Viêm gan A là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Hàng năm trên thế giới có khoảng hơn 10 triệu người mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên đây không phải bệnh nguy hiểm, hầu như người bệnh sẽ khỏi hẳn sau khoảng từ 2 đến 6 tháng điều trị.
Bạn đang đọc: Viêm gan A: Định nghĩa, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
1. Viêm gan A là bệnh gì?
Virus viêm gan A
Viêm gan A là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus viêm gan A (HAV) gây nên. Loại virus này có khả năng sống lâu khi bám trên những vật dụng khô ráo ở nhiệt độ phòng (khoảng 20 độ C) và sẽ chết ở môi trường 100 độ C trong 5 phút. Với những đặc tính như vậy nên virus này đã gây ra nhiều đợt dịch bệnh lớn nhỏ ở nhiều nước, đặc biệt là những nước đang phát triển.
Tuy nhiên, căn bệnh này không có giai đoạn mạn tính và không gây ra thương tổn vĩnh viễn cho gan, đặc biệt có thể phòng tránh được bằng cách tiêm vắc – xin phòng bệnh.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, chủ yếu là lây lan qua đường tiêu hóa (đường phân – miệng), có thể kể đến những trường hợp sau:
– Lây qua đường tiêu hóa (uống nước tại nguồn nước bị ô nhiễm, ăn những loài động vật có vỏ cứng như tôm, cua,… sinh sống tại nguồn nước bị ô nhiễm…).
– Tiếp xúc thân mật với người đã bị mắc bệnh.
– Có quan hệ tình dục với người đã bị nhiễm virus.
Ngoài ra, bệnh này cũng có thể lây truyền qua đường máu nếu như được truyền máu từ người bị nhiễm virus.
3. Triệu chứng thường gặp
Tìm hiểu thêm: Gan nhiễm mỡ nên ăn gì để cải thiện bệnh
Một số triệu chứng khi nhiễm bệnh
Mặc dù căn bệnh này hiếm khi gây chết người, tuy nhiên nếu như không được chữa trị kịp thời thì có thể sẽ xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm. Trên thực tế, một số người bị nhiễm bệnh nhưng lại không hề xuất hiện triệu chứng của bệnh, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Một vài trường hợp người mắc bệnh nhưng lại không biết mình bị bệnh do viêm gan A có triệu chứng gần giống một số bệnh khác. Dưới đây liệt kê một số biểu hiện hay gặp:
– Mệt mỏi: Đây là một trong những biểu hiện đầu tiên. Khi mắc bệnh, gan của người bệnh sẽ bị virus tấn công khiến gan hoạt động kém đi, các chất độc hại bị giữ lại cơ thể nên sẽ gây nên cảm giác mệt mỏi.
– Rối loạn tiêu hóa: Do virus xâm nhập và tấn công nên quá trình tiêu hóa bị ảnh hưởng làm cho người bệnh chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón…
– Sốt nhẹ
– Ngứa da, mọc mụn nhọt, da vàng
– Nước tiểu có màu vàng đậm
– Đau cơ, khớp
Viêm gan A có các triệu chứng khá giống với các bệnh khác. Vì vậy, để chẩn đoán xác định các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra chỉ số kháng thể IgG và kháng thể IgM có trong huyết tương. Nếu kết quả dương tính thì cần tiếp tục làm các xét nghiệm kiểm tra chức năng gan để chẩn đoán giai đoạn của bệnh và đưa ra phương án điều trị phù hợp.
4. Bệnh này có phải bệnh nguy hiểm không?
Như đã đề cập ở trên, đây không phải bệnh mạn tính. Hầu hết người bệnh sẽ được điều trị khỏi chỉ sau vài tháng và những người đã khỏi bệnh sẽ miễn dịch hoàn toàn đối với căn bệnh này.
Tuy nhiên, đối với những người tuổi tác đã cao, sức khỏe kém hoặc có tiền sử mắc các bệnh khác như suy tim ứ huyết, tiểu đường, thiếu máu… bệnh có thể sẽ nặng hơn hoặc thời gian hồi phục sẽ lâu hơn.
Có khoảng 2% trường hợp mắc phải sẽ xuất hiện tình trạng diễn biến nặng, có thể dẫn đến suy gan, hôn mê gan, về lâu dài có thể dẫn đến tử vong.
5. Cách chữa bệnh
Hiện nay bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh nhân sẽ tự khỏi khi được điều trị hết các triệu chứng. Hầu hết các bệnh nhân khỏi bệnh không để lại tổn thương lâu dài.
Cần chú ý những điểm sau khi tiến hành điều trị:
– Nghỉ ngơi điều độ, hoạt động nhẹ nhàng.
– Ăn đồ ăn nhiều chất đạm, hoa quả, đồ ăn chứa nhiều vitamin, giảm những đồ ăn chứa mỡ động vật.
– Đặc biệt không sử dụng sản phẩm có chứa chất kích thích như (rượu, bia, thuốc lá..) và hạn chế sử dụng các thuốc hoặc hóa chất gây hại cho gan.
Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị bao gồm:
– Thuốc bảo vệ màng tế bào gan: Ví dụ nhóm BDD…
– Thuốc tăng cường chuyển hóa.
– Thuốc bảo vệ tế bào khỏi các chất oxy hóa có hại.
– Thuốc tăng cường các yếu tố đông máu: ví dụ Vitamin K, Plasma tươi…
– Thuốc lợi mật.
– Thuốc lợi tiểu.
Lưu ý: Việc sử dụng thuốc phải theo sự chỉ định của bác sĩ sau khi đã thăm khám cụ thể tình trạng bệnh.
6. Cách phòng bệnh
6.1. Phòng bệnh Viêm gan A bằng cách tiêm vắc – xin
>>>>>Xem thêm: Nỗi ám ảnh viêm gan B các bệnh về gan và ung thư gan
Tiêm vắc – xin phòng bệnh
Tiêm phòng chính là phương án hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh. Các cơ quan y tế khuyến cáo những trường hợp sau nên tiêm vắc – xin để ngăn ngừa bệnh:
– Trẻ em (trừ trường hợp dưới 12 tháng hoặc sức khỏe kém).
– Những người có bệnh lý viêm gan mãn tính.
– Những người có tiếp xúc với người đã bị nhiễm bệnh.
– Quan hệ đồng giới nam.
– Người đi du lịch hoặc sinh sống ở nơi lưu hành virus từ trung bình đến cao.
Tuy nhiên, hiện nay vắc – xin phòng bệnh chưa có trong danh mục vắc – xin tiêm chủng mở rộng, vì vậy, nếu như có nhu cầu tiêm vắc – xin phòng bệnh thì phải đến các trung tâm tiêm chủng dịch vụ.
6.2. Phòng tránh viêm gan A bằng cách thay đổi chế độ sinh hoạt
Ngoài việc tiêm vắc – xin phòng bệnh còn có những phương án phòng bệnh khác mà chúng ta có thể thực hiện được trong sinh hoạt hằng ngày như:
– Luôn ăn chín, uống sôi.
– Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
– Giữ gìn vệ sinh môi trường và nguồn nước luôn sạch sẽ.
– Không tiếp xúc thân mật với người bị nhiễm bệnh.
– Thường xuyên thực hiện việc khám sức khỏe.
Viêm gan A dù không phải căn bệnh nguy hiểm như viêm gan B hay viêm gan C nhưng người bệnh cũng cần đặc biệt chú trọng chú trọng trong quá trình điều trị để tránh những biến chứng không may có thể xảy ra, đặc biệt là những người già, sức khỏe kém, những người có tiền sử bệnh gan, tim. Vì vậy, nếu có những băn khoăn, thắc mắc trong việc phòng và điều trị bệnh, hãy liên hệ ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị sớm nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.