Bệnh Crohn là loại bệnh tiêu hóa mãn tính. Bệnh dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Trong bài viết này, hãy cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu về triệu chứng, nguyên nhân của bệnh và trả lời câu hỏi: “Bệnh Crohn điều trị như thế nào để đạt hiệu quả cao”
Bạn đang đọc: Bệnh Crohn điều trị như thế nào để đạt hiệu quả ?
1. Khái niệm và triệu chứng của bệnh Crohn
1.1. Định nghĩa bệnh
Bệnh Crohn là hiện tượng viêm đường ruột từng vùng. Các tổn thương xuất hiện ở bất kỳ đoạn nào ở ống tiêu hóa. Triệu chứng của bệnh khá nặng và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Điều trị bệnh cũng gặp nhiều khó khăn hơn các bệnh tiêu hóa thông thường khác.
Bệnh Crohn gây viêm tại từng vùng của hệ tiêu hóa
Bệnh gây ảnh hưởng tới nhiều thành phần của hệ tiêu hóa. Đặc biệt bệnh gây viêm ở phần cuối của ruột non (hồi tràng) và đầu đại tràng. Các vết viêm có thể ăn sâu vào mô đường ruột gây ra các tổn thương lớn tạo ra các biểu hiện bệnh nghiêm trọng.
1.2. Nguyên nhân hình thành bệnh
Bệnh hình thành từ rất nhiều nguyên nhân mà hiện tại y học vẫn chưa xác định được chính xác. Một vài giả thiết đặt ra rằng chính chế độ ăn kiêng và tâm lý căng thẳng kéo dài là thủ phạm đứng đằng sau bệnh Crohn. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ khẳng định rằng những yếu tố trên chỉ là yếu tố tăng nặng tình trạng bệnh. Bệnh không hình thành từ những nguyên nhân đó.
Ngoài ra, một số yếu tố khác được cho là có liên quan đến sự phát triển của Crohn:
– Yếu tố di truyền: Những gia đình có thành viên từng mắc bệnh Crohn thì thành viên ở gia đình đó có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác. Gen có khả năng là một yếu tố liên quan mật thiết đến bệnh Crohn.
– Hệ thống miễn dịch: Một vài giả thuyết khác đặt ra là bệnh hình thành do một số vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người bệnh. Khi này, hệ thống miễn dịch cố gắng tiêu diệt vi khuẩn lạ đó, gây ra những phản ứng miễn dịch bất thường. Có nhiều khả năng là hệ thống nhầm lẫn và tấn công cả các tế bào lành khác của hệ tiêu hóa, tạo ra các triệu chứng bệnh.
2. Triệu chứng của bệnh
Triệu chứng bệnh có thể chuyển biến từ nhẹ đến nặng hoặc đột nhiên khởi phát mặc dù không có dấu hiệu gì. Điều trị bệnh khó khăn vì thường phát bệnh theo đợt khiến người bệnh ngỡ đã chữa trị thành công. Do đó, người bệnh buông lỏng điều trị dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề.
Những triệu chứng điển hình của bệnh Crohn như sau:
– Hiện tượng tiêu chảy liên tục, sốt cao, mệt mỏi
– Đi đại tiện ra máu lẫn trong phân
– Đau bụng, đôi khi đau bụng dữ dội
– Chuột rút, miệng lở, thèm ăn nhưng cân nặng giảm
– Chảy dịch ở hậu môn
Tìm hiểu thêm: Nội soi dạ dày không đau ở đâu?
Tiêu chảy là triệu chứng phổ biến ở người bệnh Crohn
Một vài người bệnh có các dấu hiệu bệnh nặng hơn như viêm da, viêm khớp, viêm gan, sỏi thận. Nhiều bệnh nhân khác bị thiếu máu. Đối với trẻ em, bệnh Crohn còn có những triệu chứng như chậm tăng trưởng hoặc chậm phát triển giới tính.
Nếu không được điều trị, bệnh Crohn có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng. Người bệnh có thể bị tắc ruột, viêm loét ruột, rò ruột, nứt hậu môn. Thậm chí bệnh còn dẫn đến ung thư ruột kết. Ngoài ra, bệnh kéo dài gây ra hiện tượng suy dinh dưỡng và các ảnh hưởng đến cơ quan khác.
3. Bệnh Crohn điều trị như thế nào để đạt hiệu quả cao?
Hiện tại chưa thật sự có cách nào để chữa trị hoàn toàn bệnh Crohn. Bệnh được điều trị chủ yếu bằng cách làm giảm các triệu chứng cụ thể của bệnh. Tùy vào từng người bệnh với từng triệu chứng riêng sẽ được chỉ định phương pháp riêng. Tuy nhiên tựu trung lại, có thể chia thành ba hướng điều trị dưới đây.
3.1. Bệnh Crohn điều trị bằng phương pháp nội khoa
Sau khi chẩn đoán bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc đặc trị để giảm nhẹ các triệu chứng
– Thuốc chống viêm: Thuốc trị viêm ruột từng vùng hiệu quả nhưng lại nhắm vào hệ miễn dịch của cơ thể nên dễ kích thích các chất gây viêm. Thông thường, người bệnh sẽ được chỉ định kết hợp nhiều loại thuốc thay vì chỉ dùng một loại.
– Thuốc kháng sinh: Thuốc giúp chữa lành các lỗ rò và áp xe, giảm lượng nước thoát ra và hạn chế vi khuẩn có hại xâm nhập làm kích ứng hệ miễn dịch.
– Thuốc giảm đau: Người bệnh có thể sử dụng acetaminophen để giảm đau. Tuy nhiên thuốc giảm đau phải do bác sĩ chỉ định.
– Thuốc ngừng tiêu chảy.
– Bổ sung các vitamin, sắt, canxi, các thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị,
3.2. Bệnh Crohn điều trị bằng phẫu thuật
Trường hợp bệnh được điều trị bằng phẫu thuật là khi thuốc không thể giảm triệu chứng của bệnh. Mặc dù phẫu thuật không thể điều trị bệnh hoàn toàn, chúng cũng vẫn có những tác dụng cố định. Các bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ phần đã hư của đường tiêu hóa và nối những phần lành lặn lại. Một số phẫu thuật khác cũng được thực hiện để đóng lỗ rò lại hay là dẫn lưu áp xe.
Tuy nhiên, biện pháp phẫu thuật cũng chỉ là một cách tạm thời để gián đoạn những triệu chứng, ngăn tình trạng tăng nặng của bệnh. Phẫu thuật sẽ hiệu quả hơn nếu có thể kết hợp cùng thuốc và thường xuyên được tái khám.
3.3. Điều trị bằng việc cân bằng chế độ ăn uống lành mạnh.
Vì Crohn là bệnh về đường tiêu hóa, nên chế độ dinh dưỡng cực kỳ quan trọng trong quá trình chữa bệnh. Ăn uống điều độ sẽ giúp hạn chế rất nhiều triệu chứng của bệnh như tiêu chảy, đau bụng,… Người bệnh nên điều trị bằng phương pháp này xuyên suốt dù có đang áp dụng phương pháp khác hay không.
– Chế độ ăn ít chất béo, hạn chế sữa và các sản phẩm từ sữa.
– Không ăn các thực phẩm cay nóng, không sử dụng rượu bia và các chất kích thích.
– Có thể ăn theo các bữa nhỏ trong ngày.
– Tăng cường các chất lỏng, uống nhiều nước hàng ngày.
– Có thể bổ sung vitamin tổng hợp theo chỉ định của bác sĩ.
– Cẩn trọng với thực phẩm quá nhiều chất xơ để tránh tiêu chảy.
>>>>>Xem thêm: Đầy hơi ở ruột già
Bổ sung vitamin từ rau củ
Ngoài ra, người bệnh cần rèn luyện sức khỏe bằng cách tập thể dục thể thao tăng đề kháng. Giữ tinh thần thoải mái cũng là cách để bạn làm giảm triệu chứng bệnh.
Bệnh Crohn đem lại không ít phiền toái cho người bệnh do đặc tính không thể chữa trị hoàn toàn. Bệnh Crohn có được điều trị hiệu quả hay không một phần do người bệnh có tuân thủ những nguyên tắc và chỉ định bác sĩ đặt ra. Hãy thường xuyên thăm khám bệnh, tuân thủ điều trị và duy trì lối sống lành mạnh để bảo vệ đường tiêu hóa của mình.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.