Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em là một hiện tượng không quá nguy hiểm nhưng thường khiến trẻ mệt mỏi, ủ rũ, buồn ngủ, khó chịu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh có thể cản trở sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ của trẻ. Tuy nhiên, trẻ em có nhu cầu về giấc ngủ khác nhau, phụ thuộc vào từng độ tuổi. Chứng rối loạn giấc ngủ xảy ra ở mỗi trẻ khác nhau cũng không giống nhau. Việc hiểu biết về nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp cha mẹ có phương án khắc phục phù hợp với từng trẻ.
Bạn đang đọc: Rối loạn giấc ngủ ở trẻ: Nguyên nhân, cách khắc phục
1. Rối loạn giấc ngủ ở trẻ là hiện tượng gì?
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 25% – 30% số lần phụ huynh cùng con đến gặp bác sĩ nhi khoa có liên quan đến các vấn đề về rối loạn giấc ngủ.
Ở trẻ em, rối loạn giấc ngủ chủ yếu biểu hiện:
– Trẻ khó đi vào giấc ngủ
– Hay thức giấc vào ban đêm hoặc thức giấc vào sáng sớm
– Trẻ mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày
Tình trạng này có thể lặp đi lặp lại khiến trẻ mệt mỏi, ủ rũ, buồn ngủ và khó chịu suốt cả ngày. Đôi khi cản trở sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ của trẻ.
Tuy nhiên trẻ em có nhu cầu về giấc ngủ khác nhau, phụ thuộc vào từng độ tuổi. Trẻ sơ sinh cần ngủ khoảng 16 tiếng mỗi ngày, phân thành từng đợt với thời lượng khoảng 4 tiếng. Từ 5 đến 10 tuổi, trẻ thường ngủ khoảng 10 hoặc 12 giờ một ngày. Và khi sang tuổi vị thành niên, nhu cầu ngủ của trẻ giảm xuống còn 8 giờ một ngày. Bởi vậy, hiện tượng rối loạn giấc ngủ ở mỗi trẻ cũng khác nhau về nguyên nhân và triệu chứng.
2. Nguyên nhân chính khiến trẻ gặp chứng rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng 20 – 30% trẻ em dưới 6 tuổi, 10% trẻ 6 – 12 tuổi và 15 – 20% thanh thiếu niên. Bệnh có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau.
2.1. Rối loạn giấc ngủ ở trẻ do mất ngủ
Mất ngủ nói một cách đơn giản là sự khó khăn trong việc bắt đầu và duy trì giấc ngủ. Hoặc cảm giác trẻ ngủ không ngon. Các nguyên nhân gây mất ngủ ở trẻ bao gồm:
Mất ngủ do hành vi: là việc trẻ không có khả năng đi vào giấc ngủ nếu ở một mình, có biểu hiện chống đối và lo lắng khi đi ngủ. Trẻ cũng thức dậy rất thường xuyên.
Mất ngủ do vệ sinh giấc ngủ không đầy đủ: thường liên quan đến các hoạt động được thực hiện vào ban ngày, những hoạt động ngăn cản chất lượng giấc ngủ vào ban đêm. Có thể kể đến như: ăn nhiều socola hoặc caffeine, hoạt động thể chất cường độ cao, sử dụng máy tính, điện thoại quá nhiều…
Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất ở trẻ. Tình trạng này thường được điều trị và giải quyết với sự giúp đỡ của các bác sĩ chuyên môn.
2.2. Hội chứng chân bồn chồn
Hội chứng chân bồn chồn hay còn gọi là hội chứng chân không yên, hoặc Willis-Ekbom (RLS/ WED). Đây là một bệnh lý thần kinh làm cho cơ thể có những cơn xung động ở chân hầu như không kiểm soát được. Điều này làm đôi chân cảm thấy rất khó chịu, trẻ thường phải đứng lên di chuyển để bớt khó chịu.
Hội chứng thường xảy ra vào tối hoặc ban đêm khi trẻ đang ngồi hoặc nằm. Tình trạng này cũng có thể xảy ra đối với cả đôi tay. Bệnh có thể phá vỡ giấc ngủ của trẻ và làm trẻ buồn ngủ ban ngày.
2.3. Hội chứng ngưng thở
Đây là một rối loạn hô hấp xảy ra trong khi ngủ do các mô mềm của cổ họng xẹp xuống và đóng lại trong thời gian ngủ. Điều đó gây ra những đợt tắc nghẽn hoàn toàn hoặc một phần đường hô hấp trên lặp đi lặp lại.
Một số bệnh lý như amidan lớn, dị dạng sọ, các bệnh thần kinh, béo phì, trào ngược dạ dày thực quản là nguyên nhân của chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ.
Khàn tiếng thường xuyên, khó thở vào ban đêm, buồn ngủ vào ban ngày hoặc khó tập trung có thể là dấu hiệu trẻ mắc hội chứng này.
2.4. Mộng du
Mộng du là một chứng rối loạn giấc ngủ của trẻ rất phổ biến, nhất là trẻ em trong độ tuổi đi học. Bệnh thường lành tính và tự khỏi khi trẻ lớn lên mà không cần điều trị.
Mộng du là tình trạng trẻ đứng dậy đi lại khi vẫn đang ngủ. Bệnh thường xảy ra ở giữa giai đoạn ngủ say và chuẩn bị thức giấc. Đứa trẻ không phản ứng với các kích thích bên ngoài và không nhớ bất cứ điều gì. Trong một số trường hợp, trẻ thường nói những điều vô nghĩa.
Tìm hiểu thêm: Dấu hiệu mất ngủ cảnh báo bệnh gì?
2.5. Nỗi kinh hoàng ban đêm
Kinh hoàng ban đêm là một loại rối loạn giấc ngủ có vẻ giống như một cơn ác mộng, nhưng không phải như vậy. Tình trạng này thường xảy ra ở giai đoạn đầu giấc ngủ. Dấu hiệu là khi trẻ em đang ngủ đột ngột ngồi dậy trên giường và la hét, khóc lóc, khó chịu và kích động. Như mộng du, trẻ không phản ứng với các kích thích bên ngoài và không nhớ gì.
2.6. Ác mộng
Ác mộng là những trạng thái ngủ kéo dài, phức tạp, với sự gia tăng dần dần cảm giác sợ hãi hoặc lo lắng. Đứa trẻ tỉnh dậy rất sợ hãi và hoàn toàn tỉnh táo. Trẻ có thể mô tả chi tiết giấc mơ với cảm giác rất đau khổ và đáng sợ. Thường thì đứa trẻ tin rằng những gì nó đã mơ đã thực sự xảy ra.
Cha mẹ không thể giúp con tránh khỏi những cơn ác mộng nhưng có thể giúp trẻ ngủ thoải mái hơn, giảm thiểu ác mộng.
2.7. Rối loạn chuyển động nhịp điệu liên quan đến giấc ngủ (RMD)
Đây là hiện tượng xuất hiện những chuyển động lặp đi lặp lại ảnh hưởng đến một số bộ phận của cơ thể như đầu, thân mình, tứ chi hoặc toàn bộ cơ thể, xảy ra khi trẻ đang ngủ. Rối loạn chuyển động nhịp điệu lúc ngủ bắt đầu khi trẻ chưa được một tuổi và biến mất khi trẻ lớn hơn.
2.8. Chứng ngủ rũ là rối loạn giấc ngủ ở trẻ rất hiếm gặp
Chứng ngủ rũ là một chứng rối loạn rất hiếm gặp ở thời thơ ấu và thường tự hình thành ở tuổi thiếu niên và thanh niên. Nó được đặc trưng bởi tình trạng buồn ngủ vào ban ngày, mất trương lực cơ do một cảm xúc kích hoạt, duy trì trải nghiệm sống như thật và bị cảm giác bất động. Đặc biệt chứng ngủ rũ có thể xảy ra ở bất cứ lúc nào, khi thực hiện bất kỳ hoạt động nào trong ngày.
Đây là một rối loạn mạn tính và cần được điều trị để đứa trẻ có thể có một cuộc sống bình thường. Vai trò của cha mẹ trong giai đoạn này đặc biệt quan trọng trong việc thiết lập thói quen vệ sinh giấc ngủ.
>>>>>Xem thêm: Các dấu hiệu sớm của cơn động kinh
3. Các khuyến cáo giúp trẻ phòng tránh rối loạn giấc ngủ
3.1. Trẻ dưới 2 tháng
– Điều rất quan trọng là bé phải tỉnh táo khi ăn
– Sau mỗi cữ bú, hãy bế trẻ thức một lúc để ợ hơi
– Sau khi thay tã, hãy để trẻ thức trong nôi để trẻ tự học cách đi vào giấc ngủ mà không có sự trợ giúp của ai
– Nên xây dựng một thói quen trước khi đi ngủ của trẻ: Tắm – massage – ăn tối – hát ru hoặc kể chuyện – ngủ.
3.2. Trẻ từ 2 đến 5 tháng
– Luôn làm các hoạt động như trên trước khi đi ngủ
– Không đánh thức trẻ vào ban đêm để cho trẻ ăn
– Từ 3 tháng tuổi nên cho trẻ ngủ phòng riêng
3.3. Trẻ từ 5 đến 12 tháng
Trong giai đoạn này bé không nên ăn đêm nữa. Nếu bé thức dậy, cha mẹ nên xoa dịu bé bằng những cái vuốt ve và những câu nói yêu thương.
Cha mẹ có thể đưa cho bé một đồ chơi như một con búp bê, một con thú nhồi bông… để bé bầu bạn trước khi ngủ.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên duy trì thói quen ngủ trước và để trẻ tự ngủ. Như vậy sẽ tránh được tình trạng rối loạn giấc ngủ ở trẻ.
3.4. Trẻ từ 12 tháng
– Môi trường ngủ phải yên tĩnh, tối và nhiệt độ dễ chịu
– Cho bé đi ngủ và thức dậy đúng giờ
– Thay tã bỉm cho trẻ trước khi ngủ
– Tránh hoạt động thể chất cường độ cao 1-2 giờ trước khi đi ngủ
– Tránh cho trẻ uống socola, nước ngọt có chứa caffeine
– Không để trẻ ngủ trưa quá lâu
3.5. Trẻ từ 2 tuổi
– Nếu trẻ phản đối hoặc quấy khóc trong đêm, hãy cho trẻ sự an toàn và tiếp tục để trẻ ngủ
– Giữ cho trẻ không đói trước khi ngủ nhưng không để trẻ uống quá nhiều nước vì như vậy sẽ khiến trẻ thức giấc để đi tiểu
3.6. Trẻ từ 2 đến 5 tuổi
– Trẻ chỉ cần một giấc ngủ ngắn để bổ sung cho giấc ngủ ban đêm
– Không để trẻ quá lo lắng hoặc sợ hãi
– Tránh cho trẻ ăn những thức ăn và đồ uống quá nhiều trước khi ngủ
– Hạn chế hoạt động thể chất mạnh 1-2 giờ trước khi đi ngủ
– Không bao giờ liên kết thức ăn hoặc giấc ngủ với sự trừng phạt hoặc đe dọa trẻ
– Nếu trẻ phản đối hoặc quấy khóc vào ban đêm, đừng quát mắng trẻ, hãy cho trẻ an toàn và tiếp tục ngủ
3.7. Giai đoạn vị thành niên
Cha mẹ cần học cách nhận biết các dấu hiệu của việc rối loạn giấc ngủ của trẻ giai đoạn này: cáu kỉnh, khó thức dậy, mệt mỏi, thiếu tập trung ban ngày… Để cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ ở những trẻ này, cha mẹ cần:
– Tránh cho trẻ sử dụng điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng … trước khi ngủ
– Làm gương với thói quen ngủ tốt
Các biện pháp cải thiện giấc ngủ trên đây chỉ mang tính tham khảo, không phải là tuyệt đối. Nếu con em mình có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hoặc tình trạng rối loạn giấc ngủ ở trẻ trở nên nghiệm trọng, cha mẹ nên đưa đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Hầu hết các rối loạn giấc ngủ đều có thể được điều trị được nếu phát hiện sớm và chữa đúng chuyên khoa.