Bao lâu nên tầm soát ung thư cổ tử cung một lần để dự phòng tốt nhất cho sức khỏe là thắc mắc của nhiều chị em. Thực tế điều này còn phụ thuộc vào loại xét nghiệm, độ tuổi và tiền sử bệnh lý của mỗi người. Bài viết này sẽ chỉ rõ từng mốc thời gian sàng lọc ung thư cổ tử cung để đạt hiệu quả tốt nhất.
Bạn đang đọc: Bao lâu nên tầm soát ung thư cổ tử cung một lần?
1. Nữ giới đừng bỏ qua tầm soát ung thư cổ tử cung
Bất kỳ phụ nữ nào cũng có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung khi bắt đầu phát sinh quan hệ tình dục. Thống kê riêng tại Việt Nam, cứ 100.000 phụ nữ thì có tới 20 trường hợp mắc ung thư cổ tử cung và 11 trường hợp tử vong (Theo WHO). Nằm trong nhóm ung thư phụ khoa thường gặp ở nữ giới, tuy nhiên việc chủ động sàng lọc để phòng ngừa bệnh còn chưa phổ biến. Tại Việt Nam, không ít chị em phớt lờ hoạt động này vì rất nhiều lý do khác nhau:
– Chủ quan với triệu chứng bệnh: Ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung xuất hiện các triệu chứng mơ hồ, không rõ ràng và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa thường gặp như viêm nhiễm. Chính vì lý do ấy, nhiều chị em xem nhẹ dấu hiệu bệnh và bỏ qua việc thăm khám, khiến tình trạng bệnh có điều kiện phát triển tới giai đoạn muộn.
– Không sắp xếp được thời gian đi thăm khám khiến bạn có thể bỏ qua “giai đoạn vàng” để điều trị bệnh. Quy trình sàng lọc ung thư sớm cổ tử cung không tốn quá nhiều thời gian. Một số danh mục như khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh sẽ cho kết quả ngay sau quá trình thăm khám, trong khi kết quả xét nghiệm chỉ mất 5 phút để thực hiện và kết quả sẽ có sau 90 phút – 10 ngày (tùy thuộc loại xét nghiệm). Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể hoàn tất quy trình thăm khám trong ngày và nhận kết quả online sau đó (đối với các xét nghiệm cho kết quả >2 ngày).
– Ngại ngùng đối với việc thăm khám vùng kín khiến không ít chị em phớt lờ sức khỏe của bản thân. Tại một số cơ sở y tế dịch vụ, bạn có thể đặt lịch bác sĩ nữ thăm khám để giải tỏa bớt tâm lý căng thẳng, e ngại.
3 – 7 năm là khoảng thời gian để các thay đổi nguy cơ cao ở trong tế bào cổ tử cung biến đổi thành ung thư. Thông qua kết quả sàng lọc, người bệnh có thể phát hiện sớm những thay đổi này và kịp thời ngăn chặn trước khi chúng trở thành ung thư.
Nếu được phát hiện và điều trị từ giai đoạn sớm, bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung có tỷ lệ sống sau 5 năm lên tới 95%. Đồng nghĩa với đó, tỷ lệ này sẽ giảm dần về khoảng 10% nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, đã di căn. Hãy chủ động sàng lọc sớm để tăng hiệu quả điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm thiểu tỷ lệ tử vong.
Tầm soát ung thư cổ tử cung là thiết yếu đối với nữ giới
2. Bao lâu nên tầm soát ung thư cổ tử cung?
2.1. Các mốc sàng lọc ung thư cổ tử cung
Để trả lời cho câu hỏi “Bao lâu nên tầm soát ung thư cổ tử cung?”, các chuyên gia sẽ cân đối dựa vào loại xét nghiệm, tuổi đời và tiền sử bệnh lý của mỗi người. Dưới đây là 2 mốc thời gian phụ nữ nên lưu ý để có kết quả tầm soát ung thư tốt nhất.
– Phụ nữ trong độ tuổi 21 – 24: Nên làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung Pap smear hoặc Thin Prep với tần suất 3 năm/ lần.
– Phụ nữ trong độ tuổi 25 – 65: Nên kết hợp Pap smear và xét nghiệm HPV định kỳ 5 năm/ lần.
2.2. Khi nào có thể ngừng tầm soát ung thư cổ tử cung?
Phụ nữ sau 65 tuổi không có tiền sử tế bào cổ tử cung biến đổi bất thường ở mức độ trung bình/ cao/ ác tính, đồng thời có 3 kết quả thực hiện xét nghiệm Pap/ HPV âm tính liên tiếp trong vòng 10 năm qua thì có thể dừng hoạt động tầm soát ung thư cổ tử cung. Lưu ý, lần sàng lọc gần nhất được thực hiện trong vòng 5 năm để đảm bảo kết quả không bị sai lệch.
Ngoài ra, trường hợp phụ nữ đã cắt toàn bộ tử cung, bao gồm cả cổ tử cung trong quá trình điều trị bệnh u xơ tử cung có thể cân nhắc ngừng sàng lọc dấu ấn ung thư. Với những người phẫu thuật để loại bỏ tế bào tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung thì vẫn nên duy trì việc thực hiện xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung.
Tìm hiểu thêm: Địa chỉ nào tại Hà Nội khám ngoài giờ uy tín?
>>>>>Xem thêm: Trẻ em nên khám tổng quát và lưu ý khi đi khám
Sàng lọc định kỳ giúp phát hiện và điều trị bệnh ở “giai đoạn vàng”
3. Chị em cần lưu ý gì khi tầm soát ung thư cổ tử cung
Kết thúc quá trình thăm khám, chị em có thể thoải mái vận động và ăn uống như bình thường, không cần kiêng khem gì. Một số người gặp trường hợp chảy máu âm đạo cũng không nên quá lo lắng, vì đây chỉ là hiện tượng bình thường, xảy ra khi dụng cụ thăm khám cọ xát với niêm mạc trong quá trình thăm khám. Tuy nhiên, nếu thấy chảy máu kéo dài thì bạn cần thông báo lại với bác sĩ để kiểm tra tình trạng xuất huyết.
Sau khi nhận kết quả thăm khám, nếu không may phát hiện dấu hiệu bất thường thì người bệnh cần giữ bình tĩnh và không nên quá lo lắng. Thực tế có nhiều trường hợp xuất hiện triệu chứng bất thường nhưng không phải là ung thư. Để chắc chắn kết quả thăm khám có nguy cơ phát triển thành ung thư hay không, bạn cần thực hiện thêm một số phương pháp khác như xét nghiệm sinh thiết.
Có thể thấy, tầm soát ung thư cổ tử cung có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe nữ giới. Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, đừng trì hoãn lịch khám phụ khoa định kỳ 1- 2 lần/ năm, đồng thời tầm soát ung thư từ giai đoạn sớm để loại bỏ các dấu ấn tiền ung thư.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.