Chứng sa sút trí tuệ là tình trạng suy giảm chức năng nhận thức và khả năng ghi nhớ, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Đây là bệnh thường gặp ở người cao tuổi, nhưng đôi khi cũng xuất hiện cả ở người trẻ. Vậy sa sút trí tuệ có biểu hiện ra sao và cách phòng tránh như thế nào? Cùng tìm hiểu ngay!
Bạn đang đọc: Biểu hiện và cách phòng tránh chứng sa sút trí tuệ
1. Những ai có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ?
Có rất nhiều yếu tố gây sa sút trí tuệ. Những người có các yếu tố nguy cơ này là những đối tượng dễ bị sa sút trí tuệ, bao gồm:
– Người có tiền sử huyết áp: Huyết áp cao ở tuổi trung niên dễ tăng nguy cơ mắc sa sút trí tuệ. Tăng huyết áp làm tăng nhanh quá trình thoái hóa thần kinh hoặc gây teo não. Tuy nhiên, đối với người cao tuổi, sa sút trí tuệ có thể được báo trước từ huyết áp thấp.
– Người bị béo phì, đặc biệt là ở tuổi trung niên có thể bị sa sút trí tuệ khi về già. Nhất là những người bị đái tháo đường có nguy cơ mắc cao hơn so với người khác.
– Bệnh tim mạch: Các bệnh lý về tim mạch vành có thể khiến não bộ thiếu hụt máu và oxy, làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.
– Các bệnh về mạch máu não: Nhồi máu não, đột quỵ là những yếu tố nguy cơ chính gây sa sút trí tuệ, đặc biệt là sau khi người bệnh trải qua cơn đột quỵ.
– Sử dụng rượu bia quá mức: Uống quá nhiều rượu bia có thể gây sa sút trí tuệ và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, gan thận…
– Chế độ dinh dưỡng không khoa học: Ăn quá nhiều đồ dầu mỡ, ăn mặn là những yếu tố tăng nguy cơ mắc sa sút trí tuệ.
2. Sa sút trí tuệ có biểu hiện thế nào?
Biểu hiện thường gặp và nổi bật nhất ở sa sút trí tuệ chính là suy giảm trí nhớ tăng nặng theo thời gian, người bệnh mất dần khả năng nhận thức và trí tuệ, mất đi mọi khả năng sinh hoạt độc lập và phải dựa vào người khác.
2.1 Biểu hiện chứng sa sút trí tuệ ở giai đoạn đầu
Người bệnh có thể bị suy giảm trí nhớ ngắn hạn, biểu hiện như nhắc đi nhắc lại một câu hỏi, thậm chí chỉ cách nhau một thời gian ngắn, thường xuyên quên đồ vật, quên các từ ngữ thường dùng và biểu đạt vòng vo. Thay đổi nhân cách, rối loạn cảm xúc và giảm khả năng tư duy, đánh giá. Người bệnh lúc này có thể thay đổi tâm tính, dễ nóng giận và kích động hơn. Trong giai đoạn này, biểu hiện thường dễ bộc lộ khi người bệnh sống trong môi trường mới hoàn toàn xa lạ.
2.2 Biểu hiện sa sút trí tuệ ở giai đoạn trung gian
Đây là lúc người bệnh sẽ cảm thấy khó và không thể làm được công việc hàng ngày như tắm rửa, mặc quần áo… Mất đi khả năng thu nhận thông tin, dẫn tới rối loạn định hướng nặng về không gian và thời gian. Bệnh nhân có thể đi lạc ngay cả khi ở trong nhà của mình. Nặng hơn, người bệnh có thể mắc chứng hoang tưởng, trở nên nghi kỵ người xung quanh.
2.3 Biểu hiện chứng sa sút trí tuệ ở giai đoạn nặng
Đây là giai đoạn người bệnh hoàn toàn lệ thuộc vào người khác trong các hoạt động thường ngày như ăn uống, đi lại, tắm rửa… Người bệnh thậm chí không thể nhận biết được người thân trong gia đình, không đi lại được và phải nằm liệt giường.
Tìm hiểu thêm: Suy giảm trí nhớ do tuổi già hay vì bệnh Alzheimer?
3. Phương pháp phòng ngừa sa sút trí tuệ
Hiện nay, với sự tiến bộ của y học, người bệnh sa sút trí tuệ đã có thể được điều trị ở giai đoạn sớm hoặc làm chậm quá trình phát triển của bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Để có thể phòng tránh sa sút trí tuệ, điều cần thiết nhất là phải phát hiện sớm và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ để làm chậm quá trình phát triển của bệnh. Ngoài việc tuân thủ theo tiến trình trị liệu của bác sĩ, người bệnh cũng nên áp dụng một số phương pháp sau:
3.1 Về ăn uống
Bổ sung đầy đủ các loại vitamin thiết yếu, đặc biệt là vitamin B6, B12 và chất béo tốt như Omega-3… Hạn chế tối đa chất béo xấu, thực phẩm chứa nhiều muối như đồ ăn nhanh, chế biến sẵn hay đồ ăn đóng hộp, hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá.
3.2 Vận động, tập luyện thể dục thể thao hàng ngày
Việc này giúp cải thiện trí nhớ và làm chậm quá trình lão hóa cũng như sa sút trí tuệ. Bạn nên tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày với các bài tập phù hợp thể trạng sức khỏe như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe, tập gym…
3.3 Tham gia các hoạt động xã hội, chơi các trò chơi trí tuệ
Các hoạt động hay trò chơi giúp não bộ được vận động, làm giảm khả năng suy giảm trí nhớ. Đối với người nhà cần chia sẻ, thông cảm với người bệnh, lời nói cần rõ ràng, chậm rãi, thường xuyên thăm hỏi.
Thực tế cho thấy, việc chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ là rất khó khăn và cần sự kiên trì. Đôi khi, những người chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ hay bị ốm và trầm cảm hơn so với người bình thường.
>>>>>Xem thêm: Sa sút trí tuệ mạch máu: Nguyên nhân và biểu hiện
Hi vọng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn những kiến thức để nhận biết và phòng tránh chứng sa sút trí tuệ. Các thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo và không có tính tuyệt đối. Ngay khi phát hiện bản thân hay người nhà có dấu hiệu sa sút trí tuệ, cần nhanh chóng đưa đến chuyên khoa thần kinh uy tín để được thăm khám và có hướng điều trị phù hợp, tránh biến chứng nặng nề.