vi khuẩn H.pylori – một loại vi khuẩn làm viêm nhiễm dạ dày gây ra. Ngoài ra, các yếu tố khác như di truyền, hút thuốc lá, uống rượu, căng thẳng cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh. Triệu chứng của bệnh bao gồm đau bụng, chán ăn, buồn nôn, sút cân, nôn ra máu, đi ngoài phân đen,…
Tìm hiểu thêm: Các bệnh về đại tràng phổ biến và nguyên tắc điều trị
2.4. Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Hội chứng ruột kích thích còn gọi là rối loạn chức năng đại tràng, hội chứng đại tràng co thắt. Bệnh thường gây triệu chứng chuột rút, đầy hơi, đau bụng, táo bón, tiêu chảy.
Hội chứng ruột kích thích hội chứng ruột kích thích không gây ra viêm nhiễm hay những thay đổi trong mô ruột nhưng lại khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày. Bệnh thường gặp nhiều ở tuổi vị thành niên và giai đoạn bắt đầu trưởng thành.
2.5. Ung thư tiêu hoá
Ung thư đường tiêu hóa (K dạ dày, đại tràng, gan, túi mật, tuỵ,…) là các bệnh lý đặc biệt nguy hiểm. Các bệnh lý ung thư này được phát hiện càng sớm thì hiệu quả điều trị càng cao. Ngược lại, nếu không được điều trị kịp thời, chúng có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Người bệnh bị ung thư tiêu hóa ban đầu có thể gặp các triệu chứng chưa điển hình như rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, sút cân, thiếu máu, cơ thể mệt mỏi,… Đây là các triệu chứng dễ nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa thông thường, khiến người bệnh chủ quan, không thăm khám kịp thời. Do đó, khi có các dấu hiệu bất thường, tốt nhất hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
2.6. Sỏi mật là bệnh về tiêu hóa thường gặp
Túi mật là bộ phận có chức năng lưu trữ, tiết ra mật là các enzyme hỗ trợ tiêu hóa. Sỏi mật là tình trạng kết tụ của các chất cặn cứng có trong túi mật. Bệnh lý này hình thành thường do có quá nhiều cholesterol, chất thải hoặc do túi mật hoạt động sai cách.
Sỏi mật có thể di chuyển từ ống dẫn mật đến ruột gây đau nhức dữ dội. Nguy hiểm hơn, nếu sỏi bị tắc nghẽn trong ống mật gây viêm sưng, xuất huyết. Khi đó, bệnh nhân cần sử dụng thuốc tan sỏi điều trị hoặc can thiệp phẫu thuật cắt bỏ túi mật.
>>>>>Xem thêm: Bệnh viêm dạ dày ruột: Cách điều trị và phòng ngừa
2.7. Bệnh trĩ
Bệnh trĩ cũng là một trong những bệnh về tiêu hóa thường gặp nhất tại nước ta. Các mạch máu ở hậu môn bị viêm, giãn, dẫn đến hình thành các búi trĩ bên trong hoặc ngoài hậu môn. Nguyên nhân chủ yếu gây trĩ là do vùng hậu môn – trực tràng chịu áp lực lớn, bắt nguồn từ táo bón mạn tính, chế độ ăn thiếu chất xơ hoặc do tiêu chảy dài ngày.
Phác đồ điều trị phụ thuộc vào tình trạng trĩ mà người bệnh đang gặp phải. Trĩ nhẹ có thể cải thiện tốt nhờ chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Nếu búi trĩ bị viêm, gây đau và chảy máu, người bệnh có thể kiểm soát bằng các loại kem bôi, thuốc uống giảm triệu chứng. Trường hợp trĩ nặng cần phải tiến hành can thiệp cắt bỏ búi trĩ.
2.8. Viêm gan siêu vi (viêm gan do virus)
Viêm gan siêu vi phổ biến nhất là viêm gan A, viêm gan B và viêm gan C, gây ra bởi các loại virus tương ứng. Ba loại virus HAV, HBV và HCB đều có thể gây viêm gan cấp tính. Các triệu chứng bao gồm: buồn nôn, đau bụng, mệt mỏi, khó chịu và vàng da.
Ngoài ra, nhiễm HBV và HCV cấp tính có thể dẫn đến viêm mạn tính. Bệnh nhân bị viêm gan B và C mạn tính có thể phát triển thành xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan (HCC).
Trên đây là các bệnh về tiêu hóa thường gặp hàng đầu hiện nay. Để phòng tránh các bệnh lý này, các chuyên gia y tế khuyến cáo mỗi người nên thực hiện chế độ ăn uống hợp lý kết hợp với lối sống lành mạnh và tập luyện phù hợp. Nếu có các biểu hiện của bệnh tiêu hóa, người bệnh cần đến bệnh viện để khám và điều trị, không tự ý dùng các loại thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.