Giải đáp điện tâm đồ là gì, đối tượng, mục đích sử dụng

Điện tâm đồ (ECG) là phương pháp theo dõi hoạt động của tim phổ biến. Mục đích giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý tim mạch. Cùng theo dõi bài viết sau đây để hiểu điện tâm đồ là gì và lúc nào thì áp dụng phương pháp này.

Bạn đang đọc: Giải đáp điện tâm đồ là gì, đối tượng, mục đích sử dụng

1. Tìm hiểu điện tâm đồ là gì?

1.1. Hiểu đúng: Điện tâm đồ là gì?

Điện tâm đồ (viết tắt ECG) là một đường cong ghi lại các biến thiên của dòng điện do tim phát ra khi hoạt động co bóp. ECG có thể đo tốc độ, nhịp điệu của tim cũng như cung cấp các bằng chứng về lưu lượng máu đến tim một cách gián tiếp.

1.2. Khi nào bạn cần đo điện tâm đồ?

Nếu cơ thể đang xuất hiện các triệu chứng sau, bạn nên đến các cơ sở y tế để đo điện tâm đồ:

– Đau tức vùng ngực

– Chóng mặt, hoa mắt, mất thăng bằng và gần ngất xỉu

– Tim đập nhanh, loạn nhịp

– Khó thở

– Mệt và yếu sức khi tập thể dục, leo cầu thang hoặc khi gắng sức.

Giải đáp điện tâm đồ là gì, đối tượng, mục đích sử dụng

Những người có triệu chứng khó thở, tức ngực khi đi khám thường được chỉ định xét nghiệm điện tâm đồ

2. Điện tâm đồ ECG được tiến hành như thế nào?

Điện tâm đồ là một phương pháp chẩn đoán đơn giản, không gây đau đớn và đem lại giá trị trong chẩn đoán nhiều bệnh tim như nhịp tim rối loạn, đau thắt ngực, bệnh van tim, …

Điện tâm đồ được thực hiện bằng máy đo điện tâm đồ gồm các điện cực lắp vào cổ tay, cổ chân và vùng tim người bệnh. Máy sẽ phát hiện, khuếch đại các xung điện xuất hiện ở mỗi nhịp tim và thể hiện trên máy tính. Các điện cực khác nhau cũng sẽ ghi lại nhịp đập của tim. Điện cực ở các bộ phận khác nhau của cơ thể phát hiện các xung điện phát ra từ các hướng khác nhau bên trong tim. Mỗi điện cực sẽ cho ra những dạng sóng bình thường. Tuy nhiên rối loạn nhịp tim sẽ tạo ra các sóng bất thường thể hiện trên điện tâm đồ.

3. Điện tâm đồ dành cho những đối tượng nào, mục đích gì?

3.1. Các đối tượng nên thực hiện điện tâm đồ

Hiện nay, các bệnh viện và phòng khám đều có máy đo điện tâm đồ để thăm khám và chẩn đoán bệnh. Những người có triệu chứng của bệnh tim mạch như đau thắt ngực, khó thở, hụt hơi, … sẽ được chỉ định làm điện tâm đồ.

Bên cạnh đó những người thuộc nhóm bệnh sau cũng nên thực hiện phương pháp này để kiểm tra và theo dõi tình trạng bệnh:

– Bị thiếu máu cơ tim

– Bị hở van tim

– Nhóm người bệnh tăng huyết áp

– Bệnh nhân tiểu đường

– Bệnh nhân rối loạn lipid máu

ECG còn là một trong những phương pháp được áp dụng rộng rãi với mục đích sàng lọc, tầm soát các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ mắc bệnh lý về tim mạch.

3.2. Mục đích của xét nghiệm điện tâm đồ là gì?

Xét nghiệm ECG ghi lại các biến đổi của dòng điện dẫn truyền trong tim, từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý tim mạch như:

– Rối loạn nhịp tim

– Rối loạn dẫn truyền trong tim

– Nhồi máu cơ tim

– Thiếu máu cơ tim

– Suy tim

– Tràn dịch màng ngoài tim

– Viêm màng ngoài tim cấp

– Tâm phế mạn

– Rối loạn chất điện giải trong máu

– Dày thành cơ tim

3.3. Những lưu ý khi xét nghiệm ECG

Không cần chuẩn bị gì đặc biệt trước khi thực hiện đo điện tâm đồ. Cũng không cần nhịn đói khi làm điện tâm đồ ECG.

Đo điện tim là xét nghiệm an toàn, không ảnh hưởng và gây hại đến sức khỏe do đó có thể làm bất kỳ thời điểm nào.

Tùy thuộc vào diễn biến của bệnh và tình trạng của từng người, bác sĩ có thể quyết định làm ECG nhiều lần trong các mốc thời gian khác nhau.

Khi đo ECG, bệnh nhân được yêu cầu nằm trên giường. Nếu có lông trên ngực hay những vùng cần gắn điện cực, kỹ thuật viên có thể yêu cầu người bệnh cạo lông.

Trong quá trình đo ECG, điện cực được dán trên ngực và tay chân, sau đó kết nối với máy ghi nhận tín hiệu điện từ tim và biểu hiện thành dạng sóng trên giấy.

Người bệnh hít thở bình thường trong lúc thực hiện nhưng cần nằm im, giữ yên lặng trong suốt quá trình ghi nhận kết quả. Thời gian thực hiện đo ECG mất 2-3 phút.

Người bệnh có thể hoạt động bình thường sau khi đo ECG.

4. Chi tiết về chẩn đoán bệnh thông qua điện tâm đồ

4.1. Nhóm 1: Chẩn đoán nhồi máu cơ tim

Khi cơ tim thiếu máu và dưỡng khí, rất dễ dẫn đến tổn thương hoặc hoại tử. Khả năng dẫn truyền điện của cơ tim bị thay đổi và ghi nhận được trên điện tâm đồ. Đây được xem là một trong những chẩn đoán có giá trị của phương pháp cận lâm sàng này.

Tìm hiểu thêm: Hẹp van tim hai lá là gì? Triệu chứng và cách điều trị

Giải đáp điện tâm đồ là gì, đối tượng, mục đích sử dụng

Điện tâm đồ ECG được sử dụng trong chẩn đoán và theo dõi nhiều bệnh lý tim mạch

4.2. Nhóm 2: Chẩn đoán thiếu máu cơ tim

Thiếu máu cơ tim sẽ cho thấy hình ảnh sóng T trên điện tâm đồ dẹt, âm.

4.3. Nhóm 3: Chẩn đoán và theo dõi nhịp tim rối loạn

Vị trí phát ra nhịp bất thường như nút xoang, nút nhĩ thất, cơ tim và bất thường dẫn truyền một chiều của tim sẽ cho ra hình ảnh nhịp tim bất thường thông qua xét nghiệm ECG.

4.4. Nhóm 4: Chẩn đoán và theo dõi rối loạn dẫn truyền nhịp tim do hệ thống dẫn truyền

Tổn thương, mất mạch lạc dẫn truyền cho thấy những bất thường về nhánh điện học của tim trên ECG.

4.5. Nhóm 5: Chẩn đoán các chứng tim lớn khi cơ tim dày hay dãn

Quá trình khử cực, tái cực của cơ tim sẽ thay đổi nhờ đó trên giấy ghi kết quả điện tâm đồ sẽ cho các thông tin nhất định về tình trạng buồng tim lớn. Tuy nhiên giá trị của điện tâm đồ trong trường hợp này không chiếm nhiều ưu thế. Vì tiêu chuẩn thay đổi nhiều phụ thuộc vào yếu tố gây nhiễu, độ nhạy kém và có nhiều công cụ chẩn đoán tình trạng này tốt hơn.

Trước khi thực hiện điện tâm đồ, bệnh nhân cần báo đầy đủ các triệu chứng thường gặp; các thông tin đi kèm như tiền sử bệnh, tiền sử gia đình; yếu tố nguy cơ bao gồm huyết áp cao, tiểu đường, đột quỵ, rối loạn nhịp tim kể cả những thay đổi về tâm lý gần đây. Đồng thời cũng nói với bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm chức năng đang sử dụng để bác sĩ nắm được thông tin.

4.6. Phân tích ưu nhược điểm của xét nghiệm ECG

Ưu điểm

Như đã đề cập ở trên, điện tâm đồ là phương pháp đơn giản, an toàn để tìm ra các dấu hiệu của bệnh tim mạch. ECG là thăm dò không xâm lấn, không gây chảy máu, có thể tiến hành bất cứ lúc nào, thời gian thực hiện ngắn. Điện tâm đồ được coi là công cụ hỗ trợ đắc lực để chẩn đoán nhiều bệnh lý tim mạch.

Giải đáp điện tâm đồ là gì, đối tượng, mục đích sử dụng

>>>>>Xem thêm: Các biện pháp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả

Điện tâm đồ cần được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, đội ngũ kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm

Nhược điểm

Bên cạnh các ưu điểm kể trên, nhiều trường hợp khi làm ECG cho kết quả bình thường nhưng cũng chưa thể loại trừ bệnh lý tim mạch điển hình là bệnh thiếu máu cơ tim.

Ví dụ một người có cơn đau thắt ngực không thường xuyên, thỉnh thoảng mới xuất hiện cơn đau trong một thời gian ngắn. Khi làm điện tim ngoài cơn đau, các sóng điện tâm đồ cho kết quả bình thường, song điều đó chưa kết luận rằng người đó không mắc bất cứ bệnh tim mạch nào.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *