Men gan thường tăng khi gan bị viêm nhiễm, có dấu hiệu tổn thương. Hiện nay có rất nhiều cách hạ men gan cao. Vậy cách nào dễ thực hiện? Cách nào mang lại hiệu quả. Hãy cùng Bệnh viện Thu Cúc tìm hiểu qua bài viết này.
Bạn đang đọc: Bạn có biết cách hạ men gan cao hiệu quả
1. Men gan cao là gì?
Để biết cách hạ men gan, cần tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này. Men gan có 4 loại dưới đây:
– Glutamyl transpeptidase – Gamma viết tắt là GGT
– Phosphatase kiềm (ALP)
– Aspartate transamine (AST)
– Alanine transaminase (ALT)
Trong đó loại men ALT và AST thường có sẵn trong tế bào gan. Khi gan bị tổn thương chúng sẽ rò rỉ vào máu khiến chỉ số men gan tăng cao. Hai loại men còn lại nằm ở vị trí khác nhau. ALP thường nằm trong các màng của tế bào gan. Trong thành tế bào ống mật chứa men GGT.
Men gan cao là bệnh lý phổ biến và ngày càng có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện đại. Chỉ số men gan tăng cảnh báo gan của bạn đang gặp vấn đề, tổn thương.
Men gan gồm có 4 loại.
2. Xác định nguyên nhân gây bệnh
Khi gan hoạt động bình thường, các tế bào gan chết đi sẽ giải phóng 1 lượng men gan vào máu. Nồng độ tiêu chuẩn của men gan trong máu là dưới 40U/l. Tuy nhiên vì một lý do nào đó các tế bào gan bị phá hủy nhiều hơn bình thường dẫn đến men gan cao. Các nguyên nhân cụ thể như:
2.1 Bệnh viêm gan
Nguyên nhân gây tăng men gan do virus khá nguy hiểm. Hiện tại có tới 6 chủng virus gây viêm gan. Khi xâm nhập vào gan, chúng sinh sôi nhanh chóng và phá hủy tế bào gan. Càng nhiều tế bào gan bị phá hủy thì lượng men gan giải phóng vào máu càng nhiều.
Lượng men gan tăng 1- 2 lần ở mức độ nhẹ. Mức độ trung bình khoảng 2-5 lần. Men gan tăng cao gấp 5 lần so với bình thường là mức độ nặng. Khi có chỉ số men gan ở ngưỡng 5.000U/l có nghĩa là bạn đang bị viêm gan cấp tính hoặc ung thư gan.
2.2 Do lạm dụng rượu, bia
Các độc tố trong rượu bia ảnh hưởng xấu đến gan. Đặc biệt là các loại rượu rởm, tự pha do có chứa nhiều chất hóa học có hại. Lượng men gan tăng phụ thuộc vào chất lượng và số lượng rượu mà người bệnh uống vào.
2.3 Ảnh hưởng bởi các bệnh về đường mật
Các bệnh lý về mật như: Sỏi mật, viêm đường mật, teo đường mật, giun chui ống mật, áp- xe gan,…Đều là nguyên nhân gây men gan tăng cao.
2.4 Do bệnh sốt rét
Bệnh sốt rét do ký sinh trùng gây ra cũng ảnh hưởng trực tiếp tới men gan. Cơn sốt rét ác tính có thể gây tổn thương tế bào thận, gan,…
2.5 Do dùng thuốc
Một số loại thuốc trị bệnh có tác dụng phụ gây độc cho tế bào gan. Ví dụ: Uống thuốc điều trị lao quá liều dẫn tới ngộ độc, men gan tăng tới 3.000U/l. Gây ra viêm gan cấp tính.
Khi sử dụng thuốc giảm mỡ máu cũng khiến men gan cao tức thời. Chỉ số men gan sẽ trở lại như bình thường khi ngừng thuốc.
Một số loại thuốc có tác dụng phụ gây ảnh hưởng cho gan.
2.6 Do các bệnh lý khác
Ngoài các bệnh kể trên thì một số bệnh cũng gây tình trạng men gan cao như: Viêm gan tự miễn, viêm dạ dày cấp, ứ sắt, viêm tụy cấp, sởi,…Mỗi bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến chỉ số men gan khác nhau.
3. Các cách hạ men gan cao hiệu quả nhất
Có rất nhiều cách hạ men gan. Tùy theo từng tình trạng của bản thân mà người bệnh có thể lựa chọn cách điều trị phù hợp. Điều quan trọng là người bị men gan cao cần kiên trì thực hiện mới mong có kết quả.
3.1 Hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn
Các thức ăn được chế biến sẵn thường có nhiều dầu mỡ, muối và các chất bảo quản. Khi ăn các thực phẩm này lâu dài sẽ tích tụ độc tố trong gan khiến men gan cao. Muốn giữ sức khỏe của gan nên hạn chế ăn các loại thực ăn này.
3.2 Tránh xa các độc tố từ môi trường
Khói bụi từ nhiều nguyên nhân khác nhau sẽ đi qua phổi, ngấm vào máu và tích tụ lại trong gan. Mọi người nên tránh xa các khu vực có không khí ô nhiễm hoặc có dụng cụ bảo hộ khi phải tiếp xúc.
3.3 Uống nhiều nước
Máu sẽ tuần hoàn tốt hơn nếu cơ thể được cung cấp đủ nước. Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày sẽ tăng hoạt động của tế bào gan, giúp gan thải độc tố ra ngoài cơ thể dễ dàng hơn.
Tìm hiểu thêm: Suy gan gây đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Cung cấp đủ nước cho cơ thể là cách hạ men gan cao
3.4 Giảm cân là cách hạ men gan cao
Cơ thể dư thừa mỡ cũng khiến gan bị tổn thương. Để hạ men gan, người bệnh cần giảm cân nặng. Điều này không chỉ tốt cho hoạt động của gan mà còn giúp sức khỏe được cải thiện.
3.5 Duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày
Cách hạ men gan hiệu quả và lâu dài là cần tập thể dục thể thao mỗi ngày. Các cơ quan trong cơ thể sẽ hoạt động tốt hơn nếu bạn thường xuyên vận động. Chức năng của gan sẽ khỏe khoắn, linh hoạt hơn những người ít tập thể dục.
3.6 Ăn nhiều rau xanh, các loại thực phẩm có nhiều chất xơ
Thực phẩm giàu chất xơ là một phương thuốc tuyệt vời giúp phá vỡ cholesterol và kiểm soát men gan tốt. Chúng giúp tăng lượng mật do gan sản sinh, phá bỏ chất béo. Các loại thực phẩm giàu chất xơ như: Yến mạch, đậu, quả mọng,…
3.7 Tăng cường các thực phẩm có tính chất chống oxy hóa
Bổ sung thực phẩm chống oxy hóa giúp gan hoạt động tốt hơn. Chúng không có tác dụng làm giảm nồng độ men gan nhưng giúp tối ưu hóa hoạt động của gan vì vậy cũng rất cần thiết. Chất chống oxy hóa thường được tìm thấy trong: Củ cải, bơ, hạt dẻ,…
3.8 Tăng lượng vitamin C
Vitamin C luôn là trợ thủ đắc lực giúp cơ thể tăng sức đề kháng. Chúng thúc đẩy quá trình phục hồi tế bào gan, giúp hạ men gan. Vitamin C có nhiều các loại quả thuộc họ cam quýt và phần lớn các loại trái cây khác. Tuy nhiên với các loại quả có vị ngọt nhiều như: Xoài, mía,….không nên ăn quá nhiều.
3.9 Bổ sung vitamin B là cách hạ men gan
Vitamin B được chia thành nhiều loại khác nhau. Trái cây, rau xanh, đậu, lạc, giá đỗ cung cấp vitamin B1. Trứng, sữa tươi cung cấp vitamin B2. Các loại nội tạng động vật, thịt nạc, cà chua, tỏi cung cấp vitamin B6. Vitamin B có tác dụng nuôi dưỡng tế bào mới giúp giảm men gan tối đa.
Để hạ men gan cần bổ sung đủ vitamin B
3.10 Không uống bia rượu
Khi bia rượu được đưa vào cơ thể sẽ truyền thẳng xuống gan để thực hiện lọc các độc tố. Nếu lượng chất có cồn quá nhiều sẽ khiến gan phải hoạt động hết năng suất gây suy yếu. Các chất trong rượu bia cũng làm hỏng men gan. Muốn gan khỏe mạnh và hạn chế men gan cao cần tuyệt đối kiêng chất kích thích.
3.11 Cách hạ men gan cao là cung cấp thực phẩm chứa protein cho cơ thể
Protein là nền tảng để cấu tạo nên các tế bào. Protein thường có trong: Cá, trứng, sữa, đậu, thịt gà, cua,…Bên cạnh khả năng tăng hệ miễn dịch cho cơ thể chúng có tác dụng tái tạo, hỗ trợ phục hồi tế bào chức năng gan. Từ đó giúp giảm men gan hiệu quả. Tuy nhiên người bị men gan nên tránh bổ sung protein từ các loại thịt đỏ như: Thịt trâu, bò, mỡ động vật.
3.12 Bỏ hút thuốc lá
Thuốc lá không hề có lợi cho sức khỏe nói chung và cho gan nói riêng. Các chất trong thuốc lá nếu sử dụng lâu dài có thể phá hủy các tế bào gan. Từ bỏ thói quen hút thuốc lá sẽ giúp tránh được nhiều bệnh về gan, phổi, tim,…
3.13 Tiếp nhận điều trị y khoa và tuân thủ lời khuyên của bác sĩ
Các triệu chứng khi bị bệnh men gan cao thường không rõ ràng. Vì vậy mọi người nên thăm khám bệnh định kỳ để phát hiện nguy cơ gây bệnh sớm. Nếu thấy cơ thể có bất cứ dấu hiệu nào bất thường nên tới khám các bác sĩ chuyên khoa để xác định bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp.
3.14 Sống và làm việc trong môi trường tốt
Môi trường sống cũng là một yếu tố thúc đẩy nguy cơ gây bệnh gan. Để phòng tránh bệnh gan, mỗi người nên thiết lập một cuộc sống lành mạnh. Ăn các thực phẩm sạch, kiểm tra kỹ thành phần, nguồn gốc của đồ ăn. Đảm bảo môi trường sống không bị ô nhiễm không khí, khói thuốc.
3.15 Kiểm tra các loại thuốc đang dùng
Các loại thuốc có thành phần acetaminophen và ibuprofen có thể gây thương tổn cho gan khi sử dụng lâu dài. Nhiều loại thuốc điều trị bệnh có tác dụng phụ cũng ảnh hưởng tới chức năng của gan gây men gan cao. Vì vậy trước khi sử dụng các loại thuốc giảm đau, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để hạn chế tác hại không mong muốn tới gan.
>>>>>Xem thêm: Nhận biết những dấu hiệu của bệnh xơ gan còn bù
Môi trường trong lành cũng góp phần bảo vệ gan.
Bài viết đã cung cấp các thông tin liên quan đến cách hạ men gan tuy nhiên chỉ mang tính chất tham khảo và không có tác dụng tuyệt đối. Để hạ men gan hiệu quả người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và hướng dẫn cụ thể, không tự ý điều trị khi chưa thăm khám, tránh hậu quả nghiêm trọng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.