Đặc điểm chung của chắp lẹo mắt là gây đau nhức, phù nề ở mi mắt. Điều này khiến người bệnh cảm thấy khó chịu khi nhìn và gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt, công việc hàng ngày.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị chắp lẹo mắt
1. Nguyên nhân gây ra chắp lẹo mắt là gì?
Lẹo mắt xuất hiện do vi khuẩn hoặc tụ cầu khuẩn xâm nhập vào tuyến chân lông mi, gây ra tình trạng viêm nhiễm cấp tính. Trong khi đó, chắp mắt thường do sự tắc nghẽn của ống tuyến nhờn của mi mắt. Đôi khi lẹo có thể chuyển thành chắp mắt, đặc biệt là trong trường hợp lẹo không được điều trị khỏi hẳn, gây chèn ép lên các tuyến chân lông mi.
Chắp lẹo là căn bệnh thường gặp ở tất cả mọi người
2. Cách phân biệt chắp lẹo mắt
2.1. Bệnh lẹo mắt
Khi mụn lẹo mới mọc, mi mắt của các bạn sẽ hơi sưng đỏ kèm theo đau và ngứa. Sau đó, chỗ đau sẽ nổi lên một khối rắn to giống hạt gạo. Thông thường, lẹo hay mọc ở ngay bờ mi và dính chặt vào da mi.
Sau khoảng 3 – 4 ngày, mụn lẹo sẽ mưng mủ và vỡ ra. Đặc điểm của lẹo là rất hay tái phát và có thể mọc ở 1 hoặc 2 bên mi mắt, đôi khi sưng to cả mi mắt, gây ra tình trạng ứ phù màng tiếp hợp.
Lẹo thường được chia thành những dạng phổ biến như sau:
– Lẹo trong do nhiễm trùng ở tuyến nhầy của mi mắt: Lẹo nằm ở mặt trong của mi mắt và bên trong đĩa sụn. Khi lật mi mắt, bác sĩ sẽ nhìn thấy lẹo, một số trường hợp còn có thể nhìn thấy đầu mủ trắng của mụn lẹo.
– Lẹo ngoài do nhiễm trùng ở nang lông mi: Lẹo là một nốt đỏ và gây đau ở bờ mi với độ rắn cùng kích thước giống như hạt đậu.
– Đa lẹo: Có nhiều đầu mụn lẹo ở 1 hoặc cả 2 mi mắt.
Khi bị lẹo, người bệnh thường sưng đỏ ở vùng mi mắt, ấn vào thấy đau bờ mi, sau đó hóa cứng lại. Ngoài ra, bệnh nhân còn sợ ánh sáng, chảy nước mắt và có cảm giác như có dị vật ở mắt. Không chỉ vậy, nốt mụn lẹo còn mưng mủ ở trung tâm chỗ hóa cứng và ít lâu sau áp xe vỡ ra, chảy mủ sẽ hết đau. Về cơ bản, lẹo ở trong mi mắt thường diễn biến nặng hơn và áp xe hiện ra ổ, rất hay tái phát.
2.2. Bệnh chắp mắt
Chắp mắt xảy ra do tắc nghẽn tuyến nhầy của mi mắt, dấu hiệu như một khối tròn nhỏ bị sưng đỏ. Vị trí chắp mắt thường ở xa bờ tự do của mi hơn so với bệnh lẹo.
Chắp mắt nằm ở trong đĩa sụn và ở mặt trong của mi mắt. Bác sĩ có thể nhìn thấy chắp mắt khi lật mi mắt, thậm chí thấy đầu mủ trắng của chắp mắt. Nhiều trường hợp, người bệnh còn bị đa chắp, nghĩa là có rất nhiều đầu chắp ở 1 mi hoặc cả 2 mi mắt.
Khi bị chắp mắt, người bệnh thường gặp phải những dấu hiệu như đau, sưng, đỏ mắt và khó chịu ở bề mặt kết mạc của mi mắt. Sau một vài ngày, nốt chắp xẹp xuống chỉ còn khối tròn không đau và lớn dần trên mi mắt thành khối màu đỏ – xám bên dưới kết mạc.
Tìm hiểu thêm: Loạn thị ở trẻ nhỏ: dấu hiệu và cách chữa
Chắp và lẹo là 2 căn bệnh khác nhau
3. Phương pháp hiệu quả điều trị bệnh chắp lẹo mắt
Điều trị bệnh chắp lẹo mắt cần sử dụng thuốc kháng sinh toàn thân để tiêu mủ trong thời gian đầu, kết hợp với thuốc nhỏ mắt, rửa mắt bằng nước muối sinh lý. Chườm nóng có thể làm giảm triệu chứng đau với những tổn thương sớm.
Với những lẹo to hoặc dai dẳng lâu ngày, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh chích lẹo và kê thuốc nhỏ mắt phù hợp. Các bạn cũng nên lưu ý một điều rằng, phải rửa tay sạch sẽ trước khi tra thuốc nhỏ mắt. Tuyệt đối không được sử dụng lại thuốc cũ và thuốc đã để lâu ngày.
Với chắp mắt, các bạn nên chườm nóng để giảm đau với những tổn thương sớm. Với trường hợp chắp to hoặc dai dẳng lâu ngày, bác sĩ chỉ định người bệnh thực hiện phương pháp chích chắp. Vì chắp ở mi thường nằm ở sâu bên trong sụn nên khi chích phải loại bỏ sạch sẽ các chất nhầy nhằm tránh tái phát chắp nhiều lần.
Tốt nhất, khi có triệu chứng bị chắp lẹo mắt, người bệnh phải nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và được điều trị đúng cách. Mỗi một căn bệnh sẽ được điều trị theo lộ trình riêng biệt. Nếu biết giữ gìn và vệ sinh đúng cách, chắp lẹo thường tự khỏi.
Tuy nhiên, bệnh nhân tuyệt đối không được chữa chắp lẹo bằng cách tra thuốc không theo chỉ định của bác sĩ và tự ý nặn mủ. Bởi vì điều này sẽ dễ làm cho tổn thương bị lan rộng, tái phát hoặc để lại sẹo xấu gây ra biến chứng quặm mi.
>>>>>Xem thêm: Viêm kết giác mạc cấp và những hệ lụy cần tránh
Khi có dấu hiệu bị chắp hoặc lẹo, mọi người hãy đi khám với bác sĩ chuyên khoa Mắt
4. Cách phòng ngừa hiệu quả bệnh chắp lẹo mắt
– Không được đưa tay lên dụi và chà mắt vì điều này có thể gây kích ứng, nhiễm khuẩn lây lan.
– Cần phải bảo vệ mắt khỏi ô nhiễm môi trường và khói bụi bằng cách đeo kính khi ra đường, lao động, dọn dẹp nhà cửa. Tránh đến những khu vực ô nhiễm không khí nặng nề.
– Phải tẩy trang vùng mắt sạch sẽ mỗi ngày và thay Mascara tối thiểu 6 tháng/ lần vì vi khuẩn có thể phát triển khi mắt được trang điểm. Đồ trang điểm mắt và khăn rửa mặt phải được sử dụng riêng rẽ để giữ vệ sinh.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về bệnh chắp lẹo mắt. Nếu xuất hiện dấu hiệu của bệnh chắp hoặc lẹo mắt, mọi người hãy nhanh chóng đến Hệ thống Y Tế Thu Cúc TCI để được bác sĩ Nhãn khoa thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.