Mất ngủ sau phẫu thuật: Nguyên nhân và hướng khắc phục

Sau khi trải qua phẫu thuật, ngoài việc phải chịu đựng những cơn đau hay cảm giác mệt mỏi, chán ăn thì người bệnh còn gặp phải chứng mất ngủ, khó ngủ. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và làm cản trở quá trình hồi phục. Do vậy, mất ngủ sau phẫu thuật là vấn đề không nên xem nhẹ mà cần sớm nhận diện được nguyên nhân và hướng khắc phục kịp thời.

Bạn đang đọc: Mất ngủ sau phẫu thuật: Nguyên nhân và hướng khắc phục

1. Nguyên nhân khiến người bệnh mất ngủ sau khi phẫu thuật

Cơn đau nhức, ảnh hưởng của thuốc gây tê/gây mê còn sót lại, tâm lý căng thẳng, lo lắng cùng chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng đều là các tác nhân phổ biến gây mất ngủ sau khi trải qua phẫu thuật. Trong một số trường hợp, mất ngủ còn có thể là biểu hiện cho thấy bệnh lý cần điều trị vẫn chưa được khắc phục triệt để.

1.1 Ảnh hưởng của thuốc gây tê, gây mê

Sử dụng thuốc gây tê, gây mê trước khi phẫu thuật là phương pháp giúp người bệnh không phải trải qua cảm giác đau đớn, khó chịu trong suốt quá trình bác sĩ thực hiện các thủ thuật chuyên môn. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc tê hay thuốc mê có thể để lại một vài tác dụng phụ ở giai đoạn hậu phẫu, trong đó có tình trạng mất ngủ, khó ngủ.

Mất ngủ sau phẫu thuật: Nguyên nhân và hướng khắc phục

Mất ngủ sau khi thực hiện phẫu thuật xảy ra do ảnh hưởng thuốc gây mê.

1.2 Mất ngủ sau phẫu thuật do cơn đau nhức

Sau khi thuốc tê/thuốc mê đã phát huy hết tác dụng, người bệnh trải qua cuộc phẫu thuật thường phải chịu đựng những cơn đau nhức âm ỉ rất khó chịu. Đây cũng chính là nguyên nhân phổ biến nhất khiến chất lượng giấc ngủ của người bệnh bị suy giảm nghiêm trọng.

1.3 Bất tiện liên quan tới quá trình chữa bệnh

Sau khi trải qua phẫu thuật, người bệnh có thể phải nằm bất động trên giường, hạn chế đi lại. Một số trường hợp nặng còn phải sử dụng bình oxy hay các máy móc, thiết bị y tế hỗ trợ khác gây vướng víu, khó chịu.

Bên cạnh đó, những hạn chế trong môi trường phòng bệnh như độ thông thoáng kém, giường nằm chật hẹp, nệm cứng, mùi thuốc khử trùng… đều gây bất tiện và làm ảnh hưởng lớn tới chất lượng giấc ngủ của người bệnh.

1.4 Mất ngủ sau phẫu thuật do căng thẳng, lo lắng

Lo lắng quá mức là tình trạng thường gặp ở nhiều bệnh nhân sau khi trải qua phẫu thuật. Ngay cả khi cả phẫu thuật diễn ra thành công, nhiều người vẫn thường xuyên có những suy nghĩ tiêu cực về tình trạng bệnh như lo lắng liệu bệnh có khỏi hẳn không, có để lại di chứng không, có tái phát không…

Tình trạng lo âu quá mức sẽ khiến thần kinh căng thẳng, làm cho người bệnh thường xuyên trằn trọc, khó ngủ và ngủ không ngon giấc. Bên cạnh đó, mất ngủ đồng thời xảy ra lại làm cho những mệt mỏi, căng thẳng sau phẫu thuật trở nên trầm trọng hơn. Tình trạng này kéo dài sẽ rất dễ dẫn tới suy nhược, thậm chí trầm cảm sau phẫu thuật.

Mất ngủ sau phẫu thuật: Nguyên nhân và hướng khắc phục

Căng thằng, lo lắng quá mức là tình trạng thường gặp ở nhiều bệnh nhân sau phẫu thuật.

1.5 Thói quen sinh hoạt đảo lộn

Quá trình điều trị sau phẫu thuật chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Nhiều người chưa kịp điều chỉnh giờ giấc ăn uống, ngủ nghỉ cho khoa học, phù hợp. Ngoài ra, việc ngủ quá nhiều vào ban ngày cùng với ít vận động thể chất sẽ khiến khí huyết kém lưu thông và làm đảo lộn chu kỳ giấc ngủ. Khi đó, giấc ngủ ban đêm sẽ bị gián đoạn, người bệnh thường trằn trọc và hay mộng mị.

1.6 Lạm dụng thuốc giảm đau thuốc ngủ

Nhiều bệnh nhân sau khi phẫu thuật phải sử dụng thuốc giảm đau và thuốc an thần để có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ. Tuy nhiên, nếu không sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ mà lạm dụng một cách bừa bãi sẽ dẫn tới phụ thuộc, khiến người bệnh không thể ngủ khi ngừng thuốc.

1.7 Ăn uống thiếu chất

Trải qua cuộc phẫu thuật dù lớn hay nhỏ, sức khỏe người bệnh đều bị ảnh hưởng đáng kể, khả năng miễn dịch suy giảm, nhiều cơ quan bộ phận chưa thể hoạt động bình thường trở lại. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc còn làm ảnh hưởng tới vị giác, khiến người bệnh ăn uống không ngon miệng. Do vậy, nếu không được chăm sóc bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý, người bệnh rất dễ rơi vào tình trạng suy nhược, xanh xao, kéo theo đó là tình trạng mất ngủ, khó ngủ sau phẫu thuật.

1.8 Chưa khắc phục được triệt để bệnh lý đang điều trị

Đây là nhóm nguyên nhân không quá phổ biến nhưng vẫn có nguy cơ xảy ra, điển hình là tình trạng mất ngủ sau mổ tuyến giáp. Với trường hợp này, người bệnh cần được xem xét kỹ càng nguyên nhân gây mất ngủ vì nó có thể xuất phát từ các yếu tố thông thường kể trên hoặc cũng có thể bắt nguồn từ ảnh hưởng của bệnh lý tuyến giáp khi chưa được điều trị triệt để. Do vậy, bệnh nhân nên tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và xác định chính xác nguyên nhân gây mất ngủ, từ đó có hướng giải quyết phù hợp.

2. Phương pháp cải thiện giấc ngủ sau phẫu thuật

Để cải thiện chứng mất ngủ sau khi phẫu thuật, người bệnh nên thực hiện một số khuyến cáo sau đây:

2.1 Ăn uống đúng cách để cải thiện giấc ngủ sau phẫu thuật

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng không chỉ giúp quá trình hồi phục sức khỏe diễn ra nhanh hơn mà còn là phương pháp để hạn chế mất ngủ sau phẫu thuật. Người bệnh nên bổ sung các loại thực phẩm tốt cho giấc ngủ như cháo yến mạch, cháo hạt sen, canh lạc tiên… vừa có tác dụng bồi bổ sức khỏe, vừa giúp cho giấc ngủ diễn ra dễ dàng và liền mạch.

Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu về căn bệnh thiếu máu não ở trẻ em

Mất ngủ sau phẫu thuật: Nguyên nhân và hướng khắc phục

Bổ sung đa dạng các loại thực phẩm tốt cho giấc ngủ vào bữa ăn hàng ngày để phòng ngừa và cải thiện mất ngủ sau khi phẫu thuật.

2.2 Chế độ sinh hoạt khoa học

Mặc dù nên tăng cường nghỉ ngơi sau phẫu thuật nhưng người bệnh cũng cần hạn chế việc ngủ quá nhiều vào ban ngày. Bên cạnh đó, nên tập thói quen đi ngủ và thức dậy vào một giờ cố định để thiết lập đồng hồ sinh học tự nhiên, giúp người bệnh tránh được tình trạng trằn trọc, khó ngủ vào ban đêm.

2.3 Tránh các tác nhân gây căng thẳng

Luôn giữ tinh thần lạc quan và tích cực chính là biện pháp tốt nhất để cải thiện chứng mất ngủ và bình phục sức khỏe nhanh chóng sau phẫu thuật. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được giải đáp, tránh suy nghĩ lo âu quá mức. Ngoài ra, những người xung quanh cũng cần thường xuyên thăm hỏi, động viên để người bệnh luôn cảm thấy thoải mái và yên tâm điều trị.

2.4 Tập thể dục

Khi cơ thể đã hồi phục tương đối, người bệnh nên hạn chế nằm hay ngồi quá nhiều trên giường. Thay vào đó, nên thường xuyên đi dạo, tập thể dục nhẹ nhàng giúp giảm mệt mỏi, đau nhức cơ xương khớp và thúc đẩy tuần hoàn máu lưu thông. Từ đó, thể trạng và tinh thần sẽ trở nên nhẹ nhõm, khoan khoái, chất lượng giấc ngủ ban đêm cũng sẽ được cải thiện đáng kể.

Mất ngủ sau phẫu thuật: Nguyên nhân và hướng khắc phục

>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân và cách điều trị mất ngủ mãn tính hiệu quả

Người bệnh đủ sức khỏe nên tích cực tập thể dục nhẹ nhàng để ngủ dễ và ngủ ngon hơn vào ban đêm.

2.5 Thư giãn cơ thể

Người bị mất ngủ sau khi phẫu thuật cần tránh tiếp xúc với các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, máy tính trước khi ngủ. Nên duy trì các hoạt động như nghe nhạc, đọc sách hay ngâm chân nước ấm để cơ thể thư giãn và dễ dàng đi vào giấc ngủ.

Mất ngủ sau phẫu thuật là vấn đề sức khỏe không nên xem nhẹ. Nếu gặp phải tình trạng này, người bệnh nên chủ động áp dụng các phương pháp hỗ trợ, đồng thời tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để sớm cải thiện tình hình, tránh xảy ra những hệ lụy sức khỏe và làm ảnh hưởng tới quá trình hồi phục sau phẫu thuật.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *