Bệnh COPD hay có tên gọi khác là bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính. Đây là một trong những căn bệnh phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay. Bệnh liên quan đến hệ hô hấp, gây ra các triệu chứng như khó thở, ho, đau ngực và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Vậy để đảm bảo sức khỏe của những người mắc bệnh lý này, bạn cần lưu ý gì khi sử dụng các loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Bệnh COPD và những loại thực phẩm cần lưu ý
1. Một số thông tin cần biết về bệnh COPD
1.1. Khái niệm về COPD – Bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính là gì?
COPD – Bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính là bệnh lý hô hấp đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không được hồi phục hoàn toàn. Căn bệnh này sẽ phát triển một cách từ từ và liên quan đến các phản ứng bất thường của phổi với các khí độc hại (khói thuốc, chất hóa học, ô nhiễm môi trường…)
Hai bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh COPD đó chính là:
– Khí phế thủng: Dạng phổ biến nhất của bệnh COPD là bệnh của phế nang và tiểu phế quản. Khí phế thủng xảy ra khi những vách ngăn giữa các túi khí ấy suy yếu dần, vỡ và tạo ra khoảng không khí lớn thay vì nhiều khe nhỏ. Vấn đề này làm giảm diện tích bề mặt của phổi và hạn chế lượng oxy từ phổi tới máu.
– Viêm phế quản mãn tính: Đây là dạng COPD phổ biến thứ 2 sau khí phế thủng. Bệnh lý này xuất hiện khi tình trạng viêm phế quản cấp tính không được điều trị dứt điểm mà tái đi tái lại trong nhiều lần và dẫn đến ống phế quản bị tổn thương nghiêm trọng tạo ra nhiều đờm gây ho và khó thở.
Khí phế thủng và viêm phế quản mãn tính là hai bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh COPD
1.2. Các yếu tố dẫn tới tình trạng tắc nghẽn phổi mạn tính
– Hút thuốc lá: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tắc nghẽn phổi mạn tính. Hút thuốc lá gây viêm và tổn thương phổi, hút càng nhiều nguy cơ mắc bệnh càng cao.
– Tiếp xúc với khói bụi và hóa chất: Tiếp xúc với khói bụi và hóa chất trong môi trường làm việc hoặc do ô nhiễm môi trường có thể dẫn đến mắc bệnh lý này.
– Tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: Trong khói thuốc lá có chứa nhiều chất độc nên những người hít phải khói thuốc trong thời gian dài cũng có nguy cơ mắc bệnh.
– Một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như tuổi tác, giới tính, tiền sử gia đình hoặc tiền sử mắc bệnh.
1.3. Triệu chứng của bệnh COPD có thể xảy ra
Các triệu chứng của bệnh COPD thường không xuất hiện ngay nhưng một số triệu chứng phổ biến nhất thường xuất hiện gồm:
– Cảm thấy khó thở đặc biệt là trong những hoạt động thể chất.
– Thở khò khè.
– Tức ngực.
– Ho có đờm kéo dài.
– Tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên xảy ra.
– Cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng.
– Bị sụt cân nhanh chóng (thường rơi vào giai đoạn sau của bệnh).
Tìm hiểu thêm: Khám phụ khoa và những điều liên quan chị em nên biết
Tình trạng ho có đờm kéo dài là triệu chứng phổ biển của tắc nghẽn phổi mãn tính
2. Một số biến chứng của tắc nghẽn phổi mãn tính tới sức khỏe
Bệnh nhân bị tắc nghẽn phổi mãn tính có thể gặp một số biến chứng như:
– Tràn khí màng phổi: Những người bệnh ở giai đoạn nặng sẽ dẫn tới hiện tượng lượng khí hít vào phế nang không được thở ra hết. Nếu tình trạng này kéo dài không được khắc phục kịp thời có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh.
– Bệnh tim mạch: Không khí ra vào phổi bị cản trở, không được trao đổi thường xuyên khiến nồng độ khí oxy trong máu bị giảm và có thể gây ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể, nhất là tim.
3. Chế độ ăn mà người mắc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính cần lưu ý
3.1. Chế độ ăn uống có tác động tích cực tới sức khỏe của người bệnh
Những người mắc bệnh COPD tắc nghẽn phổi mạn tính thường ăn ít, khó khăn và bị suy dinh dưỡng. Vì vậy, họ cần lưu ý về chế độ ăn uống để đảm bảo sức khỏe và kiểm soát bệnh tốt như:
– Ăn đủ chất: Cần đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường thêm chất đạm, chất béo để tăng năng lượng cho hoạt động của hệ hô hấp và sự tiêu hao năng lượng do tình trạng của bệnh.
– Tăng cường rau xanh và trái cây tươi: Các loại rau xanh và trái cây tươi có tác dụng rất tốt với những người mắc bệnh. Loại thực phẩm này giúp bổ sung đầy đủ chất xơ, vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng. Rau xanh và trái cây tươi cũng là một loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa tốt cho chức năng hô hấp của người bệnh.
– Bổ sung thực phẩm giàu Kali: Các ion kali có vai trò rất quan trọng với chức năng của phổi. Thiếu kali có thể gây ra nhiều vấn đề về hô hấp. Do vậy, người mắc bệnh này cần tích cực bổ sung các thực phẩm giàu kali như rau xanh đậm, bơ, măng tây, cà chua, củ cải đường…
– Uống đủ lượng nước: Người bệnh cần uống đủ 2 lít nước/ngày bởi nước có thể giữ cho chất nhầy trong đường thở được loãng và tránh chất nhầy dính làm cản trở đường đi của không khí.
3.2. Thực phẩm có tác động tiêu cực tới sức khỏe người bệnh
– Thức ăn giàu carbonhydrat tinh chế: Cần loại bỏ các loại đồ uống có đường, bánh kẹo ngọt, bánh mì trắng… ra khỏi chế độ ăn của người bệnh.
– Thức ăn chứa nhiều natri: Thức ăn quá mặn, chua sẽ ngấm vào khí quản và sinh ra đờm. Bên cạnh đó, muối sẽ làm tăng phản ứng với khí quản và làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh lý này.
– Thực phẩm gây dị ứng: Tình trạng dị ứng thực phẩm thường đi kèm với các triệu chứng hô hấp như khó thở, thở khò khè, ho, co thắt phế quản làm tình trạng bệnh lý trầm trọng và nguy hiểm hơn.
– Thực phẩm chứa nhiều chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa: Khi mắc bệnh, người bệnh không nên tiêu thụ các loại thức ăn giàu chất béo chuyển hóa và bão hòa như bơ, mỡ lợn, dầu thực vật giữ ẩm, đồ chiên rán… sẽ gây ra tình trạng khó tiêu hóa. Bụng phình to và đầy hơi sẽ đẩy lên cơ hoành và gây áp lực lên phổi.
Bên cạnh đó thói quen uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích như hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh COPD này. Nếu tiếp tục hút thuốc sẽ làm bệnh này trở lên trầm trọng hơn.
>>>>>Xem thêm: Cách dân gian chữa hen phế quản bằng lá tía tô
Thay đổi lối sống và chủ động thăm khám để phòng ngừa bệnh hiệu quả
Để có thể bảo vệ cơ thể của người bệnh và ngăn ngừa sự nguy hiểm của bệnh COPD này, mọi người cần chủ động thăm khám sức khỏe và thay đổi chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh hơn. Nếu còn bất kỳ thắc mắc cần được giải đáp thêm về bệnh COPD, hãy liên hệ ngay tới Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI bạn nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.