Rối loạn nhịp tim là bệnh gì? Bệnh có đe dọa nguy hiểm đến tính mạng người bệnh không? Cùng đi tìm lời giải cho thắc mắc này trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Rối loạn nhịp tim là bệnh gì và các biến chứng nguy hiểm
1. Tìm hiểu chứng rối loạn nhịp tim
1.1. Rối loạn nhịp tim là bệnh gì?
Nhịp tim là số lần trái tim đập được tính trong thời gian một phút, điều khiển bởi các xung điện. Ở người trưởng thành khỏe mạnh, nhịp tim dao động từ 60 – 90 nhịp/phút. Khi bạn lo lắng, hồi hộp, vận động mạnh hoặc cảm sốt thì nhịp tim có thể tăng. Nếu sức khỏe của tim ổn định, việc tăng giảm nhịp tim không kéo dài mà nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường.
Rối loạn nhịp tim là tình trạng các xung điện điều khiển bên trong hoạt động bất thường khiến nhịp đập không đều, quá nhanh hoặc quá chậm… Tiêu chuẩn để đánh giá sự bất thường như sau:
– Nhịp tim nhanh: Nhịp tim nghỉ ngơi cao hơn 100 nhịp/phút.
– Nhịp tim chậm: Nhịp tim thấp hơn 60 nhịp/phút.
Ở người bình thường, nhịp tim dao động 60 – 90 nhịp/phút
1.2. Nguyên nhân gây bệnh giúp hiểu rõ hơn rối loạn nhịp tim là bệnh gì
Rối loạn nhịp tim phần lớn do bệnh lý của tim gây ra như bệnh động mạch vành, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh cơ tim…
Một số nguyên nhân khác tác động đến nhịp tim như:
– Tuổi tác: Những người cao tuổi có nguy cơ rối loạn nhịp tim nhiều hơn người trẻ.
– Người bị đái tháo đường, mỡ máu hoặc các bệnh nhân bị huyết áp cao.
– Mắc các bệnh lý về tuyến giáp, sử dụng chất kích thích.
– Bệnh nhân bị trầm cảm, mắc chứng lo âu.
2. Triệu chứng dễ nhận biết khi bị rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim có triệu chứng rất đa dạng với mức độ từ nhẹ tới nặng. Một số người bị rối loạn nhịp tim với các biểu hiện khá mơ hồ hoặc hoàn toàn không có bất cứ biểu hiện nào. Dưới đây là các triệu chứng thường gặp ở các bệnh nhân mắc rối loạn nhịp tim:
– Xuất hiện các cơn khó thở, thở ngắn, luôn lo lắng, hồi hộp.
– Choáng váng, chóng mặt, bước đi loạng choạng, dễ bị ngã.
– Đánh trống ngực, nhịp tim đập mạnh trong lồng ngực.
– Có cảm giác tim ngừng đập trong một vài giây rồi lại tiếp tục đập mạnh trở lại.
– Cơ thể mệt mỏi, yếu do chức năng bơm máu của tim hoạt động kém hiệu quả.
– Đau tức ngực kéo dài, có cảm giác ngực bị đè nén.
Tìm hiểu thêm: Nhồi máu cơ tim cấp nguyên nhân gây tử vong
Người bệnh có cảm giác đau tức ngực
– Ngất xỉu: Đây là triệu chứng nặng nhất đe dọa đến tính mạng người bệnh. Ngất xỉu khi đang lái xe hoặc leo cầu thang có thể dẫn đến các chấn thương nghiêm trọng. Triệu chứng này cảnh báo bệnh tim ở mức độ nặng và đáng lo ngại. Nếu bệnh nhân bỗng nhiên bị ngất xỉu thì cần nhanh chóng tìm rõ nguyên nhân để có biện pháp điều trị sớm.
Rối loạn nhịp tim giai đoạn đầu thường khó nhận biết nên nhiều người còn chủ quan. Bệnh lý này phát triển nặng dần lên do cơ tim suy yếu, nhịp đập tim bất thường. Các cơ quan tim và mạch sẽ bị tổn thương. Do vậy, việc phát hiện sớm bệnh lý có ý nghĩa quan trọng giúp điều trị bệnh hiệu quả.
3. Biến chứng khi bị rối loạn nhịp tim
Khi hiểu được rõ được nguyên nhân, bạn sẽ hạn chế được các biến chứng xấu xảy ra. Rối loạn nhịp tim có nhiều loại, mỗi loại lại do nguyên nhân và tình trạng rối loạn nhịp tim khác nhau. Không phải ai mắc bệnh cũng đều gặp nguy hiểm song đây là nguyên nhân chính gây suy và các tổn thương cơ tim. Ở giai đoạn nặng, người bệnh nếu không được phát hiện kịp thời thì rất dễ bị tử vong.
Rối loạn nhịp tim khiến người bệnh gặp nguy hiểm do các biến chứng sau:
3.1. Đột quỵ
Khi nhịp tim bất thường, các cục máu đông trong mạch máu bệnh nhân dễ hình thành. Chúng di chuyển theo dòng máu đi vào mọi cơ quan trong cơ thể. Nguy hiểm xảy ra khi các cục máu đông này di chuyển lên não, xâm nhập vào các mạch máu nhỏ. Điều này gây hẹp và tắc nghẽn hoạt động lưu thông máu. Chứng đột quỵ dễ xảy ra khi máu không cung cấp đủ lên não. Đột quỵ càng kéo dài thì lượng tế bào não suy yếu, chết đi càng nhiều, không hồi phục được lại.
3.2. Suy tim
Rối loạn nhịp tim khiến khả năng bơm máu của tim kém hiệu quả dễ dẫn đến tình trạng suy tim. Đây là bệnh lý nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tới sự sống con người.
3.3. Hạn chế hoạt động/ sinh hoạt
Để thực hiện các hoạt động, cơ thể cần được cung cấp đủ máu có oxy liên tục. Ở những bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim, tim không thể bơm đủ máu đến cơ quan khác trong cơ thể nên luôn trong trạng thái mệt mỏi, yếu ớt. Điều này gây ảnh hưởng tới mọi hoạt động và sinh hoạt hàng ngày.
3.4. Đột tử
Một số rối loạn nhịp tim có tính tiềm ẩn, bệnh nhân không có bất cứ triệu chứng nào hoặc biểu hiện không rõ ràng. Tuy nhiên khi bệnh nhân trở nặng có thể dẫn đến đột tử. Một trong những yếu tố gây đột tử ở người trẻ tuổi là tình trạng loạn nhịp tim nặng.
4. Điều trị rối loạn nhịp tim
Điều trị rối loạn nhịp tim hiện nay có rất nhiều phương pháp. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người mà bác sĩ có thể dùng riêng biệt hay phối hợp nhiều phương pháp với nhau, theo các nguyên tắc chung. Cụ thể:
– Sử dụng thuốc chống loạn nhịp tim theo chỉ định như thuốc chẹn kênh calci, digoxin, thuốc chẹn beta,…
– Loại bỏ một số loại thuốc điều trị gây loạn nhịp hoặc các chất kích thích…
– Điều trị các bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường, cường giáp thật tốt.
– Sử dụng các nghiệm pháp làm giảm nhịp tim như ấn và xoa xoang động mạch cảnh, nghiệm pháp Valsalva… Khi đã có chỉ định của bác sĩ thì cần tuân thủ nghiêm ngặt điều trị theo đúng hướng dẫn.
>>>>>Xem thêm: Thiếu vitamin B12 gây thiếu máu có nguy hiểm không?
Người bệnh cần chú ý chế độ ăn lành mạnh
5. Cách phòng tránh rối loạn nhịp tim hiệu quả
Ngoài việc thăm khám, điều trị trực tiếp bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, bệnh nhân cần lưu ý các biện pháp dưới đây:
– Không căng thẳng stress vì đây là nguyên nhân dễ dẫn tới bệnh tim mạch.
– Bổ sung thực đơn có lợi cho sức khỏe tim mạch. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, hạn chế mỡ động vật và cholesterol.
– Luyện tập thể dục thể thao tùy theo khả năng bản thân.
– Không hút thuốc lá, hạn chế dùng đồ uống có cồn
– Duy trì cân nặng phù hợp, chế độ ăn lành mạnh.
– Không thức khuya.
– Nên kiểm tra sức khỏe, tầm soát tim mạch 6 tháng/lần.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.