Đau đầu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Tình trạng ngủ không đủ giấc (thiếu ngủ) trong thời gian dài gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để biết: đau đầu do thiếu ngủ biểu hiện ra sao? gây ra những tác hại gì? cách điều trị như thế nào?
Bạn đang đọc: Đau đầu do thiếu ngủ: Biểu hiện, tác hại, cách điều trị
1. Mối liên hệ giữa đau đầu và thiếu ngủ
1.1 Thiếu ngủ gây đau đầu
Việc ngủ đủ giấc sẽ giúp bạn luôn khỏe mạnh, bản thân bạn sẽ cảm nhận rõ được điều này. Khi bạn ngủ đủ giấc, cơ thể sẽ tự phục hồi chức năng “tái tạo năng lượng” giúp các cơ quan trong cơ thể “có năng lượng” để hoạt động ổn định.
Khi bạn ngủ, cũng là lúc một số cơ quan được nghỉ ngơi, ví dụ như gan, thận, não, … huyết áp cũng sẽ ổn định hơn và tim bớt phải làm việc quá sức. Ngủ cũng là khoảng thời gian để não bộ được nghỉ ngơi, sắp xếp lại các kiến thức mà bạn tiếp nhận được và lưu trữ trong bộ nhớ của não bộ,… Chính vì vậy, giấc ngủ có vai trò rất quan trọng, nếu bạn bị thiếu ngủ (ngủ không đủ giấc, giấc ngủ không chất lượng) điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý và kéo theo nhiều bệnh lý khác.
Theo một nghiên cứu do các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Missouri nghiên cứu và công bố: Giấc ngủ REM (giấc ngủ mắt chuyển động nhanh – một chu kỳ trong sinh lý giấc ngủ) có liên quan đến những cơn đau đầu. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra việc thiếu ngủ làm tăng quá trình tạo protein trong cơ thể, gây chứng đau mạn tính.
Nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, thiếu ngủ và đau đầu có liên hệ với nhau bởi có cùng nguồn gốc từ não.
– Ở vùng dưới đồi, đây là bộ phận não chịu trách nhiệm điều chỉnh giấc ngủ và cũng là vùng não chứa các tế bào thần kinh điều chỉnh cơn đau. Tại nơi này chứa một nhóm chất gọi là nhân trên chéo, giúp nhận tín hiệu từ mắt và điều chỉnh hành vi ngủ. Khi nhân trên chéo bị hư hỏng dễ dẫn đến rối loạn giấc ngủ.
– Mối liên hệ giữa giấc ngủ và đau đầu còn được nhận định là xuất phát ở tuyến tùng. Đây là nơi sản xuất hormone Melatonin – hormone giúp nhận biết sự thay đổi ngày đêm và gây buồn ngủ. Khi nồng độ hormone này thấp có liên quan đến chứng đau nửa đầu, đau đầu cụm, đặc biệt là khi thức dậy.
1.2 Đau đầu dễ dẫn đến mất ngủ (thiếu ngủ)
Ngược lại, đau đầu cũng dễ khiến giấc ngủ của bạn bị gián đoạn, gây tình trạng mất ngủ (thiếu ngủ) và khiến tình trạng thiếu ngủ trở nên trầm trọng hơn.
2. Đau đầu do thiếu ngủ biểu hiện ra sao? Tác hại thế nào?
2.1 Biểu hiện đau đầu do thiếu ngủ
Cơn đau đầu do thiếu ngủ thường là dạng đau nửa đầu Migraine (hay còn gọi là đau đầu vận mạch) với đặc trưng là cơn đau xuất hiện ở một nửa đầu (bên trái hoặc bên phải), đau giật “thon thót’ theo nhịp mạch đập, cảm giác nặng đầu. Ngoài ra, đau đầu có thể biểu hiện dưới dạng đau đầu căng thẳng, đau đầu cụm hoặc đau đầu giảm trương lực.
Tìm hiểu thêm: Tai biến mạch máu não nguy hiểm, để lại di chứng nặng nề
2.2 Tác hại của đau đầu do thiếu ngủ
Nếu tình trạng đau đầu do mất ngủ không được quan tâm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến một số hậu quả sau:
– Mất ngủ mạn tính
– Suy nhược thần kinh
– Suy nhược cơ thể
– Trầm cảm
– Thiếu máu não
– Đột quỵ (tai biến mạch máu não)
– Tăng huyết áp
– Bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh thận, rối loạn nội tiết tố,…
Và gây ảnh hưởng tới chất lượng công việc.
>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân khó ngủ tuổi dậy thì và những điều bố mẹ cần biết
3. Nên ngủ bao lâu thì đủ?
Giấc ngủ rất quan trọng, thời lượng giấc ngủ giảm dần theo tuổi tác. Đó là lý do vì sao bạn thấy trẻ em (đặc biệt là trẻ sơ sinh) ngủ rất nhiều, còn người lớn (đặc biệt là người cao tuổi) lại ngủ rất ít.
Người từ 65 tuổi trở lên ngủ từ 7-8 tiếng.
Người trưởng thành khỏe mạnh có độ tuổi từ 18-64 tuổi nên ngủ từ 7-9 tiếng được coi là đủ.
Từ 14-17 tuổi ngủ đủ 8-10 tiếng.
Từ 6-13 tuổi ngủ đủ 9-11 tiếng
Từ 3-5 tuổi ngủ đủ 10-13 tiếng
Từ 1-2 tuổi ngủ đủ 11-14 tiếng
Trẻ sơ sinh và trẻ từ dưới 3 tháng tuổi ngủ đủ từ 14-17 tiếng.
Ngủ ít sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, gia tăng mắc các bệnh lý kể trên. Nhưng nếu bạn ngủ quá nhiều, cũng không tốt, dễ dẫn đến đau đầu.
4. Cách điều trị đau đầu do thiếu ngủ?
Đau đầu do thiếu ngủ nếu được phát hiện sớm và xử lý đúng nguyên nhân (ngủ đủ giấc, các biện pháp hỗ trợ giấc ngủ đạt chất lượng) thì tình trạng đau đầu sẽ sớm được cải thiện. Để giảm bớt cơn đau đầu bạn có thể dùng thuốc giảm đau không kê toa như paracetamol (hapacol) theo đúng chỉ dẫn và liều lượng của bác sĩ (tuyệt đối không lạm dụng thuốc giảm đau).
Nếu việc cải thiện giấc ngủ (ngủ đủ giấc) mà vẫn không làm các triệu chứng đau đầu giảm đi, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và tìm ra phác đồ điều trị. Bởi đau đầu có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.
Bên cạnh việc cố gắng ngủ đủ giấc, dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, bạn cũng nên áp dụng một số biện pháp giúp hỗ trợ làm giảm tình trạng đau đầu do thiếu ngủ dưới đây:
– Châm cứu hoặc massage
– Chườm lạnh 5-10 phút để giảm đau đầu.
– Tập thể dục thường xuyên (nên tập các bài tập như yoga, thiền, đi bộ, chạy bộ, bơi,…)
– Nghỉ ngơi hợp lý, không gian yên tĩnh hạn chế tiếng ồn.
– Không hoặc hạn chế tối đa việc sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, cafein,…
– Đi ngủ và thức dậy vào giờ cố định mỗi ngày.
– Không nên sử dụng điện thoại di động hoặc các thiết bị điện tử khác 2 giờ trước khi đi ngủ.
– Buổi tối không nên ăn quá no.
– Trước khi đi ngủ không nên tập thể dục quá sức, không nên nghe nhạc mạnh.
– Không nên làm mất nhiệt cơ thể trước khi đi ngủ.
– Không nên uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ vì việc phải thức dậy đi vệ sinh có thể làm gián đoạn hoặc phá vỡ giấc ngủ của bạn.