Tai biến mạch máu não là một biến cố nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong cũng như các di chứng nặng nề. Người bị tai biến thường gặp những di chứng gì và cách hạn chế ra sao? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Bạn đang đọc: Người bị tai biến thường gặp những di chứng gì?
1. Các di chứng người bị tai biến thường gặp phải
Sau cơn tai biến mạch máu não, người bệnh có thể gặp phải những di chứng sau:
1.1 Yếu, liệt vận động – Di chứng thường gặp nhất của những người bị tai biến
Liệt vận động là một trong những di chứng thường gặp nhất của các bệnh nhân tai biến. Các thống kê cho thấy có tới 92% những người bệnh sống sót sau cơn tai biến gặp di chứng này. Biểu hiện là mất khả năng vận động một cơ quan hoặc một phần cơ thể, dẫn đến liệt mặt, liệt tay chân hoặc liệt nửa người,…
Một số trường hợp bị tai biến có thể cảm thấy tê bì, khó chịu trên cơ thể. Tình trạng này có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng cũng có thể kéo dài trong một khoảng thời gian, thậm chí cả đời.
Di chứng về vận động có thể khiến người bệnh gặp khó khăn trong những sinh hoạt hàng ngày, Họ thường cần phải nhờ tới sự trợ giúp của các thành viên trong gia đình. Nhiều người bệnh vì vậy mà cảm thấy mệt mỏi, tự ti khi là gánh nặng cho người thân.
Việc hạn chế vận động, nằm một chỗ lâu cũng gây ra các vấn đề như cứng khớp, nhiễm trùng đường tiết niệu,…
Nếu tình trạng của người bệnh không quá nặng và có biện pháp chăm sóc tốt, chứng liệt vận động có thể phục hồi nhanh chóng.
1.2 Suy giảm khả năng nhận thức – Di chứng nặng nề nhất của những người bị tai biến
Một trong những hậu quả của tai biến mạch máu não là sự suy giảm trí tuệ, nhận thức của bệnh nhân.
Các triệu chứng biểu hiện như: hay quên, không tỉnh táo, thậm chí không nhận ra người thân, giảm khả năng tư duy, xử lý tình huống, phán đoán, ra quyết định. Di chứng này rất thường gặp và gây ảnh hưởng tới cuộc sống cũng như công việc hàng ngày của người bệnh, khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi phải làm công việc đòi hỏi tư duy và trí nhớ tốt.
Suy giảm nhận thức được coi là di chứng nặng nề nhất đối với bệnh nhân tai biến. Khả năng phục hồi của bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tuy nhiên sự cố gắng bệnh nhân và sự kiên trì của người nhà đóng vai trò rất quan trọng.
1.3 Rối loạn cảm xúc, hành vi
Nhiều người bệnh sau tai biến phải đối mặt với các rối loạn cảm xúc như:
– Lo lắng về bệnh tật
– Buồn bực do phải nằm 1 chỗ quá lâu
– Tự ti do nghĩ mình là gánh nặng cho người thân trong gia đình
Nếu không được chia sẻ, động viên, bệnh nhân rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, hay cáu giận hoặc tự dằn vặt bản thân mình.
1.4 Rối loạn ngôn ngữ
Các tổn thương ở não có thể khiến người bệnh bị rối loạn ngôn ngữ. Họ bị hạn chế khả năng giao tiếp, khó diễn đạt lời nói. Một số bệnh nhân nói lắp bắp, nói ngọng, nói khó hiểu…Một số trường hợp người bệnh không thể nói được.
2. Người bệnh tai biến mắc các di chứng có thể phục hồi không?
Khả năng phục hồi sau tai biến của người bệnh phụ thuộc vào rát nhiều yếu tố như mức độ bệnh, sự cố gắng của người bệnh và sự chăm sóc của người thân. Nếu mức độ tổn thương não nhẹ hoặc vùng tổn thương ít quan trọng, bệnh nhân được chăm sóc tốt thì tốc độ phục hồi sẽ nhanh hơn và ngược lại. Trong các loại di chứng, suy giảm nhận thức được coi là nặng nề và khó phục hồi nhất, rất cần sự phối hợp, kiên trì của cả bệnh nhân và người nhà.
3. Cách khắc phục di chứng ở người bệnh bị tai biến
3.1 Đối với di chứng rối loạn cảm xúc
Sau tai biến, nếu bệnh nhân gặp di chứng rối loạn cảm xúc thì cách tốt nhất là tạo tinh thần thoải mái cho họ. Người thân và bạn bè nên cố gắng dành thời gian nói chuyện, tâm sự, động viên để vực dậy tinh thần cho người bệnh.
Tìm hiểu thêm: Sa sút trí tuệ ở người già: Triệu chứng và nguyên nhân
3.2 Đối với di chứng rối loạn ngôn ngữ
Việc phục hồi khả năng giao tiếp của người bệnh có thể mất nhiều thời gian. Hãy khuyến khích họ trò chuyện với mọi người xung quanh, tham gia các hội nhóm. Như vậy, khả năng giao tiếp của bệnh nhân sẽ sớm được cải thiện, giúp họ trở nên vui vẻ hơn, không còn tự cô lập mình nữa.
3.3 Đối với di chứng liệt vận động
Một số bài tập hữu ích hỗ trợ hồi phục vận động tại nhà:
– Bài tập chân
Để bệnh nhân ngồi thẳng trên ghế, đưa chân trái lên song song với sàn nhà rồi từ từ hạ xuống, sau đó lặp đi lặp lại với chân phải. Làm như vậy 10 lần mỗi bên.
– Xoay người
Bệnh nhân ngồi thẳng, đặt tay phải ở phía bên ngoài đùi trái, nhẹ nhàng xoay người sang trái sau đó trở về tư thế bình thường. Làm tương tự với phần thân bên phải, mỗi bên 15 lần.
– Bài tập co gối
Bệnh nhân nằm ngửa, 2 chân ở tư thế duỗi thẳng. Từ từ co một chân lên và dùng 2 tay để giữ đầu gối. Sau đó, kéo chân về phía ngực. Giữ tư thế này từ 5 – 10 giây rồi trở lại vị trí ban đầu. Đổi bên, làm tương tự với chân còn lại, mỗi chân từ 10 – 15 lần.
– Bài tập cho cánh tay
Bài tập này giống với việc nâng tạ đơn, tuy nhiên ban đầu nên tập với tay không sau đó mới tăng dần trong lượng của vật mà người bệnh cầm.
– Bài tập vai
Để một chai nước hoặc bất kỳ vật nào đó trên bàn, sau đó cố gắng duỗi thẳng hết mức cánh tay bị liệt để với lấy đồ vật. Thực hiện lặp lại động tác 5 lần, mỗi lần để chai nước cách xa thêm một chút.
– Bài tập cổ tay
Cầm một chai nước hoặc vật có trọng lượng vừa phải bên tay liệt, sử dụng cổ tay để nâng lên và hạ chai nước xuống. Lặp lại động tác này 10 lần.
Kiên trì tập luyện các bài tập trên có thể giúp người bệnh sớm phục hồi. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo nên tập từ từ, nâng dần độ khó để cơ thể dần làm quen với các động tác, tránh những chấn thương nghiêm trọng.
>>>>>Xem thêm: Những nguyên nhân gây bệnh Alzheimer
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh tai biến mạch máu não và cách khắc phục di chứng cho những người bị tai biến. Nhớ rằng, cấp cứu kịp thời là một trong những nguyên tắc quan trọng để cứu sống bệnh nhân và hạn chế di chứng. Vì vậy, khi thấy các biểu hiện như liệt, méo mặt, khó cử động tay chân, khó nói, giảm thị lực, cần gọi cấp cứu ngay để được xử trí kịp thời.