Siêu âm nội soi là một trong những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực nội soi đường tiêu hóa. Kỹ thuật tiên tiến này là sự kết hợp giữa nội soi và siêu âm, có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán giai đoạn của các tổn thương đường tiêu hóa. Bài viết sau của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI sẽ giải thích rõ siêu âm nội soi (EUS) là gì, quy trình và các lưu ý khi thực hiện.
Bạn đang đọc: Siêu âm nội soi (EUS) là gì và được thực hiện như thế nào?
1. Siêu âm nội soi (EUS) là gì?
Nội soi tiêu hóa là thăm dò chức năng sử dụng dây soi gắn camera để quan sát bên trong đường tiêu hóa. Đây là phương pháp hiệu quả giúp phát hiện và đánh giá chính xác các tổn thương tại niêm mạc ống tiêu hóa. Tuy nhiên, nội soi lại không xác định được rõ ràng mức độ xâm lấn của tổn thương cũng như gặp khó khăn trong việc phát hiện những bất thường nằm dưới lớp biểu mô phủ.
Siêu âm nội soi có tên tiếng Anh là Endoscopic Ultrasound, viết tắt là EUS. Đây là kỹ thuật kết hợp giữa nội soi tiêu hóa và siêu âm, giúp khắc phục hạn chế nói trên của nội soi. Theo đó, thiết bị có khả năng thu phát sóng siêu âm được gắn lên đầu ống nội soi.
Khi ống nội soi được đưa vào đường tiêu hóa, đầu dò siêu âm sẽ áp sát vị trí cần thăm dò và tiến hành siêu âm từ lòng ống tiêu hóa. Nhờ đó, bác sĩ có thể quan sát bề mặt đường tiêu hóa và tổ chức bên dưới lớp biểu mô. Hình ảnh siêu âm nội soi ghi lại giúp bác sĩ đánh giá rõ mức độ xâm lấn của các tổn thương tại đường tiêu hóa. Điều này giúp bác sĩ xác định được giai đoạn của các bệnh lý đường tiêu hóa (đặc biệt là ung thư) để có giải pháp can thiệp điều trị kịp thời, hiệu quả.
Siêu âm nội soi (EUS) có ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị ung thư đường tiêu hóa giai đoạn sớm
2. Khi nào nên thực hiện siêu âm nội soi tiêu hóa?
2.1. Trường hợp chỉ định siêu âm nội soi (EUS) là gì?
Siêu âm nội soi được chỉ định trong chẩn đoán các bất thường dưới niêm mạc đường tiêu hóa, bao gồm:
– Xác định vị trí tổn thương, xác định tổn thương từ bên ngoài hay ở thành ống tiêu hóa.
– Phát hiện và đánh giá các bệnh lý đường tiêu hóa như: viêm loét dạ dày, viêm nhiễm đường ruột, khối u đường tiêu hóa, ung thư đường tiêu hóa… Siêu âm nội soi giúp xác định kích thước, tình trạng, mức độ xâm lấn của các tổn thương.
– Hỗ trợ chẩn đoán giãn tĩnh mạch thực quản và dạ dày. Đây là tình trạng các mạch máu trong thực quản hoặc dạ dày bị giãn ra do sự gia tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
– Phát hiện một số bệnh lý của đường dẫn mật và tuyến tụy như: giun đường mật, sỏi đường mật, viêm tụy mạn, ung thư tuyến tụy, ung thư túi mật,…
– Dẫn lưu nang giả tụy dưới hướng dẫn của siêu âm nội soi.
– Điều trị giảm đau cho người bệnh ung thư thư tụy và viêm tụy mạn bằng kỹ thuật phong bế đám rối và hạch thân tạng.
– Chẩn đoán xác định các bệnh lý bằng phương pháp chọc hút tế bào kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm nội soi. Các vị trí tiến hành chọc hút có thể gồm: thành ống tiêu hóa, tụy, đường mật, gan, tuyến thượng thận, khối sau phúc mạc, hạch lympho,…
2.2. Trường hợp chống chỉ định siêu âm nội soi (EUS) là gì?
Một số trường hợp chống chỉ định thực hiện siêu âm nội soi bao gồm:
– Người mắc các bệnh lý tại thực quản có nguy cơ làm thủng thực quản (do hóa chất, thuốc gây hẹp thực quản,…).
– Người bị suy tim, nhồi máu cơ tim cấp, cơn tăng huyết áp, suy hô hấp.
– Người cao tuổi, cơ thể suy nhược, sức khỏe kém.
– Người bệnh tâm thần khó phối hợp trong việc thực hiện thủ thuật.
– Một số trường hợp khác như: người bị vẹo cột sống, người đang có biểu hiện ho nhiều,…
Tìm hiểu thêm: Chi phí chụp cộng hưởng từ bao nhiêu tiền?
Siêu âm nội soi (EUS) được chỉ định nhằm chẩn đoán và hỗ trợ điều trị các bệnh lý tại đường tiêu hóa và một số tạng xung quanh
3. Siêu âm nội soi (EUS) được thực hiện như thế nào?
Quy trình nội soi siêu âm tại Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI được thực hiện theo các bước như sau:
3.1. Khám ban đầu
Người bệnh được bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa thăm khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp nội soi phù hợp nhất và các xét nghiệm cần thiết trước khi tiến hành nội soi.
3.2. Hoàn thiện hồ sơ trước nội soi
Người bệnh cung cấp cho điều dưỡng thông tin về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý, tiền sử dị ứng và các thông tin cần thiết khác. Điều dưỡng sẽ kiểm tra huyết áp cho người bệnh để đảm bảo an toàn nội soi, đặc biệt là với nội soi không đau (nội soi gây mê).
Sau đó, người bệnh sẽ nhận quần áo nội soi, bộ dụng cụ nội riêng biệt. Đồng thời, người bệnh được hướng dẫn uống thuốc tan bọt dạ dày (với nội soi dạ dày) và thuốc làm sạch đại tràng (với nội soi đại tràng).
3.3. Tiến hành siêu âm nội soi đường tiêu hóa
Ống nội soi sẽ được đưa vào dạ dày (qua đường miệng hoặc mũi) và đại tràng (qua đường hậu môn). Trong quá trình này bác sĩ chưa sử dụng nút siêu âm.
Bác sĩ quan sát bề mặt đường tiêu hóa để phát hiện các tổn thương. Đầu dò được áp sát lên niêm mạc đường tiêu hóa và thực hiện thao tác siêu âm. Nhờ đó bác sĩ có thể xác định mức độ xâm lấn của tổn thương. Dựa vào hình ảnh siêu âm nội soi thu được, bác sĩ sẽ có hướng can thiệp phù hợp để điều trị các tổn thương tại đường tiêu hóa.
Mặt khác siêu âm nội soi còn có khả năng quan sát các tạng xung quanh đường tiêu hóa như gan, mật, lách, tụy, tâm nhĩ trái, quai động mạch chủ,… và phát hiện các bất thường.
>>>>>Xem thêm: Giải đáp: Thời gian nội soi dạ dày cách nhau bao lâu
Siêu âm nội soi (EUS) xác định tổn thương đang khu trú trên lớp niêm mạc đường tiêu hóa hay đã xâm lấn xuống các lớp bên dưới
3.4. Bác sĩ đọc kết quả siêu âm nội soi
Người bệnh nhận kết quả nội soi ngay sau khi hoàn tất quá trình siêu âm nội soi đường tiêu hóa. Tại Thu Cúc TCI, người bệnh được tặng suất ăn nhẹ miễn phí giúp giảm cảm giác đói mệt khi phải nhịn ăn trong nhiều giờ.
Người bệnh gặp bác sĩ chuyên khoa để được giải thích kết quả nội soi. Bác sĩ sẽ phân tích rõ tình trạng sức khỏe của người bệnh và tư vấn hướng điều trị hiệu quả.
4. Những lưu ý khi thực hiện siêu âm nội soi đường tiêu hóa
Người bệnh cần nhịn ăn trong vòng 6 giờ trước khi thực hiện thủ thuật siêu âm nội soi. Ngoài ra, trước khi nội soi, người bệnh cần làm sạch đường tiêu hóa (bằng thuốc tan bọt dạ dày và thuốc nhuận tràng). Điều này nhằm đảm bảo hiệu quả chẩn đoán và an toàn khi thực hiện các thủ thuật can thiệp.
Sau khi nội soi xong, người bệnh có thể cảm thấy khó chịu ở cổ họng hoặc chướng bụng. Triệu chứng này sẽ nhanh chóng biến mất, không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên nếu phát hiện các triệu chứng bất thường như đau quặn bụng hoặc đi ngoài ra máu, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ.
Thu Cúc TCI tiên phong kết hợp siêu âm nội soi (EUS) và nội soi phóng đại nhuộm màu (MCE) để đưa vào ứng dụng công nghệ nội soi cao cấp MCU. Công nghệ này mang lại bước đột phá giúp chẩn đoán sớm – điều trị sớm ung thư đường tiêu hóa ngay trong 1 ngày. Những người muốn tầm soát ung thư sớm đường tiêu hóa, những người có nguy cơ cao mắc ung thư và các bệnh lý tiêu hóa khác được khuyến cáo nội soi MCU định kỳ hàng năm.
Bài viết đã giải thích khái niệm siêu âm nội soi (EUS) là gì và các bước thực hiện phương pháp nội soi này. Có thể thấy, đây là thành tựu nổi bật của y khoa trong lĩnh vực nội soi, nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa, đặc biệt là tiền ung thư và ung thư giai đoạn sớm.