Axit trào ngược là vấn đề tiêu hóa phổ biến. Rất nhiều người nhầm lẫn axit trào ngược với hiện tượng sinh lý bình thường như ợ hơi, ợ chua, ợ nóng nên thường bỏ qua không điều trị. Thực tế, đây là bệnh lý có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, do đó cần có biện pháp xử lý kịp thời.
Bạn đang đọc: Axit trào ngược: cảnh giác với các biến chứng
1. Bạn biết gì về tình trạng axit trào ngược
Axit trào ngược (tên gọi khác của trào ngược dạ dày thực quản – GERD) là tình trạng bệnh mà ở đó cơ thắt thực quản hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến dịch vị dạ dày, thức ăn trào ngược từ dạ dày lên thực quản.
Cơ chế trào trào ngược axit dạ dày – thực quản
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trào ngược, có thể kể đến như:
– Suy cơ thắt dưới thực quản hay thoát vị hoành.
– Các bệnh lý tại thực quản như tổn thương dây thần kinh phó giao cảm thực quản, nhiễm trùng thực quản…
– Các bệnh lý tại dạ dày như viêm dạ dày, hẹp môn vị, ung thư dạ dày…
– Do chấn thương vùng ngực, thực quản
– Do bệnh lý di truyền
– Người bệnh thừa cân, béo phì
– Thường xuyên rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng, stress
– Ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh
– Do tác dụng phụ của một số loại thuốc giảm đau, chống viêm.
2. Hệ quả của tình trạng trào ngược axit
Nếu hiện tượng trào ngược diễn ra với tần số ít, chủ yếu sau khi bạn ăn các thực phẩm nhiều đạm, chất béo, nước có gas… đó được gọi là trào ngược sinh lý. Tình trạng này thường không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn.
Tuy nhiên nếu axit trào ngược nhiều lần, ở nhiều thời điểm khác nhau, đây là trường hợp bệnh lý, có thể dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khoẻ. Người bệnh có thể gặp phải các biến chứng, bao gồm:
2.1 Biến chứng viêm loét thực quản
Axit từ dạ dày liên tục đi ngược lên thực quản trong thời gian dài có thể hình thành các tổn thương viêm loét tại niêm mạc thực quản. Tình trạng điển hình bởi triệu chứng khó nuốt, đau rát khi nuốt, đau xương ức… ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.
2.2 Chít hẹp thực quản
Là biến chứng thường gặp ở những bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản lâu năm. Chít hẹp khiến việc vận chuyển thức ăn từ miệng đến dạ dày gặp khó khăn. Người bị bệnh cũng vì thế có xu hướng ăn uống kém đi, cơ thể suy kiệt.
Ngoài ra chít hẹp thực quản cũng ảnh hưởng đến đường hô hấp khiến người bệnh cảm thấy thở khó, hụt hơi.
2.3 Barrett thực quản
Là tổn thương tiền ung thư thực quản, thường gặp ở những người mắc trào ngược thực quản trong thời gian dài. Khi thực quản cố gắng tự chữa lành vết thương gây ra bởi axit trào ngược, các tế bào niêm mạc thực quản có thể bị thay đổi tính chất và cấu trúc vốn có dẫn đến hình thành tế bào tương đồng với tế bào ruột. Đây là tình trạng loạn sản thực quản có thể tiến triển thành ung thư.
Người bệnh mắc barrett thực quản thường không biểu hiện triệu chứng. Bệnh chủ yếu chỉ được phát hiện thông qua nội soi. Điều này khiến nhiều trường hợp bệnh nhân bỏ lỡ thời điểm có thể điều trị bệnh dứt điểm.
2.4 Ung thư thực quản – biến chứng nguy hiểm nhất của trào ngược axit
Ung thư thực quản giai đoạn sớm biểu hiện thường triệu chứng nghèo nàn, mơ hồ khiến hầu hết bệnh nhân chỉ được phát hiện khi ung thư đã tiến triển, di căn. Bệnh có thể điều trị nhưng tỷ lệ sống trung bình chỉ từ 5-30%. Ở giai đoạn này, người bệnh có các triệu chứng như: sụt cân rõ rệt, tăng tiết nước bọt, nuốt nghẹn, buồn nôn, nôn mửa…
Bên cạnh những ảnh hưởng tại thực quản, axit trào ngược còn có thể gây ra các bệnh lý ngoài tiêu hóa như viêm họng, viêm xoang, viêm phổi, viêm phế quản, khàn tiếng, mòn răng, viêm tai, viêm tuyến giáp…
3. Chẩn đoán và điều trị
Với những biến chứng nêu trên, tình trạng axit trào ngược dù phổ biến nhưng vẫn là bệnh lý không thể coi thường. Ngay khi nghi ngờ các dấu hiệu dưới đây, bạn cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:
– Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng (diễn ra thường xuyên)
– Thức ăn, axit, dịch mật trào ngược lên vùng hầu họng
– Nuốt nghẹn, nuốt khó
– Đau ngực (cần phân biệt với đau do bệnh lý tim mạch)
– Ho, sặc, khàn tiếng, hen suyễn, viêm phổi…
Tìm hiểu thêm: Ăn không tiêu nên uống thuốc gì?
Trào ngược dạ dày thực quản đặc trưng bởi triệu chứng ợ hơi, ợ chua, ợ nóng.
3.1 Chẩn đoán bệnh
Sau khi thăm khám lâm sàng, dựa trên triệu chứng bệnh, tiền sử bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp xét nghiệm phù hợp với từng người bệnh. Người bệnh được nghi mắc trào ngược dạ dày thực quản có thể cần thực hiện một hoặc một số xét nghiệm như: nội soi đường tiêu hóa trên, đo pH thực quản, co cơ thắt thực quản, nhân trắc học thực quản, chụp x-quang có thuốc cản quang…
Từ kết quả cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận về tình trạng mà người bệnh gặp phải. Người bệnh được xác định mắc trào ngược sẽ được tư vấn về phác đồ điều trị bệnh hiệu quả.
3.2 Phương pháp điều trị axit trào ngược hiệu quả
Điều trị cho bệnh nhân mắc axit trào ngược được thực hiện với mục tiêu làm thuyên giảm triệu chứng, làm lành tổn thương tại thực quản và ngăn bệnh diễn tiến nặng. Từ đó bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng một phương pháp hoặc kết hợp các phương pháp để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Điều trị nội khoa (Dùng thuốc)
Để điều trị triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc bao gồm: thuốc trung hòa axit, thuốc kháng axit, thuốc giảm sản xuất axit, thuốc hỗ trợ kích thích nhu động làm rỗng dạ dày…
>>>>>Xem thêm: [Giải đáp] Siêu âm nội soi (EUS) có tác dụng gì?
Thuốc làm thuyên giảm nhanh chóng các trệu chứng trào ngược.
Phẫu thuật củng cố cơ vòng thực quản dưới
Được chỉ định cho các trường hợp điều trị nội khoa không đem lại hiệu quả hoặc bệnh nhân muốn phẫu thuật để tránh việc phải sử dụng thuốc lâu dài. Tuy nhiên, đây được coi là phương pháp cuối cùng, cần có sự đánh giá kỹ lưỡng.
Phẫu thuật củng cố cơ vòng thực quản dưới (Nissen fundoplication) có thể được thực hiện để tăng áp suất cơ thắt thực quản dưới, ngăn axit dạ dày trào ngược lên thực quản.
Điều chỉnh lối sống
Chế độ ăn uống, sinh hoạt là những yếu tố quyết định triệu chứng bệnh có thể thuyên giảm hoặc có nguy cơ tăng nặng, ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Bên cạnh phác đồ y khoa, để hạn chế những ảnh hưởng từ trào ngược, xây dựng lối sống lành mạnh có vai trò hết sức quan trọng. Dưới đây là một số gợi ý:
– Hạn chế các thực phẩm chứa chất béo bão hòa (thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, kem, sữa, bơ, phô mai…), các thực phẩm nhiều gia vị chua, cay, thức ăn nhiều đường…
– Thêm vào chế độ ăn hàng ngày các loại thực phẩm thân thiện với dạ dày như đạm dễ tiêu có trong thịt nạc, cá nạc, bánh mì, ngũ cốc, chuối…
– Bỏ thuốc lá, hạn chế tối đa các loại đồ uống có tính kích thích như: cafe, rượu, bia…
– Không nên ăn quá no vào 1 bữa, không ăn muộn, tránh nằm ngay sau khi ăn.
– Tăng cường tập thể dục hàng ngày, có kể hoạch kiểm soát cân nặng, tránh béo phì.
Axit trào ngược với các triệu chứng bệnh vẫn hằng ngày gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của nhiều người, thậm chí gây huy hiểm đến tính mạnh nếu không được phát hiện và điều trị. Người bệnh không nên chủ quan với các triệu chứng bệnh mà cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.