Bệnh đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu hiện nay. Nguyên nhân gây bệnh đột quỵ rất đa dạng và biểu hiện của bệnh cũng khác nhau ở mỗi người. Cùng tìm hiểu nguyên nhân bệnh đột quỵ qua bài viết sau.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân bệnh đột quỵ và cách phòng ngừa
1. Nguyên nhân bệnh đột quỵ cần được quan tâm
Đột quỵ là tình trạng não bị tổn thương hoăc chết đi đột ngột do các mạch máu não tắc nghẽn hoặc vỡ ra. Nguyên nhân gây bệnh đột quỵ chủ yếu là do xơ vữa động mạch, khiến các động mạch nuôi dưỡng não bị tắc nghẽn và thiếu oxy. Bên cạnh đó, các cục máu đông cũng có thể gây đột quỵ thiếu máu não. Khi các cục máu đông lớn hoặc di chuyển vào các động mạch tắc hẹp sẽ bị chặn lại, ngăn dòng máu cung cấp cho não.
Các yếu tố nguy cơ làm gia tăng sự hình thành xơ vữa và cục máu đông đều là nguyên nhân gây bệnh đột quỵ, bao gồm:
1.1 Tăng huyết áp – Nguyên nhân bệnh đột quỵ thường gặp
Tăng huyết áp làm tăng áp lực của máu lên thành động mạch, làm tăng nguy cơ vỡ mạch. Hơn nữa huyết áp tăng cao cũng gây tổn thương thành mạch máu não, làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu và hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn. Vì vậy, tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ.
Tăng huyết áp làm tăng gấp 2 – 4 lần nguy cơ đột quỵ. Những người có huyết áp ở mức 140/90 hoặc cao hơn cần được điều trị sớm và hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ.
1.2 Hút thuốc lá
Những người hút thuốc lá dù chủ động hay bị động đều có tỷ lệ đột quỵ cao hơn người bình thường. Nguyên nhân là do nicotine trong khói thuốc tác động làm tăng huyết áp. Ngoài ra hút thuốc cũng làm gia tăng tích tụ cholesterol dẫn đến xơ vữa động mạch, khiến thành mạch máu dày lên. Điều này gây xơ vữa, tắc hẹp động mạch não dẫn đến đột quỵ.
1.3 Bệnh tim mạch
Bệnh van tim hoặc tình trạng nhịp tim không đều có liên quan mật thiết đến biến cố đột quỵ vì làm ảnh hưởng đến sự lưu thông của máu lên não và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Khoảng 25% số các ca đột quỵ ở người cao tuổi xuất phát từ các bệnh lý tim mạch.
1.4 Thừa cân, lười luyện tập
Những người thừa cân, béo phì cũng là đối tượng rất dễ bị đột quỵ. Do tình trạng này thường liên quan đến sự tích tụ chất béo trong cơ thể, tăng hình thành các mảng bám ở thành động mạch, gây xơ vữa mạch máu.
1.5 Đái tháo đường
Căn bệnh này thường đi kèm với tăng huyết áp và béo phì. Đây là những yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến đột quỵ. Đặc biệt nghiên cứu cho thấy các tổn thương não ở những bệnh nhân tai biến mắc đái tháo đường thường rất nặng.
1.6 Thuốc
Thuốc chống đông máu thường được sử dụng cho các bệnh nhân bị đột quỵ thiếu máu não để giúp giảm sự hình thành các cục máu đông. Tuy nhiên việc sử dụng các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do xuất huyết. Ngoài ra việc lạm dụng thuốc tránh thai cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Tìm hiểu thêm: Suy giảm trí nhớ sau phẫu thuật: Nguyên nhân, cách cải thiện
1.7 Nguyên nhân bệnh đột quỵ do tuổi tác
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng độ tuổi có nguy cơ mắc đột quỵ cao là những người từ 55 tuổi trở lên.
1.8 Giới tính
Tỷ lệ đột quỵ ở nam giới cao hơn nữ giới. Tuy nhiên nữ giới lại dễ tử vong vì căn bệnh này hơn vì thường mắc bệnh khi đã cao tuổi, dẫn đến giảm khả năng phục hồi.
1.9 Yếu tố gia đình
Cách sinh hoạt của các thành viên trong cùng một gia đình có thể dẫn đến một số tình trạng bệnh giống nhau như đái tháo đường, tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ đột quỵ. Bệnh về máu như hồng cầu hình liềm có thể gây hẹp và tắc động mạch. Lượng máu cung cấp cho não giảm gây ra đột quỵ.
2. Triệu chứng của bệnh đột quỵ cần cảnh giác
Người bị đột quỵ thường có những dấu hiệu đặc trưng dưới đây:
– Tê hoặc yếu, liệt cơ, thường xảy ra ở một bên cơ thể
– Thay đổi thị lực, giảm hoặc mất khả năng nhìn ở một hoặc cả hai mắt
– Khó nuốt
– Đau nhức đầu một cách nghiêm trọng mà không rõ nguyên nhân
– Cảm thấy chóng mặt, khó cử động, đi lại khó khăn
– Thay đổi giọng nói, bệnh nhân có thể nói ngọng, khó nói, tê cứng lưỡi
– Rối loạn về trí nhớ
3. Nhận biết sớm nguy cơ đột quỵ bằng quy tắc “FAST”
– Face: Mặt bị mất cân đối, một bên miệng bị méo
– Arm: Khó cử động tay, khi được yêu cầu giơ cả hai tay lên, bệnh nhân không làm được hoặc giơ được tay lên nhưng không giữ được lâu.
– Speech: Khi được yêu cầu nói lặp lại một câu đơn giản, người bệnh thường nói không được tròn vành rõ chữ, nói không lưu loát hoặc không thể nói được.
– Time: Tính cấp thiết, cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế ngay khi thấy các triệu chứng kể trên.
Nhớ rằng, các triệu chứng đột quỵ thường không kéo dài, vì thế khi phát hiện bất kể một biểu hiện bất thường nào của người bệnh thì không nên lơ là, chủ quan, mà hãy thực hiện việc cấp cứu kịp thời.
>>>>>Xem thêm: Bệnh lý rối loạn tiền đình: Biểu hiện, nguyên nhân và cách điều trị
3. Cách phòng ngừa đột quỵ
Dựa vào các nguyên nhân gây tai biến, có thể rút ra các biện pháp phòng ngừa sau:
– Tăng cường tập thể dục: Tập thể dục với cường độ vừa phải ít nhất 5 ngày một tuần. Có thể thực hiện đi bộ quanh khu nhà mỗi sáng, đi cầu thang bộ thay vì thang máy…
– Giữ huyết áp ổn định: Kiểm soát huyết áp bằng cách hạn chế muối và thực phẩm có chứa hàm lượng muối cao như đồ ăn được chế biến sẵn. Bổ sung các thực phẩm giàu kali, omega-3 hỗ trợ giảm nguy cơ đột quỵ. Những người có tiền sử cao huyết áp cần dùng thuốc giảm huyết áp dúng theo chỉ định.
– Kiểm soát đồ uống có cồn: Không nên uống quá nhiều bia rượu. Nam có thể uống ≤ 2 ly rượu/ ngày và phụ nữ không có thai ≤ 1 ly/ngày.
– Điều trị tốt các bệnh lý nền: Như rung nhĩ, đái tháo đường…
– Tránh xa thuốc lá: Dừng hút thuốc lá là một trong những thay đổi lối sống quan trọng giúp bạn phòng ngừa đột quỵ.
Trên đây là những thông tin về nguyên nhân bệnh đột quỵ và cách nhận biết, phòng ngừa hiệu quả, hi vọng sẽ giúp ích cho bạn. Việc cấp cứu đột quỵ là vô cùng cấp thiết, vì vậy bạn không nên chủ quan trước bất cứ một triệu chứng nào. Để phòng ngừa đột quỵ xảy ra, hãy thay đổi lối sống một cách tích cực và thăm khám chuyên khoa Nội thần kinh để được dự phòng cách yếu tố nguy cơ.