Đột quỵ là bệnh phổ biến nhất của hệ thần kinh, bệnh xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần não bộ bị đột ngột ngừng trệ. Trên thế giới cứ khoảng 3 phút lại có 1 người chết vì đột quỵ và mỗi năm có khoảng 40% người dân bị đột quỵ do thiếu máu não. Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc đột quỵ và gần 1 nửa (khoảng 100.000 người) tử vong do căn bệnh này. Vậy ai dễ bị đột quỵ? Biện pháp xử trí và phòng ngừa cho những đối tượng có nguy cơ cao bị đột quỵ “ghé thăm”, sẽ có trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Ai dễ bị đột quỵ? biện pháp xử trí và phòng ngừa
1. Ai dễ bị đột quỵ
1.1 Người bị rối loạn lipid máu (máu nhiễm mỡ)
Khi hàm lượng cholesterol trong máu cao, có thể phá hủy các lớp “áo” trong của mạch máu khắp cơ thể, điển hình là tim và não. Chúng dễ hình thành các mảng xơ vữa ở lòng động mạch và gây xơ cứng mạch máu; tăng sự hình thành các cục máu đông bệnh lý (huyết khối); gây cản trở cung cấp máu lên não.
1.2 Bệnh nhân tiểu đường
Người mắc bệnh tiểu đường (còn gọi là bệnh đái tháo đường) dễ gặp các biến chứng về tim mạch, tổn thương thần kinh, mắt, thận,… Theo nghiên cứu đã chỉ ra, người bị đái tháo đường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn từ 2 đến 4 lần so với người không mắc bệnh tiểu đường.
1.3 Ai dễ bị đột quỵ – Người mắc bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp bị “réo tên”
Các bệnh nhân mắc bệnh lý về tim như rung nhĩ, hở van tim, rối loạn nhịp tim, khuyết tật tim bẩm sinh,… khiến cho việc bơm máu từ tim thiếu trơn tru, điều này dễ làm tim ngừng cung cấp máu lên não đột ngột. Hay sự hình thành cục máu đông ở tim do rối loạn nhịp tim di chuyển đến não, gây tắc nghẽn mạch máu não.
Tăng huyết áp thậm chí còn nguy hiểm hơn. Đó là vì, khi huyết áp tăng cao lực tác động của máu lên thành động mạch sẽ cao hơn mức cần thiết. Tình trạng này kéo dài dễ khiến mạch máu bị tổn thương, không đàn hồi tốt được nữa. Khi có sự hình thành của cục máu đông trong thành mạch và di chuyển có thể dồn ép thành mạch máu, khiến thành mạch máu bị vỡ gây xuất huyết não.
Tìm hiểu thêm: Những nguyên nhân gây sa sút trí tuệ có thể điều trị khỏi
1.4 Người nghiện thuốc lá
Hút thuốc lá thường xuyên là nguyên nhân dẫn tới hàng loạt bệnh lý nguy hiểm, trong đó có đột quỵ não. Bởi thuốc lá dễ gây viêm trong mạch máu, dễ hình thành cục máu đông – là nguyên nhân chính gây đột quỵ não. Bên cạnh đó, khói thuốc lá cũng gây phá hủy thành tế bào mạch máu, tăng nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa động mạch gây hẹp động mạch và tăng triglyceride trong máu.
1.5 Ai dễ bị đột quỵ – nếu có người thân từng bị đột quỵ thì phải lưu ý
Nếu gia đình có người thân từng bị đột quỵ thì bạn cũng cần cảnh giác. Bởi thói quen sống và yếu tố di truyền ở những người có thành viên bị đột quỵ có thể cao hơn những gia đình không có người thân bị đột quỵ.
1.6 Người trẻ có thói quen sống không khoa học
Những người trẻ cũng là “con mồi” của đột quỵ. Ngoài bệnh lý dị dạng mạch máu não ở người trẻ thì nguyên nhân hàng đầu khiến giời trẻ trở thành “con mồi” của đột quỵ là do lối sống không lành mạnh như: ăn nhiều thức ăn nhanh; thói quen uống bia, rượu thường xuyên; hút thuốc lá; ít vận động; làm việc quá sức; hay căng thẳng stress; thức khuya ngủ muộn,…
1.7 Ai dễ bị đột quỵ – Người cao tuổi
Những người lớn tuổi sẽ có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, thêm vào đó là các cơ quan trong cơ thể cũng dần suy yếu do quá trình lão hóa. Nếu người cao tuổi không kiểm soát tốt các chỉ số sức khỏe, cũng như có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đột quỵ não “ghé thăm”.
2. Dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ xảy ra
Các biểu hiện của đột quỵ thường diễn ra một cách nhanh chóng va rầm rộ như: miệng bị méo, chân tay bị yếu-liệt (bằng cách giơ hai cánh tay lên để xác định), nói chuyện không rõ tiếng, không nói được. Nếu có một trong 3 triệu chứng trên cần đưa người thân đến cấp cứu trong thời gian vàng.
Giờ vàng để bệnh nhân đột quỵ có thể thoát khỏi “cửa tử” là từ 3 tiếng đến 4,5 tiếng kể từ có các dấu hiệu khởi phát cơn đột quỵ. Nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện cấp cứu và điều trị kịp thời trong khoảng thời gian này, thì nguy cơ tử vong sẽ giảm và hạn chế được các di chứng nặng nề về sau, tăng khả năng hồi phục di chứng sau đột quỵ.
Có nhiều trường hợp đột quỵ mới khởi phát lúc mới ngủ dậy. Tức lúc đi ngủ bình thường, nhưng sáng dậy thì phát hiện có dấu hiệu đột quỵ. Trong trường hợp này, các chuyên gia Nội thần kinh khuyến cáo người nhà không nên chần chừ, hãy đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện dù chưa xác định được bệnh nhân bị đột quỵ vào thời gian nào.
>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân gây giảm trí nhớ ở người trẻ và cách khắc phục
3. Xử trí khi gặp người bị đột quỵ
– Đỡ người bệnh để không bị té ngã chấn thương.
– Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói, móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.
– Gọi xe đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
– Nếu bệnh viện gần nhà có đủ điều kiện chữa trị thì không nên chuyển đến viện xa, trừ khi Bác sĩ có chỉ định, vì càng di chuyển xa càng có thể làm bệnh nặng hơn.
– Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác.
– Không cho bệnh nhân ăn.
4. Phòng ngừa bệnh đột quỵ
Theo các chuyên gia, những người có nguy cơ cao bị tai biến não như người cao tuổi, người tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu (mỡ máu cao), xơ vữa động mạch, người hút thuốc lá… nên áp dụng sớm những biện pháp phòng ngừa. Ngoài thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, năng tập thể dục, còn phải kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu và đường máu. Người cao tuổi cần chú ý giữ ấm cơ thể khi đi ngủ và mỗi khi ra khỏi phòng, kể cả khi chạy bộ buổi sáng. Và xây dựng cho mình thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ. Nếu thuộc diện người có nguy cơ đột quỵ cao nên theo dõi sức khỏe thường xuyên, kiểm soát tốt các chỉ số sức khỏe để ngăn ngừa đột quỵ xảy ra.
Với những thông tin trên đây nếu bạn đọc còn băn khoăn cần được giải đáp cụ thể vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn giải đáp và hỗ trợ đặt lịch khám với chuyên gia.