Chữa chứng mất ngủ không phải lúc nào cũng dùng thuốc bởi vì thuốc có thể dẫn đến tác dụng phụ. Vì thế cần tìm nguyên nhân để có hướng điều trị phù hợp.
Bạn đang đọc: Bạn nên biết những cách chữa chứng mất ngủ này
1. Chứng mất ngủ là gì?
Chứng mất ngủ còn được gọi là rối loạn giấc ngủ, đây là một dạng bệnh lý. Người mắc chứng mất ngủ thường khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu, chập chờn, thức dậy sớm hoặc hay bị giật mình khi ngủ và khó đi vào giấc ngủ lại.
Chứng mất ngủ được chia làm hai dạng là mất ngủ cấp tính và mất ngủ mãn tính. Tình trạng mất ngủ kéo dài dưới 1 tháng là mất ngủ cấp tính. Mất ngủ cấp tính không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mất ngủ mạn tính (mất ngủ kéo dài hơn 1 tháng).
Chứng mất ngủ nếu xảy ra thường xuyên sẽ được xem là một loại bệnh lý.
2. Nguyên nhân gây mất ngủ
Chứng mất ngủ thường bắt nguồn từ nhiều vấn đề như:
– Áp lực căng thẳng kéo dài: Khi căng thẳng kéo dài, cơ thể trong trạng thái stress quá mức thì bộ não phải hoạt động liên tục, hệ thần kinh phóng ra các nội tiết tố như cortisol, adrenalin,.. trong thời gian dài khiến giấc ngủ trở nên khó khăn, cơ thể rơi vào trạng thái mất ngủ.
– Thay đổi trong thói quen ăn uống, múi giờ, sinh hoạt: ăn nhiều, sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ đều làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Khi thay đổi múi giờ, cơ thể chưa kịp làm quen dẫn đến mất ngủ.
– Thay đổi nội tiết tố: Nguyên nhân này thường dễ bắt gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh hoặc đang mang thai.
– Mắc một số bệnh lý: Những bệnh lý như hen suyễn, trào ngược dạ dày, thực quản, tiểu đường, ung thư,… có thể dẫn đến chứng mất ngủ.
– Sử dụng chất kích thích, thuốc trị bệnh: Caffeine trong bia rượu, trà, cà phê, nicotin trong thuốc lá có thể khiến bạn mất ngủ
– Mắc các rối loạn liên quan đến giấc ngủ: Chứng mất ngủ có thể xuất phát từ các rối loạn liên quan đến giấc ngủ như chứng ngưng thở khi ngủ, chứng chân không yên,…
– Tuổi tác: Người cao tuổi có giấc ngủ ngắn hơn và dễ bị giật mình khi ngủ.
3. Tác hại của chứng mất ngủ
Việc mất ngủ thường xuyên sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh như sức khỏe, công việc và vẻ ngoài.
Chứng mất ngủ làm tăng nguy cơ đột quỵ, nguy cơ mắc bệnh ung thư, những vấn đề về tim mạch, thần kinh vì hệ thần kinh giao cảm hoạt động nhiều, dẫn đến mạch máu co lại, huyết áp tăng, tạo thêm sức ép cho tim.
Đặc biệt, mất ngủ cũng tăng khả năng mắc ung thư vì hormone melatonin được sản xuất ra trong khi ngủ có tác dụng chống lại sự tăng trưởng của các tế bào khối u và khi thiếu ngủ, lượng melatonin cũng thiếu hụt .
Ngoài ra, mất ngủ còn làm tăng cân vì hệ tiêu hóa không thể chuyển hóa tốt thức ăn gây tích trữ mỡ, gia tăng cảm giác thèm ăn. Ngủ không đủ cũng có thể gây lão hóa sớm, da sạm, xuất hiện nếp nhăn, nám, mụn,…
Mất ngủ còn làm suy giảm trí nhớ, khả năng tập trung, cơ thể luôn trong trạng thái uể oải, ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc. Thậm chí, mất ngủ cũng là nguyên nhân gây ra trầm cảm vì làm giảm chất dẫn truyền đóng vai trò cân bằng tâm trạng của con người.
Người bị chứng mất ngủ dễ cáu gắt, bực bội, dễ té ngã do mất thăng bằng.
4. Phương pháp chữa chứng mất ngủ
4.1. Chữa chứng mất ngủ không cần thuốc
Việc chữa chứng mất ngủ không dùng thuốc có thể áp dụng với trường hợp mất ngủ không do nguyên nhân bệnh lý. Các biện pháp chủ yếu là việc thay đổi lối sống, loại bỏ những thói quen độc hại và trạng thái cảm xúc tiêu cực. Cụ thể như sau:
– Cân bằng lại thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi. Hạn chế làm việc quá sức. Tập thói quen ngủ và dậy cùng một giờ hằng ngày.
– Trước khi ngủ nên thư giãn bằng việc đọc sách, nghe nhạc để giải tỏa căng thẳng. Hoặc có thể ngâm chân từ 10 đến 15 để máu lưu thông tốt hơn, giúp giấc ngủ sâu hơn.
– Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, bổ sung vitamin và chất dinh dưỡng đầy đủ bằng các thực phẩm giàu dinh dưỡng. Để chữa chứng mất ngủ, không nên ăn nhiều thực phẩm cay nóng, dầu mỡ, chiên xào, thức ăn nhanh.
– Không nên ăn quá no hoặc sử dụng chất kích thích trước khi đi ngủ, đặc biệt là vào buổi tối.
– Vận động, rèn luyện thể chất để có sức khỏe, tinh thần được thoải mái và máu lưu thông tốt hơn, giúp dễ ngủ, giấc ngủ được sâu hơn.
– Chọn nơi ngủ thoải mái, yên tĩnh. Phòng ngủ không nên có nhiều ánh sáng. Hạn chế để các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại gần khu vực ngủ. Có thể xông tinh dầu hoặc nến thơm khi ngủ để cơ thể được thả lỏng, giấc ngủ sẽ trọn vẹn hơn.
– Thực hiện các liệu pháp tâm lý, nhận tư vấn của các chuyên gia tâm lý, tìm ra nguyên nhân mất ngủ để có cách điều trị phù hợp.
– Ngoài ra, có thể áp dụng một số phương pháp như châm cứu, bấm huyệt hay massage giúp cải thiện đau mỏi cơ thể, đả thông kinh huyệt, tuần hoàn máu tốt hơn.
Vận động, rèn luyện cơ thể là cách chữa chứng mất ngủ hiệu quả.
Tìm hiểu thêm: Phòng ngừa biến chứng do đau thần kinh tọa
4.2. Chữa chứng mất ngủ có dùng thuốc
Nếu đã áp dụng các biện pháp chữa mất ngủ không dùng thuốc mà không có hiệu quả thì người bệnh nên đến thăm khám chuyên khoa Nội thần kinh để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây mất ngủ. Nếu mất ngủ là hệ lụy của các bệnh lý khác như mãn kinh, tiền mãn kinh, tiểu đường, trầm cảm thì cần điều trị các bệnh lý nguyên nhân. Từ đó sẽ giúp cải thiện tình trạng mất ngủ hiệu quả.
Việc sử dụng thuốc để chữa chứng mất ngủ có thể gây nên một số tác dụng phụ không mong muốn, nhất là khi sử dụng sai thuốc, sai cách. Vì thế, chỉ nên uống thuốc được các bác sĩ chuyên khoa kê đơn, không tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
>>>>>Xem thêm: Bệnh parkinson ở người già: từ nguyên nhân đến cách điều trị
5. Biện pháp phòng ngừa chứng mất ngủ hiệu quả
Chứng mất ngủ hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng nhiều phương pháp như:
– Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.
– Không uống cafe, đồ uống có chứa caffein vào cuối ngày.
– Không nên ngủ trưa quá nhiều, chỉ nên ngủ trưa từ 15 đến 30 phút.
– Ngủ và dậy trong thời điểm cố định.
– Không ăn tối quá muộn.
– Tăng cường thể dục, thể thao, thư giãn vào buổi tối.
– Hạn chế sử dụng đồ uống có caffein trước khi đi ngủ
Chứng mất ngủ là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh, người cao tuổi, phụ nữ mang thai,… Căn bệnh này ngày càng trẻ hóa, nhiều người trẻ cũng có thể bị mất ngủ do áp lực công việc, căng thẳng kéo dài. Vì thế khi nhận thấy các triệu chứng thì cần điều chỉnh lại thói quen, lối sống và đi thăm khám tại bệnh viện, phòng kém để chữa chứng mất ngủ kịp thời, để không ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống.