Chứng mất ngủ mạn tính (mất ngủ kinh niên) là tình trạng khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ sâu vào ban đêm, luôn trong tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ kéo dài hơn 1 tháng. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh nếu không kịp thời chữa trị và cải thiện. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về nguyên nhân gây mất ngủ mạn tính, triệu chứng và mẹo nhỏ giúp cải thiện chứng mất ngủ mạn tính. Mời bạn cùng tham khảo.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân và mẹo nhỏ cải thiện chứng mất ngủ mạn tính
1. Nguyên nhân gây mất ngủ mạn tính
Giấc ngủ vô cùng quan trọng đối với sức khỏe mỗi người, giúp hồi phục năng lượng cho cả cơ thể sau một ngày dài lao động vất vả. Đây là khoảng thời gian để các cơ quan trong cơ thể được nghỉ ngơi để “tiếp sức” cho một ngày mới. Chính vì vậy, nếu bạn bị mất ngủ lâu ngày, sẽ gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe. Kéo theo hàng loạt các bệnh lý liên quan như tim mạch, bệnh huyết áp cao, bệnh thần kinh, bệnh tâm thần,…
Theo thống kê, có khoảng 4% dân số châu Á mắc chứng mất ngủ kinh niên. Tại Việt Nam, tỷ lệ người dân bị mất ngủ đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh chiếm 10-20%. Mất ngủ có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, giới tính khác nhau.
Trước đây nhiều người chỉ nghĩ người già mới bị mất ngủ, hiện nay trước áp lực công việc và cuộc sống, những thói quen không lành mạnh như thức khuya chơi game, nghịch điện thoại, lo âu căng thẳng, lạm dụng các chất kích thích,… cũng là một trong các yếu tố góp phần khiến chứng mất ngủ ngày càng phổ biến ở giới trẻ hiện nay.
1.1. Đối tượng có nguy cơ cao bị chứng mất ngủ mạn tính
Mất ngủ có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, bất kỳ giới tính nào, tuy nhiên những đối tượng sau đây có nguy cơ mắc chứng mất ngủ kinh niên cao hơn như:
– Người mắc các bệnh lý nội khoa như dị ứng, nội tiết, tiểu đường, bệnh tiêu hóa, bệnh thần kinh,…
– Làm việc, cuộc sống chịu nhiều căng thẳng, áp lực
– Nghiện các chất kích thích như cafe, thuốc lá, ma túy…
– Người lớn tuổi, đặc biệt là người lớn tuổi mắc các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, tim mạch, hen phế quản, bệnh thần kinh,…
1.2. Nguyên nhân gây chứng mất ngủ mạn tính
Mất ngủ lâu dài có thể dẫn đến một số ảnh hưởng sức khỏe nhất định, chất lượng cuộc sống cũng vì thế giảm sút. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến chứng mất ngủ kinh niên.
– Bệnh tật gây ra: người mắc bệnh tâm thần, bệnh đường tiết niệu, đái tháo đường, bệnh tiêu hóa …
– Ảnh hưởng từ môi trường sống: phòng ngủ chật chội, ồn ào, mất vệ sinh, ánh sáng không phù hợp,… sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
– Chế độ ăn uống: ăn, uống nhiều nước trước khi đi ngủ, đặc biệt là sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà… gây khó ngủ, rối loạn giấc ngủ.
– Do rối loạn tâm sinh lý: bệnh trầm cảm, rối loạn nhân cách, hay lo lắng, stress căng thẳng nhiều ngày cũng dẫn đến chứng mất ngủ.
2. Triệu chứng của chứng mất ngủ kinh niên
Khi tình trạng mất ngủ kéo dài, người bệnh thường có các biểu hiện sau:
– Khó đi vào giấc ngủ, trằn trọc
– Thính ngủ, dễ tỉnh giấc nhưng khó đi ngủ lại
– Thức dậy sớm và không đi ngủ lại được
– Mệt mỏi, lờ đờ khi thức dậy
– Hay suy nghĩ, lo lắng về đêm
– Trầm cảm, căng thẳng và tim đập về đêm nhiều giờ
– Gặp khó khăn trong vấn đề chú ý, tập trung và ghi nhớ
– Bồn chồn, dễ nóng giận
– Khó tập trung vào công việc
– Mất khả năng thiết lập kế hoạch cho tương lai
– Nghiêm trọng hơn, xuất hiện những ảo giác không có thực
Khi nhận thấy bản thân có những biểu hiện trên, người bệnh nên đi khám sức khỏe tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tìm hiểu thêm: Gợi ý phương pháp chữa mất ngủ tại nhà
3. Mẹo nhỏ giúp cải thiện chứng mất ngủ mạn tính
Nếu bạn bị mất ngủ mạn tính, hãy lưu ý một số mẹo nhỏ giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng mất ngủ kéo dài dưới đây:
3.1 Cải thiện không gian phòng ngủ
Phòng ngủ đảm bảo yên tĩnh, đủ tối và điều chỉnh nhiệt độ phù hợp tránh ảnh hưởng giấc ngủ; sử dụng rèm cửa hoặc mặt nạ ngủ để ngăn chặn ánh sáng làm chói mắt.
3.2 Ngủ đủ và đúng giờ
hãy đảm bảo đồng hồ sinh học của bạn luôn đúng giờ: đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc. Điều nay giúp bạn đi vào giấc ngủ theo chu kỳ.
3.3 Không ngủ trưa quá nhiều
Giấc ngủ trưa chỉ nên kéo dài từ 30 phút đến 1 tiếng. Nếu lâu hơn thì giấc ngủ ban đêm của bạn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
3.4 Thư giãn
Tránh những hoạt động kích thích và căng thẳng trước khi đi ngủ như chơi game, giải bài tập khó, tranh luận lớn; thay vào đó, hãy tập trung vào các hoạt động nhẹ nhàng như đọc sách, nghe nhạc nhẹ (nhạc không lời)…
Hạn chế lo lắng, suy nghĩ nhiều trước khi đi ngủ. Điều này sẽ gây ức chế thần kinh và áp lực lên tim mạch, ảnh hưởng không tốt tới giấc ngủ.
3.5 Hạn chế chất kích thích
Không nên uống các chất kích thích, có chứa nicotin hoặc chất gây nghiện như rượu bia, thuốc lá, cà phê trước khi đi ngủ.
3.6 Dinh dưỡng hợp lý
Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung các thực phẩm tốt cho hệ thần kinh giúp cải thiện chứng mất ngủ.
3.7 Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên là phương pháp hiệu quả giữ cho cơ thể khỏe mạnh, giữ tinh thần lạc quan.
Ngoài các phương pháp hỗ trợ trên, bạn nên duy trì thói quen thăm khám sức khỏe hệ thần kinh – não bộ tại các cơ sở y tế có chuyên khoa nội thần kinh. Đặc biệt, đi khám ngay khi có biểu hiện mất ngủ để được khám và điều trị hiệu quả.
>>>>>Xem thêm: Bảng giá chụp cộng hưởng từ ở bệnh viện trung bình bao nhiêu?
Hy vọng bài viết nêu trên có thể giúp bạn hiểu hơn về chứng mất ngủ mạn tính và một số mẹo nhỏ giúp cải thiện tình trạng mất ngủ. Mọi thắc mắc bệnh nhân vui lòng hãy liên hệ để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.