Điện tâm đồ là một phương pháp cận lâm sàng quen thuộc trong chẩn đoán nhiều bệnh lý, nhất là các bệnh lý tim mạch. Đo điện tâm đồ là gì và những lưu ý khi đo sẽ được chia sẻ trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Đo điện tâm đồ là gì và những lưu ý khi đo
1. Đo điện tâm đồ là phương pháp gì?
1.1 Đo điện tâm đồ là gì?
Điện tâm đồ (ECG) là phương pháp thường dùng để theo dõi hoạt động, tốc độ cũng như nhịp điệu của tim. Là một kỹ thuật không xâm lấn, không gây đau đớn, dễ dàng thực hiện nhưng lại có nhiều tác dụng trong chẩn đoán và điều trị, đo điện tâm đồ ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong thăm khám, đặc biệt là chẩn đoán các vấn đề tim mạch.
Nguyên lý của phương pháp này như sau: Trái tim bình thường sẽ thực hiện nhiệm vụ bơm máu bằng cách co bóp theo nhịp. Quá trình này được điều khiển bởi một hệ thống dẫn truyền ở trong cơ tim. Khi tạo nhịp co bóp, tim tạo ra một dòng điện rất nhỏ. Máy đo điện tim ghi lại dòng điện nhờ các cực điện đặt tại các vị trí ngực, tay và chân của bệnh nhân.
Để mô tả lại dòng điện này, máy ghi điện tâm đồ sẽ khuếch đại tín hiệu và hiển thị dưới dạng là những đường gấp khúc lên xuống. Biểu đồ này giúp mô tả sự biến thiên của nhịp co bóp do tim tạo ra.
Thông qua đọc điện tim, bác sĩ có thể biết được khả năng tống máu của tim, nhịp điệu và tốc độ của tim.
Điện tâm đồ (ECG) là phương pháp thường dùng để theo dõi hoạt động, tốc độ cũng như nhịp điệu của tim.
1.2 Tác dụng của đo điện tâm đồ là gì?
Đo điện tim là phương pháp có thể áp dụng cho tất cả đối tượng bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, gồm cả người khỏe mạnh lẫn người đang gặp vấn đề về sức khỏe. Đây là chỉ định thường quy ai cũng cần phải thực hiện khi thăm khám sức khỏe định kỳ. Ngoài ra phương pháp này còn thường được chỉ định cho những trường hợp sau:
– Chẩn đoán các rối loạn về nhịp tim
– Nghi ngờ hoặc theo dõi bệnh lý mạch vành
– Người trên 55 tuổi, đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tim như người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, thừa cân béo phì, uống nhiều bia rượu,…
– Có người thân trong gia đình từng mắc bệnh về tim mạch
– Kiểm tra tình trạng cơ tim bị giãn, dày; hở các van tim; viêm màng tim; rối loạn lipid máu,…
– Xuất hiện các triệu chứng cảnh báo bệnh lý tim mạch như đau thắt ngực, khó thở, đánh trống ngực, mệt mỏi, ngất xỉu, chóng mặt,…
– Được chỉ định để kiểm tra trước khi bệnh nhân thực hiện phẫu thuật, cấy ghép máy tạo nhịp tim
– Theo dõi bệnh nhân sau khi phẫu thuật thông tim, điều trị viêm nội tâm mạc hay nhồi máu cơ tim
– Theo dõi người đã được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch
2. Các bước đo điện tâm đồ
– Bệnh nhân nằm trên giường bệnh, kéo quần áo để lộ vùng tay, chân và ngực.
– Các điện cực được gắn lên các vị trí cần đo là ở vùng cổ tay, ngực, cổ chân bệnh nhân.
– Tín hiệu điện tim sẽ được máy ghi lại và hiển thị dưới dạng biểu đồ. Các tín hiệu này bao gồm cả các sóng điện bất thường.
– Tháo các điện cực trên người và hoàn tất thủ tục đo điện tim.
Tìm hiểu thêm: Bệnh hẹp động mạch vành và những nguy cơ tiềm ẩn
Điện tâm đồ là một chỉ định thường quy trong kiểm tra sức khỏe nói chung, và được dùng nhiều khi nghi ngờ các vấn đề tim mạch.
3. Một số lưu ý khi đo điện tim
Trước khi thực hiện điện tâm đồ, người bệnh sẽ được khám lâm sàng với bác sĩ. Cần liệt kê đầy đủ triệu chứng, tiền sử bệnh, tiền sử gia đình, các yếu tố nguy cơ tim mạch, những lo lắng, căng thẳng hoặc những thay đổi gần đây, các loại thuốc, thực phẩm chức năng, vitamin đang dùng…
Ngay trước khi thực hiện điện tim, người bệnh sẽ được nhân viên y tế giải thích về kỹ thuật và hướng dẫn các thủ tục thực hiện phương pháp này. Một số lưu ý khi đo điện tim để có kết quả đo chính xác nhất:
– Bệnh nhân không tập thể dục, không hút thuốc lá trước khi đo vì làm như vậy có thể làm ảnh hưởng tới kết quả.
– Trong khi đo điện tim, bệnh nhân cần nằm im thư giãn, không kích động, căng thẳng vì điều này cũng sẽ gây sai lệch kết quả đo.
– Sau khi hoàn tất quá trình đo điện tâm đồ, bệnh nhân có thể hoạt động bình thường trở lại ngay.
– Tùy thuộc vào tình trạng thực tế của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định làm điện tâm đồ một lần hay nhiều lần, khoảng thời gian cách nhau bao lâu.
>>>>>Xem thêm: Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu: Nguyên nhân, biến chứng
Kỹ thuật đo điện tâm đồ cần được thực hiện ở cơ sở y tế với sự hướng dẫn của nhân viên y tế có chuyên môn.
4. Đọc điện tâm đồ như thế nào?
Đọc điện tâm đồ là một kỹ năng rất phức tạp, đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn về Tim mạch và được đào tạo bài bản. Dựa trên kết quả được ghi lại, bác sĩ chuyên khoa có thể xác định các vấn đề mà bệnh nhân đang gặp phải. Khi có kết quả điện tâm đồ bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ để hiểu được sâu hơn về tình trạng của mình.
5. Đo điện tâm đồ có an toàn không?
Đo điện tâm đồ là phương pháp thăm dò an toàn, không xâm lấn, không gây tổn hại đến sức khỏe, không gây đau, giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán được nhiều bất thường của tim. Điển hình là tình trạng rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, suy tim, nhồi máu cơ tim, rối loạn các chất điện giải trong máu, dày thành cơ tim, tràn dịch màng ngoài tim, tâm phế mạn,…
Các điện cực được dính trên da sẽ không gây hại hay gây đau đớn cho người bệnh. Rất hiếm trường hợp bị kích ứng vùng da tại vị trí áp điện cực.
Điện tâm đồ có thể thực hiện ở bất kỳ thời điểm nào, không liên quan đến bữa ăn, người bệnh không phải nhịn đói khi làm điện tâm đồ.
Ngoài phương pháp đo điện tâm đồ thường quy, bệnh nhân có thể dùng phương pháp Holter 24h nếu nghi ngờ đang bị thiếu thiếu máu cơ tim hay rối loạn nhịp tim. Đây là một hình thức đo điện tim di động, cụ thể máy đo điện tim sẽ được gắn trên người bệnh nhân trong vòng 1 – 2 ngày, giúp theo dõi sự thay đổi của nhịp tim trong vòng 24h.
Qua bài viết trên đây hi vọng bạn đã biết đo điện tâm đồ là gì cùng cách thức thực hiện và những lưu ý khi tiến hành. Khi có nguy cơ tim mạch hoặc các triệu chứng bất thường, hãy thăm khám chuyên khoa Tim mạch để được khám với chuyên gia và thực hiện các chẩn đoán cần thiết.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.