Viêm túi mật cấp thông thường do sỏi mật gây ra. Sỏi mật làm tắc nghẽn ống mật và gây nên tình trạng viêm. Nếu tình trạng viêm kéo dài không được điều trị có thể gây thủng túi mật hoặc hoại tử túi mật. Điều trị viêm túi mật chủ yếu là bằng phẫu thuật. Tuy nhiên thời điểm phẫu thuật là phụ thuộc vào tình trạng của mỗi bệnh nhân cụ thể.
Bạn đang đọc: Viêm túi mật cấp và thời điểm phẫu thuật tốt nhất
1. Viêm túi mật cấp là gì?
Viêm túi mật cấp thường xảy ra do sỏi gây tắc nghẽn ống mật làm cho túi mật bị viêm. Sỏi mật là những viên sỏi nhỏ, thường được tạo thành từ cholesterol và hình thành trong túi mật.
Sỏi mật rất phổ biến, thường không gây triệu chứng gì, nhưng đôi khi có thể gây ra cơn đau quặn mật hoặc viêm túi mật khi gây tắc nghẽn đường mật.
Viêm túi mật cấp do sỏi
2. Nguyên nhân
Nguyên nhân của viêm túi mật được chia làm 2 loại chính: viêm túi mật không do sỏi và viêm túi mật do sỏi.
Tìm hiểu thêm: Bệnh gan ở người già khó phục hồi hơn ở người trẻ tuổi
Sỏi mật là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm túi mật cấp
Viêm túi mật do sỏi là viêm túi mật phổ biến nhất và thường ít nghiêm trọng nhất. Chiếm khoảng 95%.
Viêm túi mật do sỏi thường phát triển khi sỏi mật gây tắc nghẽn các ống mật. Kết quả làm tăng áp lực bên trong túi mật và làm túi mật bị viêm.
Viêm túi mật không do sỏi thường ít phổ biến nhưng lại nghiêm trọng hơn. Thường là biến chứng của quá trình nhiễm trùng hoặc tổn thương túi mật.
3. Điều trị viêm túi mật cấp
Điều trị ban đầu
Thực hiện ngay các biện pháp giúp túi mật được nghỉ ngơi và làm giảm quá trình viêm bằng cách:
- Nhịn ăn: giúp túi mật nghỉ ngơi, không phải làm việc nhiều.
- Bù dịch bằng đường tĩnh mạch để ngăn ngừa mất nước.
- Thuốc giảm đau.
- Thở oxy.
- Dùng kháng sinh đường tĩnh mạch.
Sau quá trình điều trị ban đầu này, viên sỏi có thể rơi trở lại vào túi mật, tình trạng viêm sẽ giảm xuống.
Phẫu thuật
Khoảng 20% viêm túi mật cần phẫu thuật khẩn cấp. Phẫu thuật được chỉ định nếu tình trạng bệnh nhân xấu đi hoặc xuất hiện biến chứng như hoại tử túi mật, viêm phúc mạc toàn thể. Vì những tình trạng này có thể gợi ý hoại tử hoặc thủng túi mật.
Nếu bệnh nhân không có các nguy cơ xảy ra biến chứng, phẫu thuật cắt túi mật thường được thực hiện trì hoãn sau quá trình điều trị ban đầu khoảng 6-12 giờ để đảm bảo giải quyết quá trình viêm trước khi phẫu thuật.
Nếu bệnh nhân không đủ điều kiện để phẫu thuật, có nguy cơ cao hoặc vào viện muộn, biểu hiện triệu chứng tiến triển nặng mặc dù đã điều trị ban đầu bằng thuốc 1-2 ngày, cần can thiệp thêm bằng:
Dẫn lưu túi mật qua da: đặt một ống qua da, trực tiếp vào túi mật dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc CT. Mật bị tắc hoặc nhiễm trùng sẽ được thoát ra ngoài qua ống này giúp làm giảm áp lực trong túi mật và giảm viêm. Thủ thuật này thường được thực hiện ở những bệnh nhân quá ốm, không đủ sức khỏe để phẫu thuật. Ống dẫn lưu này thường phải ở đặt trong túi mật của bạn ít nhất một vài tuần.
Các phương pháp phẫu thuật cắt túi mật phổ biến
– Cắt túi mật nội soi: đây là phương pháp phẫu thuật cắt túi mật được sử dụng rộng rãi nhất. Trong phẫu thuật nội soi, bác sĩ sẽ rạch 4 lỗ nhỏ khoảng 1 cm trên thành bụng của bạn. Sau đó, đưa một dụng cụ có gắn camera ở đầu gọi là ống nội soi qua các lỗ nhỏ này cùng với các dụng cụ xuống để cắt bỏ túi mật và lấy sỏi mật nếu có. Vì phẫu thuật cắt túi mật nội soi chỉ thực hiện các vết cắt nhỏ trên bụng nên bạn sẽ không cảm thấy đau nhiều sau phẫu thuật. Bạn cũng sẽ phục hồi nhanh chóng hơn.
– Cắt túi mật bằng mổ hở: là phương pháp truyền thống, túi mật được cắt qua 1 vết mổ lớn ở bụng. Vì vậy, thời gian hồi phục lâu hơn so với cắt túi mật nội soi. Hầu hết mọi người mất khoảng 6 tuần để hồi phục sau phẫu thuật.
>>>>>Xem thêm: Bị viêm gan B khi mang thai phải làm sao?
Mổ nội soi cắt túi mật
4. Các biến chứng có thể xảy ra
Nếu không được điều trị, viêm túi mật có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
– Hoại tử túi mật: gây ra nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
– Thủng túi mật: có thể gây ra viêm phúc mạc hoặc tụ mủ hình thành áp-xe.
– Viêm tụy cấp: Ống mật chủ và ống tụy có cùng một “van” để đổ vào tá tràng. Nếu viên sỏi chặn ngay van đó, các enzym do tuyến tụy bài tiết sẽ bị ứ lại gây ra viêm tụy.
Các trường hợp này cần phải phẫu thuật cắt túi mật khẩn cấp.
5. Phòng ngừa viêm túi mật
Không phải lúc nào bạn cũng có thể ngăn ngừa được bệnh viêm túi mật, nhưng bạn có thể giảm thiểu các nguy cơ phát triển bệnh bằng cách giảm nguy cơ bị sỏi mật.
- Một trong những điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ bị sỏi mật là áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và giảm số lượng các thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao. Vì cholesterol được xem là thành phần gây sỏi mật.
- Thừa cân, đặc biệt là béo phì, cũng làm tăng nguy cơ phát triển sỏi mật. Do đó, bạn nên kiểm soát cân nặng của mình bằng cách ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
Nhưng cũng không nên ăn kiêng giảm cân nhanh với hàm lượng calo thấp. Vì có thể ảnh hưởng đến quá trình hóa mật và làm tăng nguy cơ phát triển sỏi mật. Tốt nhất bạn nên áp dụng kế hoạch giảm cân từ từ một cách có khoa học.
Kết luận
Việc lựa chọn phương pháp điều trị và thời điểm điều trị dứt điểm viêm túi mật cấp phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và nguy cơ khi phẫu thuật của bệnh nhân. Những bệnh nhân đủ điều kiện phẫu thuật nên được phẫu thuật cắt túi mật trong lần nhập viện đầu tiên. Can thiệp phẫu thuật kịp thời sẽ giúp giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong cho bệnh nhân.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.