Người mang trong mình túi phình mạch não (dị dạng mạch máu não gây ra) có thể vỡ, gây chảy máu và dẫn đến đột quỵ não. Bài viết sẽ cung cấp thông tin để giúp bạn hiểu hơn về túi phình mạch não, mối đe dọa đến sức khỏe khi có túi phình, chẩn đoán và can thiệp như thế nào? Liệu có phải cứ có túi phình là cần can thiệp hay không? Cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Túi phình mạch não vỡ ra gây đột quỵ não
1. Túi phình mạch não là gì?
Đây là tình trạng dị dạng mạch máu não do có một đoạn mạch não bị suy yếu (thành mạch yếu) dẫn đến phình to và căng phồng lên. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất cứ đoạn mạch nào và ở bất cứ thời điểm nào, nhưng đa số là do dị tẩm khi bẩm sinh, một số ít phình mạch não do mắc phải.
Đây là một căn bệnh nguy hiểm cần được theo dõi và can thiệp kịp thời, đúng cách, nếu không sẽ dẫn đến đột quỵ não với tỷ lệ tử vong cao, để lại nhiều di chứng nặng nề.
Túi phình mạch não thường gặp ở vị trí đoạn phân nhánh của các động mạch, điển hình nhất là động mạch thông trước, động mạch cảnh trong (chiếm khoảng 30%) và động mạch thân sau. Ngoài ra, còn có thể gặp ở các vị trí như ở động mạch tiểu não, động mạch thân nền,…
Hình dạng của túi phình động mạch cũng có nhiều dạng khác nhau: phình mạch dạng túi, phình mạch bóc tách, phình mạch hình thoi, ….
Kích thước túi phình cũng có nhiều loại, đơn vị đo chủ yếu là mm. Người ta thường phân loại kích thước túi phình dựa theo khả năng vỡ của nó như: túi phình nhỏ hơn 5mm sẽ ít khi bị vỡ, túi phình có kích thước từ 6-10 mm dễ vỡ gây chảy máu dưới nhện, các túi phình khổng lồ ít chảy máu mà có xu hướng tiến triển lâu dài gây biến chứng cao, khi chảy máu dễ tử vong. Túi phình càng lớn thì nguy cơ vỡ càng cao hay khi hình thái túi phình không đều cần can thiệp điều trị sớm.
2. Đột quỵ não do túi phình mạch não vỡ
2.1 Túi phình mạch não vỡ ra gây đột quỵ não
Vỡ túi phình mạch não là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ não ở người trẻ tuổi.
Trường hợp đột quỵ não do vỡ túi phình mạch não có tỷ lệ tử vong cao. Theo thống kê, trung bình khoảng 10% bệnh nhân bị xuất huyết dưới nhện (vỡ túi phình mạch não) tử vong trước khi vào viện, khoảng 25% tử vong trong vòng 24h sau khi túi phình bị vỡ ra, khoảng 45% bệnh nhân tử vong trong vòng 30 ngày.
Đặc biệt, những người có tiền sử huyết áp cao và mỡ máu cao, có túi phình mạch não sẽ rất nguy hiểm, khả năng vỡ túi phình cao hơn người không bị huyết áp cao, mỡ máu cao.
Túi phình mạch não khi vỡ để lại rất nhiều di chứng nặng nề như: không nói được, liệt nửa người, hôn mê. Chỉ khoảng 10% bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn nhờ phát hiện sớm qua chụp cắt lớp vi tính MSCT hoặc chụp cộng hưởng từ não MRI.
Tìm hiểu thêm: Đề phòng đột quỵ cấp gia tăng khi thời tiết lạnh
2.2 Túi phình mạch não chưa vỡ nhưng tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ não
Mặc dù túi phình mạch máu chưa vỡ nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm như:
– Kích thước túi phình tăng dần lên, gây chèn ép não.
– Túi phình mạch não được can thiệp rồi vẫn có thể vỡ tái phát.
– Túi phình mạch não gây chèn ép và cản trở sự lưu thông dịch não tủy và lưu tuần hoàn não.
– Có thể rối loạn điện giải, nhiễm trùng mạch máu hoặc các bộ phận khác trong não do túi phình mạch não gây ra.
3. Nguyên nhân hình thành túi phình mạch não
Cho đến hiện nay, nguyên nhân gây túi phình mạch não vẫn chưa phát hiện được. Các nhà khoa học chỉ đưa ra một số khuyến cáo về đối tượng có nguy cơ cao bị phình động mạch não đó là:
– Dị dạng bẩm sinh ở thành mạch
– Gia đình có người bị phình mạch não
– Chấn thương hoặc nhiễm trùng trên vùng não.
– Người mắc hội chứng Moyamoya
– Bệnh thận đa nang
– Cường Aldosteron có tính chất gia đình
– Bệnh mô liên kết như hội chứng Ehler – Danlos
– Cao huyết áp
– Hút thuốc lá
– Hẹp eo động mạch chủ
– Thiếu hụt estrogen ở nữ,…
4. Xử trí khi có túi phình mạch não
Sau khi phát hiện túi phình mạch não, các bác sĩ sẽ căn cứ vào vị trí, kích thước, hình dạng túi phình, tiền sử bệnh và tình trạng sức khỏe, tuổi hiện tại của người bệnh, để cân nhắc nên theo dõi hay can thiệp. Nếu can thiệp thì sử dụng phương pháp can thiệp nào hiệu quả và phù hợp cho người bệnh.
Theo một số chuyên gia cho biết:
– Nếu túi phình kích thước đường kính nhỏ dưới 5mm chưa vỡ và không có triệu chứng thì chưa cần can thiệp, nhưng vẫn phải theo dõi thường xuyên để xem chúng có tăng lên về kích thước, số lượng không để có biện pháp xử trí kịp thời. Một số chuyên gia cho rằng túi phình có đường kính lớn hơn 3mm cũng nên can thiệp, theo đó với túi phình kích thước 3-5mm các bác sĩ sẽ hội chẩn và cân nhắc có nên can thiệp hay không hay bảo tồn và theo dõi định kỳ.
– Nếu túi phình có kích thước lớn hơn 5mm, nguy cơ vỡ sẽ cao nên các bác sĩ thường khuyến cáo cần can thiệp.
– Với những người cao tuổi (trên 70 tuổi) thường có xu hướng bảo tồn (theo dõi định kỳ, không can thiệp).
Hiện nay có hai phương pháp điều trị phình động mạch thường được áp dụng là can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật.
– Can thiệp nội mạch sẽ sử dụng một vật bằng platinum (được gọi là coil) đưa vào lòng của túi phình để gây huyết khối tại túi phình.
– Phẫu thuật mở sọ, dùng một dụng cụ (được gọi là clip) để kẹp cổ túi phình (hay còn gọi là kẹp túi phình).
Việc sử dụng phương pháp nào bác sĩ sẽ cân nhắc thật kỹ và lựa chọn phương án phù hợp nhất cho người bệnh.
Đối với trường hợp không điều trị, người bệnh mang túi phình động mạch cần theo dõi sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần trong năm đầu tiên, những năm sau có thể khám định kỳ 1 năm một lần.
>>>>>Xem thêm: Mách bạn những cách trị khó ngủ tại nhà hiệu quả
Khi khám người bệnh sẽ được thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Thần kinh và được chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ để đánh giá kích thước, hình thái túi phình. Nếu kích thước túi phình tăng lên, bờ túi phình thay đổi thì các bác sĩ sẽ tiến hành can thiệp.
Phần lớn túi phình mạch não không gây triệu chứng gì, cho đến khi chúng tăng kích thước dọa vỡ người bệnh có thể có một số biểu hiện như đau đầu âm ỉ, chóng mặt,… Vì vậy, nên tầm soát sớm túi phình mạch não bằng cách khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh và chụp cắt lớp vi tính não hoặc chụp cộng hưởng từ não để phát hiện sớm, theo dõi hoặc can thiệp xử trí kịp thời, không chờ đến khi túi phình vỡ ra gây nguy hiểm.