Dấu hiệu của bệnh trĩ cần được nhận biết sớm để việc điều trị đạt được hiệu quả cao. Trong bài viết này, cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu tổng quan về bệnh cũng như nguyên nhân và các dấu hiệu bệnh trĩ.
Bạn đang đọc: Các dấu hiệu bệnh trĩ: Khi nào cần đi khám và điều trị?
1. Những điều cần biết về bệnh trĩ
1.1. Bệnh trĩ là gì?
Trĩ là căn bệnh đường tiêu hóa với tỉ lệ mắc trong cộng đồng rất cao. Bệnh trĩ hình thành do tình trạng các tĩnh mạch hậu môn và trực tràng dưới giãn ra. Lý giải cơ chế bệnh sinh của trĩ, có hai giả thuyết được đưa ra. Giả thuyết 1, các dây chằng cố định đám rối tĩnh mạch bị đứt, khiến tĩnh mạch hậu môn cùng đệm hậu môn bị ứ máu, giãn ra và trượt ra ngoài. Giả thuyết 2, do rối loạn thần kinh vận mạch tạo nên các đáp ứng bất thường. Điều này mở thông cầu nối thông động tĩnh mạch ở đệm hậu môn. Lưu lượng máu lớn và ồ ạt dẫn tới tăng áp lực máu ở đám rối tĩnh mạch gây chảy máu và sa búi trĩ.
1.2. Phân loại bệnh trĩ
Thông thường, bệnh trĩ được chia làm hai loại: Trĩ nội và trĩ ngoại.
– Trĩ nội: Vị trí xuất hiện của các búi trĩ là trên đường lược của hậu môn và trực tràng. Trĩ nội nằm trong ống hậu môn. Việc quan sát và nhận biết trĩ nội sẽ khó khăn hơn. Chỉ khi bệnh nhân đi ngoài ra máu, búi trĩ to rớt ra thì người bệnh mới nhận biết được
– Trĩ ngoại: Vị trí xuất hiện là bên ngoài ống hậu môn, nằm dưới đường lược. Bệnh dễ phát hiện hơn trĩ nội, tuy nhiên, mức độ đau đớn của trĩ ngoại là cao hơn. Búi trĩ khi sa ra ngoài sẽ cọ xát vào trang phục, ghế ngồi,.. Điều này gây khó chịu và phiền toái cho người bệnh.
Khi người bệnh có búi trĩ ở cả trong và ngoài ống hậu môn, tình trạng này là trĩ hỗn hợp.
Hình ảnh mô tả bệnh trĩ nội và bệnh trĩ ngoại
Ngoài ra, bệnh trĩ còn được phân chia theo cấp độ. Có 4 cấp độ bệnh trĩ. Trong đó, ở cấp độ 1,2, búi trĩ có thể co lên được và triệu chứng bệnh không quá nặng nề. Ở cấp độ 3,4, búi trĩ sa ra ngoài và không thể tự co lên được. Người bệnh cần can thiệp ngoại khoa như dùng thủ thuật, mổ cắt trĩ mới điều trị bệnh triệt để.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ
Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc trĩ. Tuy nhiên, khi bước vào tuổi trung niên, bệnh có thể sẽ dễ mắc hơn. Đa số người bị bệnh trĩ nằm trong độ tuổi từ 30-60 tuổi. Tỷ lệ bệnh ở nữ cũng cao hơn nam giới, chiếm tỷ lệ khoảng 60%. Dưới đây là một số nguyên nhân hình thành nên các búi trĩ:
– Thói quen ít vận động, thường xuyên ngồi lâu một tư thế. Đối tượng mắc bệnh trĩ này thường là người làm công việc văn phòng
– Khuân, bê vác quá nặng quá lâu, trong thời gian dài.
– Thói quen uống không đủ nước, ăn đồ cay nóng.
– Thiếu hụt chất xơ do không đủ rau xanh, hoa quả,..
– Phụ nữ mang thai và sau sinh, người bệnh bị béo phì.
– Mắc bệnh táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài.
– Thói quen đi đại tiện lâu, rặn nhiều khi đại tiện.
– Quan hệ tình dục bằng cách xâm nhập hậu môn cũng có thể hình thành bệnh trĩ.
3. Dấu hiệu bệnh trĩ – Nhận biết bệnh trĩ như thế nào?
3.1. Các dấu hiệu bệnh trĩ thường gặp
Trĩ nội và trĩ ngoại khác nhau ở vị trí. Các dấu hiệu nhận biết bệnh cũng có một số điểm khác nhau. Tuy thế chúng vẫn có các dấu hiệu nhận biết chung như đại tiện ra máu, đau rát hậu môn, hậu môn sưng lên, đại tiện kèm chất dịch nhầy…Các dấu hiệu chung như sau:
– Đau rát nhẹ khi đi đại tiện. Một dấu hiệu của bệnh trĩ khi còn đang ở cấp độ nhẹ. Nên đi khám từ những dấu hiệu nhẹ để ngăn ngừa những tình trạng xấu hơn.
– Đi đại tiện kèm máu. Đối với bệnh trĩ ở giai đoạn nhẹ, có thể nhìn được trong phân hoặc giấy vệ sinh sẽ có lẫn máu tươi. Lượng máu lúc này chưa nhiều. Trong thời gian dài tiếp theo nếu không được điều trị, người bệnh sẽ đi đại tiện kèm theo những tia máu với lượng máu khá lớn. Hãy ngay lập tức đi khám nếu đi đại tiện ra quá nhiều máu, bởi vì đây không chỉ là dấu hiệu bệnh trĩ mà còn có thể là dấu hiệu của những căn bệnh tiêu hóa nguy hiểm khác.
– Xuất hiện những khối gây cảm giác cộm ở hậu môn, có thể tự co vào hoặc không: Đây là biểu hiện đặc trưng của người bệnh trĩ. Tuy nhiên, cần thăm khám để xác định bệnh bệnh trĩ hay là các loại bệnh khác như polyp ống hậu môn. Nếu được chẩn đoán là bệnh trĩ, đối với từng mức độ bệnh khác nhau, mức độ sa của búi trĩ sẽ khác nhau, gây khó chịu và đau đớn theo các cấp độ khác nhau cho người bệnh.
3.2. Các dấu hiệu bệnh trĩ theo loại bệnh
– Trĩ nội: Các dấu hiệu trĩ nội: đi đại tiện ra máu từ ít đến nhiều, đau rát, sau đó là sa búi trĩ có thể co lên. Dần dần khi bệnh trở nặng thì búi trĩ sẽ lòi hẳn ra ngoài, phải dùng tay ấn mới lên được.
Giai đoạn đầu, trĩ nội rất khó nhận biết bởi các dấu hiệu không rõ ràng. Ngoài các biểu hiện chung, trĩ nội ở cấp độ 1,2 không gây ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống của người bệnh. Tuy bệnh trĩ nội nhẹ hơn trĩ ngoại, nhưng nhận biết và điều trị trĩ nội thường gặp nhiều khó khăn hơn vì bệnh nhân nhận biết muộn.
– Trĩ ngoại: Trĩ ngoại tuy nguy hiểm và dẫn đến nhiều biến chứng hơn nhưng lại dễ nhận biết hơn. Trong thời gian đầu, có thể thấy các nốt màu đỏ, kích thước khá nhỏ ở xung quanh lỗ hậu môn. Theo thời gian các nốt này sẽ to ra, gây vướng víu và đem lại nhiều bất tiện trong sinh hoạt của người bệnh.
3.3. Khi nào cần đi khám và điều trị bệnh trĩ?
Bệnh trĩ không thể tự khỏi và cũng không nhẹ đi. Các dấu hiệu bệnh trĩ cần được nhận biết sớm. Người bệnh cần đi khám để có phương hướng điều trị càng sớm càng tốt. Đối với bệnh trĩ ở giai đoạn nhẹ, hoàn toàn có thể điều trị nội khoa bằng các thuốc được các bác sĩ chỉ định. Người bệnh không nên để bệnh đến mức độ quá nặng rồi mới đến khám chữa. Lúc này, các bác sĩ buộc phải can thiệp ngoại khoa bằng các thủ thuật, phẫu thuật.
Tìm hiểu thêm: Yoga cho người bị bệnh trĩ cần lưu ý điều gì?
Người bệnh cần đi khám ngay khi thấy những dấu hiệu dù là nhẹ xuất hiện
4. Phòng ngừa bệnh trĩ bằng biện pháp nào?
Phòng ngừa bệnh trĩ là điều cần làm đối với mọi lứa tuổi. Cần duy trì những thói quen sau đây để ngăn ngừa trĩ hiệu quả.
– Bổ sung chất xơ, các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ và vitamin hàng ngày, uống đủ nước (từ 2 lít một ngày)
>>>>>Xem thêm: Kinh nghiệm chữa khỏi bệnh trĩ bằng cây huyết dụ
Chất xơ giúp hạn chế táo bón, giảm khả năng bị trĩ
– Không sử dụng quá nhiều đồ cay nóng, chiên rán để tránh tạo áp lực lên hệ tiêu hóa nói chung.
– Tăng cường vận động, tập một vài động tác nhẹ sau khi ngồi quá lâu.
– Không sử dụng quá nhiều các chất kích thích, rượu bia,…
– Hãy thăm khám ngay nếu bắt đầu có các triệu chứng của trĩ
– Ngâm hậu môn trong nước nóng từ 15-20p sẽ giúp bạn hạn chế tắc nghẽn mạch máu
Bệnh trĩ là căn bệnh không quá nguy hiểm nếu được thăm khám và điều trị đúng thời điểm, đúng phương pháp. Hãy đến các cơ sở chuyên khoa uy tín ngay khi có các dấu hiệu bệnh trĩ để được tư vấn kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.