Sau khi trải qua một cuộc mổ (phẫu thuật), nhiều người có thể gặp phải tình trạng suy giảm trí nhớ, đặc biệt là những người cao tuổi. Một số ý kiến cho rằng điều này xảy ra do tác dụng của thuốc mê được sử dụng trong phẫu thuật. Tình trạng người bệnh nhớ nhớ, quên quên, khó tập trung, làm việc hay lẫn lộn,… sau phẫu thuật càng khiến các gia đình lo lắng về sức khỏe của bệnh nhân. Tuy nhiên, liệu nguy cơ suy giảm trí nhớ sau phẫu thuật có xảy ra không? Bài viết sẽ giúp bạn giải tỏa nỗi lo lắng này.
Bạn đang đọc: Suy giảm trí nhớ sau phẫu thuật: Nguyên nhân, cách cải thiện
1. Suy giảm trí nhớ sau phẫu thuật nguyên nhân do đâu?
1.1 Suy giảm trí nhớ sau khi phẫu thuật có phải do tác dụng của thuốc mê?
Trên thực tế, có rất nhiều bệnh nhân, nhất là người cao tuổi xuất hiện tình trạng mất trí nhớ sau khi mổ. Các triệu chứng giảm sút trí nhớ này được cho là tương tự như khi bị bệnh Alzheimer ở giai đoạn sớm. Người bệnh hay quên những chi tiết nhỏ và thường phải hỏi lại các vấn đề dù đã hỏi nhiều lần trước đó. Tình trạng này gọi là Postoperative Cognitive Dysfunction (POCD).
Một số người cho rằng triệu chứng giảm trí nhớ sau mổ có thể do ảnh hưởng của thuốc mê dùng trong phẫu thuật. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã có nghiên cứu và đưa ra kết luận không có mối liên hệ rõ ràng giữa việc sử dụng thuốc mê và chứng suy giảm trí nhớ.
Với trình độ phát triển của y học hiện nay, các loại thuốc mê thế hệ mới được đào thải rất nhanh ngay sau khi mổ và cũng không gây khó chịu cho người bệnh khi tỉnh dậy. Vì vậy, người bệnh và gia đình không nên lo lắng về tác dụng phụ của thuốc mê sử dụng khi phẫu thuật.
1.2 Nguyên nhân của hiện tượng suy giảm trí nhớ sau phẫu thuật
Suy giảm trí nhớ cũng không phải là một bệnh lý. Đây chỉ là một triệu chứng có thể xuất hiện do tác động của nhiều bệnh lý khác nhau. Do đó, rất khó để kết luận bệnh nhân có bị suy giảm trí nhớ sau quá trình phẫu thuật hay không.
Nhiều nghiên cứu cho thấy nguyên nhân của tình trạng này có thể là do stress khi phải thực hiện phẫu thuật hoặc vì chính căn bệnh khiến bệnh nhân phải phẫu thuật. Trong trường hợp người bệnh sau phẫu thuật có triệu chứng suy giảm trí nhớ, bạn nên bình tĩnh và đưa người nhà tới khám bệnh với bác sĩ nội thần kinh.
2. Làm gì để cải thiện suy giảm trí nhớ
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây ra hiện tượng suy giảm trí nhớ sau khi phẫu thuật. Dưới đây là 3 cách “kích hoạt” não bộ, giúp cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ nói chung.
2.1. Vận động não bộ
Rèn luyện trí não hàng ngày sẽ giúp não bộ hoạt động liên tục để tư duy minh mẫn hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc cố gắng ghi nhớ các sự kiện và trao đổi với người khác là cách thức cải thiện trí nhớ hiệu quả.
Có nhiều hình thức để rèn luyện trí não như:
– Đọc sách báo
– Tổng hợp thông tin
– Tham gia các trò chơi tư duy như cờ tướng, cờ vua…
Lưu ý, để có thể cải thiện trí nhớ hiệu quả, người bệnh và người thân đều phải kiên trì thực hiện các hoạt động này đều đặn, thường xuyên.
2.2. Rèn luyện thể chất giúp tăng cường sức khỏe và cải thiện trí nhớ sau phẫu thuật
Việc luyện tập thể thao hàng ngày không chỉ giúp cải thiện sức khỏe thể chất mà còn củng cố trí óc của bạn. Các nhà khoa học khuyến cáo chúng ta nên dành ra ít nhất 20 phút tập thể dục mỗi ngày. Thông qua luyện tập, các nơron thần kinh sẽ liên kết tốt hơn, giúp chúng ta có phản xạ nhanh nhạy.
Tùy vào thể trạng của mỗi người mà sẽ có những bài tập thể lực khác nhau. Tuy nhiên những bệnh nhân sau phẫu thuật không nên áp dụng ngay các bài tập cường độ cao. Một số bài tập phù hợp với người vừa hoàn thành phẫu thuật là tập thở, đi bộ, đạp xe, bài tập kéo căng cơ thể… Ngoài ra, các nhà khoa học khuyên người bệnh nên rèn luyện cơ thể trước khi bắt đầu bài tập rèn luyện trí nhớ để đạt hiệu quả tốt nhất.
Tìm hiểu thêm: Dấu hiệu mất ngủ cảnh báo bệnh gì?
2.3. Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp suy giảm trí nhớ sau phẫu thuật
Người bệnh sau khi phẫu thuật cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Cụ thể, nên bắt đầu ăn thức ăn từ lỏng rắn theo thời gian. Tùy thuộc vào loại phẫu thuật, tốc độ hồi phục sau phẫu thuật và khả năng dung nạp thức ăn của mỗi người mà chế độ ăn sau mổ sẽ khác nhau. Tuy nhiên, bạn nên chú ý bổ sung những thực phẩm tốt cho trí nhớ dưới đây:
– Các loại cá béo: cá hồi, cá mòi, cá thu, cá trích…
– Trứng
– Các loại quả mọng: việt quất, dâu tây, mâm xôi…
– Quả hạch và các loại hạt
– Ngũ cốc nguyên hạt
– Bông cải xanh
3. Trước khi phẫu thuật cần lưu ý điều gì?
Thực hiện phẫu thuật là trường hợp bắt buộc phải thực hiện để đảm bảo sức khỏe của bệnh nhân. Điều quan trọng nhất là cần chuẩn bị tâm lý thoải mái, tin tưởng vào đội ngũ phẫu thuật. Đặc biệt là đối với người bệnh, việc giải tỏa tâm lý căng thẳng, stress sẽ giúp bệnh nhân ít gặp tình trạng suy giảm trí nhớ sau khi phẫu thuật.
Bên cạnh đó, người bệnh cần lưu ý tới những vấn đề sau:
– Làm các xét nghiệm tiền phẫu để đánh giá chức năng của các cơ quan: gan, thận, hô hấp, tim mạch, đánh giá tình trạng đông máu, tình trạng nhiễm trùng…
– Thăm khám tiền mê trước khi mổ để đánh giá tình trạng sức khỏe, các bệnh lý kèm theo. Trong trường hợp cần hội chẩn các chuyên khoa, đội ngũ y bác sĩ sẽ cùng bàn bạc để có kế hoạch gây mê hồi sức và chăm sóc sau phẫu thuật thích hợp.
– Người bệnh cần nhịn ăn uống theo đúng chỉ định của bác sĩ.
>>>>>Xem thêm: Hiện tượng đau nhói đỉnh đầu do nguyên nhân nào và giải pháp
Trên đây là toàn bộ những thông tin về hiện tượng suy giảm trí nhớ sau phẫu thuật. Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp các bệnh nhân và người nhà an tâm hơn trước khi bước vào cuộc phẫu thuật. Nên nhớ rằng tâm lý vững vàng là một điều kiện tiên quyết và quan trọng giúp ca mổ thành công. Bên cạnh đó, bạn nên chú ý lựa chọn cơ sở y tế uy tín để an tâm thực hiện phẫu thuật.