Thời tiết lạnh làm cho các mạch máu dễ bị co lại, huyết áp tăng đột ngột làm gia tăng áp lực khiến mạch máu dễ bị vỡ dẫn tới đột quỵ cấp. Cùng tìm hiểu về bệnh đột quỵ và những biện pháp quan trọng giúp phòng ngừa căn bệnh này trong mùa lạnh qua bài viết sau đây.
Bạn đang đọc: Đề phòng đột quỵ cấp gia tăng khi thời tiết lạnh
1. Đột quỵ cấp là gì?
Đột quỵ cấp hay còn gọi là bệnh tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng lượng máu cung cấp cho một phần của não bộ đột nhiên bị chặn lại (tắc mạch hay còn gọi là nhồi máu não) hoặc có một mạch máu trong não bộ bị vỡ (xuất huyết não hay vỡ mạch) khiến máu tràn vào khoảng không xung quanh các tế bào não, chèn ép các mô não khiến tế bào não thiếu oxy và chết.
2. Vì sao đột quỵ dễ xảy ra khi thời tiết lạnh?
2.1 Đột quỵ cấp ở người lớn tuổi
Thân nhiệt của người lớn tuổi thường thấp hơn người trẻ tuổi. Khả năng chịu lạnh cũng kém hơn. Khi ra khỏi chăn ấm, nhất là vào buổi sáng, họ sẽ dễ bị cảm lạnh. Sau đó khi đi vệ sinh lại thêm một lần mất nhiệt, cơ thể lạnh hơn nữa, gây co mạch, huyết áp tăng đột ngột. Từ đó dẫn tới các biến cố như vỡ mạch máu não, đau thắt ngực.
Trời lạnh cơ thể thường ít vận động, dễ dẫn tới tăng cân, béo phì. Đây cũng là yếu tố làm tăng huyết áp và dẫn tới đột quỵ.
Trước đây, đột quỵ thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên. Nhưng hiện nay bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Rất nhiều người trẻ, kể cả những người nổi tiếng cũng đột ngột qua đời vì đột quỵ khi tuổi đời còn rất trẻ.
2.2 Đột quỵ cấp ở người trẻ tuổi
Đột quỵ cấp xảy ra ở người trẻ tuổi chủ yếu do tâm lý chủ quan “phớt lờ” trước các dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe, nhất là các “tín hiệu” cảnh báo sớm nguy cơ bệnh lý tim mạch như: cao huyết áp, mỡ máu cao, đường máu cao, dư cân béo phì, acid uric trong máu cao,…
Với thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, sử dụng các chất kích thích, ăn uống không điều độ, ăn nhiều chất béo, lười vận động, thức khuya, tắm muộn, tắm nước quá lạnh, stress (căng thẳng)… làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch như: cao huyết áp, xơ vữa mạch máu, thiếu máu cục bộ cơ tim, nhồi máu cơ tim, suy tim,… là “hung thủ” dẫn tới tắc mạch máu não, vỡ mạch máu não, gây đột quỵ.
Tìm hiểu thêm: Chăm sóc bệnh nhân Parkinson sao cho tốt?
3. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ
Đột quỵ có thể xảy ra do yếu tố bệnh lý hoặc do lối sống không lành mạnh. Phần lớn những bệnh nhân bị đột quỵ gặp phải các yếu tố nguy cơ cao liên quan đến bệnh tim mạch như: huyết áp cao, tăng cholesterol, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim, đái tháo đường, béo phì, acid uric trong máu cao,…
Theo các chuyên gia, gần 80% các trường hợp đột quỵ do tắc mạch, chủ yếu là do cục máu đông hoặc do các mảng xơ vữa làm hẹp lòng mạch, 20% là do xuất huyết não. Người mắc bệnh tim mạch có nguy cơ đột quỵ cấp cao gấp 4 lần người bình thường. Trong đó, nam giới có nguy cơ bị đột quỵ não cao gấp 4 lần nữ giới. Ngoài ra, những người mắc đái tháo đường (tiểu đường) cũng có nguy cơ đột quỵ cao gấp 2-4 lần người bình thường.
4. Kiểm soát các chỉ số sức khỏe giúp phòng ngừa đột quỵ
Tiến sĩ Y học, Bác sĩ Nội thần kinh Nguyễn Văn Doanh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cho biết:
“Đột quỵ có thể phòng ngừa được nếu như chúng ta kiểm soát tốt các chỉ số sức khỏe trên bằng các biện pháp như tầm soát nguy cơ đột quỵ sớm hoặc thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Tim mạch ngay khi có các biểu hiện như: khó thở, tức ngực, hồi hộp, lo âu, ….Đặc biệt, những người cao tuổi, người đang mắc các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, huyết áp, tim mạch cần chủ động tầm soát nguy cơ đột quỵ thường xuyên để kiểm soát tốt các chỉ số sức khỏe và có biện pháp can thiệp khi cần thiết.
Đồng thời bạn cũng cần xây dựng cho mình lối sống lành mạnh như: có kế hoạch làm việc khoa học; tránh mất ngủ, căng thẳng, stress; duy trì cân nặng hợp lý; chế độ dinh dưỡng khoa học nên hạn chế chất béo, ngọt, thức ăn nhiều mắm muối, tăng cường ăn nhiều rau, củ, trái cây tươi; vận động thường xuyên như đi bộ, chạy bộ, đạp xe…; hạn chế bia rượu và không hút thuốc lá…”
>>>>>Xem thêm: Tai biến mạch máu não có biểu hiện như thế nào?
5. “Giờ vàng” cứu sống người bị đột quỵ cấp là bao lâu?
Theo thống kê tại Việt Nam, khoảng 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm trong đó gần 50% số ca bị đột quỵ là tử vong. Gần 90% bệnh nhân bị đột quỵ còn sống sót thường để lại các di chứng nặng nề như: liệt vận động, suy giảm nhận thức, trầm cảm hay rối loạn cảm xúc, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn tiểu tiện,… Chủ động thăm khám để loại trừ các bệnh lý, nhất là bệnh lý về tim mạch đồng thời duy trì lối sống lành mạnh là biện pháp tốt nhất giúp loại bỏ các yếu tố nguy cơ cao gây đột quỵ.
Bệnh nhân bị đột quỵ càng được cấp cứu sớm thì tỉ lệ sống sót càng cao và ít để lại di chứng nặng nề. Thời điểm vàng để cấp cứu bệnh nhân bị đột quỵ là từ 3-6 giờ khi cơn đột quỵ bắt đầu xuất hiện. Ngược lại, nếu qua “giờ vàng” nguy cơ để lại di chứng nặng nề sau này sẽ cao, điều trị khó khăn hơn và chi phí điều trị cũng sẽ cao hơn.
Cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất ngay khi họ có các biểu hiện như:
– Hôn mê, tê bì tay chân
– Mất ý thức
– Mất thăng bằng
– Đau đầu dữ dội
– Nói khó hoặc không nói được, nói không tròn vành rõ chữ,
– Cười mồm méo, lệch một bên
– Đột ngột mất hoặc giảm thị lực 1 trong 2 mắt
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn có thêm những kiến thức bổ ích về bệnh đột quỵ cấp để có thể phát hiện và điều trị, tránh những nguy hiểm do bệnh gây ra, nhất là khi thời tiết lạnh.