Áp xe vú là một bệnh lý thường gặp là phụ nữ sau sinh và cho con bú. Bệnh không chỉ gây đau nhức, ảnh hưởng sức khỏe và sinh hoạt của người mẹ, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho bé bú. Thậm chí, nếu không được điều trị kịp thời, áp xe vú còn có thể tiến triển thành ung thư. Vậy, áp xe vú có nguy hiểm không, có điều trị được không và điều trị như thế nào… Mời các bạn cùng theo dõi câu trả lời trong bài viết này nhé!
Bạn đang đọc: Áp xe vú có nguy hiểm không? Có điều trị được không?
1. Tìm hiểu về bệnh áp xe vú
1.1. Thế nào là bệnh áp xe vú?
Áp xe vú do vi khuẩn gây ra khiến tích tụ mủ trong vú. Biểu hiện của áp xe vú là viêm nhiễm, xuất hiện những cục sưng tấy, màu đỏ. Những người mắc bệnh này chủ yếu là những phụ nữ sau sinh và đang cho con bú. Ngoài ra, những phụ nữ không giữ gìn vệ sinh cá nhân cẩn thận, sạch sẽ hoặc phụ nữ thừa cân, có ngực lớn… cũng có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn phụ nữ bình thường.
Áp xe vú do vi khuẩn gây ra, khiến tích tụ mủ trong vú
1.2. Những triệu chứng thường gặp của áp xe vú
Rất nhiều phụ nữ tỏ ra lo lắng, không biết áp xe vú có nguy hiểm không, triệu chứng của bệnh là gì? Tùy vào mỗi giai đoạn bệnh, tình trạng bệnh và thể trạng của chị em mà bệnh có những triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn phụ nữ mắc bệnh sẽ có chung những biểu hiện đặc trưng như sau:
– Giai đoạn đầu của bệnh:
+ Cảm giác đau nhức, khó chịu bên trong tuyến vú.
+ Chỗ bị viêm xuất hiện cục sưng tấy, màu đỏ.
– Giai đoạn hình thành áp xe:
+ Vùng da chỗ áp xe sưng đỏ, căng phồng, nóng, sờ vào thấy rất đau.
+ Người bệnh bị sốt, ớn lạnh, cảm thấy buồn nôn và nôn.
+ Núm vú bị tụt vào bên trong, có dịch mủ chảy ra.
Nếu chị em gặp bất cứ dấu hiệu nào trong số các dấu hiệu trên thì hãy nhanh chóng đi gặp bác sĩ. Việc chẩn đoán sớm và điều trị bằng kháng sinh có thể giúp người bệnh tránh được nguy cơ phải thực hiện phẫu thuật sau này.
Tùy vào mỗi giai đoạn bệnh, tình trạng bệnh và một vài yếu tố khác mà bệnh có những triệu chứng khác nhau
2. Nguyên nhân gây ra bệnh áp xe vú là gì?
Như đã chia sẻ, áp xe vú là do vi khuẩn xâm nhập tuyến vú, gây viêm nhiễm tích mủ. Vi khuẩn có thể “tấn công” tuyến vú của phụ nữ thông qua vết xước, rách trên bề mặt da hoặc lỗ mở của ống tuyến vú.
Vi khuẩn có mặt ở khắp mọi nơi như: Trong không khí, trên bề mặt da (ở phụ nữ không giữ vệ sinh cơ thể) hoặc trong miệng em bé (ở phụ nữ cho con bú). Có hai chủng vi khuẩn gây bệnh phổ biến là: Staphylococcus aureus và Streptococcus. Ngoài ra, một số trường hợp áp xe vú là do sự tấn công của các chủng vi khuẩn khác như: E.coli, Bacteroides, Corynebacterium, S. lugdunensis, Pseudomonas aeruginosa, Proteus mirabilis…
Tìm hiểu thêm: Bệnh viện nào chẩn đoán ung thư đại tràng?
Áp xe vú là do vi khuẩn xâm nhập tuyến vú, gây viêm nhiễm tích mủ
3. Những yếu tố nào khiến tăng nguy cơ mắc áp xe vú?
Những yếu tố dưới đây không phải là nguyên nhân mà chỉ là những yếu tố khiến nguy cơ mắc bệnh áp xe vú tăng cao. Nếu những phụ nữ đang cho con bú gặp phải một số hiện tượng sau, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn bình thường:
– Cho bé bú sai cách.
– Cho bé bú quá ít, không đủ nhiều lần và thời gian, khiến sữa bị tích tụ.
– Phụ nữ mặc áo ngực chật, không đúng kích thước.
– Núm vú có vết xước.
– Phụ nữ bị tắc tia sữa, tắc ống dẫn sữa.
4. Giải đáp thắc mắc: Áp xe vú có nguy hiểm không?
4.1. Những biến chứng mà bệnh áp xe vú gây ra
Nếu áp xe vú không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sẽ gây ra:
– Nguy cơ phải thực hiện phẫu thuật để loại bỏ ổ áp xe.
– Ổ áp xe còn tạo điều kiện để bệnh tái phát thường xuyên hoặc trở thành áp xe tự vỡ, áp xe hoại tử.
– Những vi khuẩn từ ổ áp xe vú cũng có nguy cơ lây lan sang các mạch máu, xâm nhập vào toàn bộ cơ thể, gây ra những biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng huyết, suy thận… thậm chí là hoại tử các chi.
– Khối áp xe để lâu còn có nguy cơ phát triển thành ung thư vú..
– Phụ nữ dùng kháng sinh điều trị áp xe kéo dài gây nhờn thuốc, viêm xơ tuyến vú mạn tính.
– Nguy cơ mắc nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, tụt huyết áp.
Nếu áp xe vú không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng
4.2. Vậy áp xe vú có nguy hiểm không?
Với những biến chứng kể trên có thể thấy áp xe vú khá nguy hiểm và đây là nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhiều phụ nữ sau sinh. Khi mới mắc bệnh, chị em có thể chỉ cảm thấy mệt mỏi, đau tức bầu ngực, núm vú và cơn đau dần lan sang bả vai cánh tay. Đến khi bệnh sang giai đoạn hình thành áp xe thì các dấu hiệu sẽ dần rõ rệt: ổ áp xe căng cứng, nóng ran, mưng mủ, gây sốt cao, đau đầu, toàn thân rét run, suy nhược cơ thể… Điều này không chỉ gây cản trở đến sinh hoạt hàng ngày mà còn khiến các chị em mệt mỏi, áp lực, stress.
– Đối với các chị em phụ nữ sau sinh và cho con bú:
Do ổ áp xe sưng to khiến mẹ sẽ gặp khó khăn khi cho con bú hoặc hút sữa. Nếu áp xe nặng sẽ khiến mủ lẫn vào sữa chảy ra ngoài qua núm vú, sữa có mùi bất thường, hôi tanh. Áp xe còn khiến tuyến vú mất chức năng tiết sữa, thậm chí gây hoại tử.
Nếu mẹ dùng thuốc để điều trị thì sẽ gây ảnh hưởng tới chất lượng sữa. Thường các mẹ sẽ hút bỏ toàn bộ sữa trong thời gian dùng kháng sinh. Việc này cũng gây ảnh hưởng tới việc bú mẹ của bé.
– Đối với phụ nữ chưa có con hoặc không cho con bú:
Những phụ nữ không cho con bú thường sẽ gặp một loại áp xe cũng phổ biến không kém là áp xe dưới quầng vú. Đó là tình trạng khối nhiễm trùng xảy ra ở vùng dưới quầng vú – vùng da sậm màu ở quanh núm vú.
5. Điều trị và phòng tránh bệnh áp xe vú như thế nào?
5.1. Điều trị bệnh hiệu quả
Bản chất áp xe vú xuất phát từ tình trạng viêm nhiễm. Do đó, nếu phát hiện sớm, bệnh chỉ cần điều trị bằng kháng sinh, hoặc chọc hút dịch mủ mà không cần phẫu thuật.
Khi ổ áp xe lớn, người bệnh sẽ phải gây tê để thực hiện phẫu thuật dẫn lưu ổ áp xe. Để phẫu thuật, bác sĩ sẽ đặt một ống nhỏ vào ổ áp xe để dẫn lưu dịch mủ. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng dẫn lưu dịch mủ từ những ổ áp xe đang có và không có khả năng ngăn chặn sự hình thành các ổ áp xe mới. Quá trình hậu phẫu, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh và thuốc giảm đau phù hợp.
5.2. Những lưu ý giúp hạn chế bệnh
Với một số gợi ý sau, chúng tôi tin rằng các chị em hoàn toàn có thể kiểm soát tình trạng bệnh.
– Duy trì lối sống lành mạnh: Bằng chế độ nghỉ ngơi phù hợp, dinh dưỡng cân bằng, uống nhiều nước và ưu tiên bổ sung trái cây, rau xanh vào các bữa ăn.
– Giữ gìn vệ sinh cơ thể: Bằng cách tắm với sữa tắm phù hợp, tránh cọ xát mạnh gây xước da, dùng khăn ấm để lau vùng da nhiễm trùng.
– Vệ sinh vú sạch sẽ, đặc biệt là núm vú trước và sau khi cho con bú.
– Không tự ý sử dụng thuốc hoặc chích, nặn mủ nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.
– Gặp và lắng nghe tư vấn của bác sĩ sớm nhất có thể.
>>>>>Xem thêm: Giải đáp vấn đề miệng hôi ăn gì để hơi thở thơm tho hơn
Gặp và lắng nghe tư vấn của bác sĩ sớm nhất có thể để có được những tư vấn phù hợp
Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh áp xe vú. Hy vọng bài viết này đã giúp các chị em giải đáp được thắc mắc “áp xe vú có nguy hiểm không, có điều trị được không.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.