Nhiều người cho rằng đánh trống ngực là dấu hiệu thông thường của cơ thể. Tuy nhiên nếu đánh trống ngực liên tục và ảnh hưởng đến công việc hàng ngày, người bệnh không nên chủ quan.
Bạn đang đọc: Tìm hiểu về triệu chứng đánh trống ngực liên tục
1. Đánh trống ngực và nguyên nhân gây ra triệu chứng
1.1. Lý giải đánh trống ngực là gì?
Đánh trống ngực là cảm giác tim đập thình thịch, đập nhanh một lúc rồi đập bình thường trở lại. Đánh trống ngực có thể xảy ra do stress, tập thể dục, sử dụng một loại thuốc nào đó. Nhiều người vẫn nghĩ rằng đây là biểu hiện vô hại, không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu đánh trống ngực liên tục thì bệnh nhân nên cẩn trọng vì đây là dấu hiệu của một số bệnh tim nghiêm trọng, cần điều trị.
Đánh trống ngực có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý mà người bệnh cần lưu tâm
1.2. Nguyên nhân gây ra triệu chứng đánh trống ngực phổ biến
Những nguyên nhân phổ biến gây ra triệu chứng này là:
– Sự phản ứng cảm xúc mạnh mẽ khi cơ thể lo lắng, căng thẳng quá mức
– Luyện tập thể dục, vận động cường độ cao
– Uống caffeine
– Nicotine
– Sốt cao
– Sự thay đổi hormone liên quan tới kỳ kinh nguyệt, thai kỳ hoặc giai đoạn mãn kinh.
– Tác dụng phụ của một số loại thuốc cảm, thuốc ho có chứa pseudoephedrine – một chất kích thích.
– Dùng các loại thuốc hít điều trị hen phế quản có chứa chất gây kích thích.
– Đôi khi đánh trống ngực cũng là dấu hiệu của một số bệnh lý trầm trọng như cường giáp, rối loạn nhịp tim.
2. Đánh trống ngực có phải triệu chứng nguy hiểm không?
Với người đang mắc bệnh tim mạch, khi cơn đánh trống ngực xuất hiện kèm triệu chứng khó thở, bạn cần lưu ý theo dõi sức khỏe và thăm khám kịp thời.
Nếu tim mạch đang khỏe mạnh nhưng xuất hiện triệu chứng đánh trống ngực kèm những dấu hiệu sau cũng cần đến cơ sở y tế để thăm khám:
– Chóng mặt
– Mệt lả người
– Ngất xỉu
– Mất ý thức
– Khó thở
– Đổ mồ hôi nhiều
– Đau ngực và có cảm giác đè nặng ở lồng ngực
– Đau ở cánh tay, cổ, ngực hoặc phần lưng trên.
Đặc biệt, lúc nghỉ ngơi nhưng cơn đánh trống ngực khó thở xuất hiện với tần suất hơn 100 nhịp tim mỗi phút cũng cần thăm khám. Nhìn chung, đánh trống ngực có thể chỉ là phản ứng sinh lý bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Do đó không nên chủ quan.
3. Các phương pháp chẩn đoán và điều trị đánh trống ngực liên tục
3.1. Chẩn đoán đánh trống ngực liên tục
Ban đầu, bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe để nghe tim của bạn. Bác sĩ cũng có thể tìm các dấu hiệu của tình trạng y khoa gây ra triệu chứng này như tuyến giáp bị sưng to.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định thực hiện một số bài kiểm tra khác như:
– Điện tâm đồ ECG: thăm dò này có mục đích tìm kiếm các tín hiệu điện bất thường gây nên nhịp tim rối loạn.
– Holter ECG 24 giờ: bệnh nhân đeo máy ghi điện tâm đồ di động trong vòng 24 giờ thậm chí có thể đến 72 giờ. Mục đích là phát hiện các rối loạn nhịp tim bất kỳ trong thời gian đeo máy. Ngay cả khi bạn không cảm nhận được triệu chứng hay khi bạn đang ngủ.
– Siêu âm tim: siêu âm tim giúp phát hiện các bất thường về cấu trúc của tim hay van tim. Đây có thể là nguyên nhân gây tình trạng rối loạn nhịp và đánh trống ngực ở người bệnh.
Ngoài ra bác sĩ có thể sẽ yêu cầu làm thêm một số xét nghiệm máu như điện giải đồ, hormon tuyến giáp. Qua đó giúp xác định chính xác nguyên nhân gây đánh trống ngực.
Tìm hiểu thêm: Bị đột quỵ khám chuyên khoa tim mạch có đúng không?
Thăm khám sẽ đưa đến câu trả lời chính xác nhất cho người bệnh đánh trống ngực
3.2. Phương pháp điều trị đánh trống ngực liên tục
Liệu pháp điều trị còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Nếu cơn đánh trống ngực xuất hiện khi bạn tập luyện thể dục, vận động quá sức hay do yếu tố tâm lý thì chỉ cần nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ. Trường hợp này chưa cần đến sự can thiệp của y khoa.
Nếu nguyên nhân xuất phát từ lối sống thiếu lành mạnh như lạm dụng chất kích thích, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia, cách cải thiện là điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt. Người bệnh nên cắt giảm, thậm chí loại bỏ hẳn những thói quen này.
Trong trường hợp cơn đánh trống ngực liên quan đến những loại thuốc điều trị các bệnh lý khác, bác sĩ sẽ có những thay đổi thích hợp trong đơn thuốc.
Nếu triệu chứng khó thở, tim đập nhanh, đánh trống ngực do các bệnh lý tim mạch gây ra, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị đặc hiệu. Một số trường hợp điều trị bằng thuốc không hiệu quả, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật.
Trước khi đi khám, bạn có thể thử cải thiện triệu chứng của mình bằng cách tránh hoạt động gây căng thẳng. Đồng thời nên hạn chế caffein hay đồ uống có cồn, nước tăng lực để có kết quả thăm khám chính xác.
3.3. Thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng tại nhà
Cách tốt nhất để cải thiện cơn đánh trống ngực là tránh những sự kích hoạt có thể gây nên triệu chứng này. Một vài cách mà mọi người có thể áp dụng đó là:
– Giữ tinh thần thoải mái, tránh để cơ thể stress và lo âu. Người bệnh có thể tập yoga, thiền, tập hít thở sâu để cơ thể được bình tĩnh và thoải mái.
– Tránh các chất kích thích có hại cho tim và sức khỏe nói chung. Chất kích thích bao gồm caffeine, nicotine, nước tăng lực cần được hạn chế với những người đang bị đánh trống ngực. Một số loại thuốc cũng là nguyên nhân gây ra triệu chứng này. Do đó, trước khi uống thuốc cần hỏi kỹ thông tin từ bác sĩ có chuyên môn.
– Tập luyện vừa sức, phù hợp với thể lực cá nhân. Tập luyện, vận động hàng ngày rất tốt cho tim mạch và thể chất. Tuy nhiên, chỉ nên tập với thời gian và cường độ phù hợp. Khi tập quá nặng sẽ vô tình gây áp lực cho tim.
– Ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất. Nên tăng cường ăn trái cây, chất xơ, hạn chế chất béo bão hòa, hạn chế đồ ăn chế biến sẵn và đồ ăn nhanh. Bên cạnh đó cũng nên cung cấp đủ vitamin, dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể.
>>>>>Xem thêm: Những thông tin cần biết về bệnh xơ vữa động mạch
Tập luyện là tốt tuy nhiên cần lựa chọn môn tập, thời gian và cường độ phù hợp
Đánh trống ngực nguy hiểm hay không còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố như tần suất, mức độ và các triệu chứng kèm theo. Tuy nhiên, người bệnh nên thăm khám ngay khi xuất hiện triệu chứng để được điều trị sớm và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.