Có nhiều dạng đau đầu khác nhau, trong đó đau đầu Migraine có khả năng gây thương tật và làm mất sức lao động ở nhóm tuổi 30-45 tuổi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người không biết bệnh đau đầu Migraine là gì và điều trị như nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Bệnh đau đầu Migraine là gì? Cách nhận biết và điều trị
1. Hiểu đúng về bệnh đau đầu Migraine là gì?
1.1 Bệnh đau đầu Migraine là gì, có những loại nào?
Đau đầu Migraine là hiện tượng đau ở một nửa vùng đầu, kiểu mạch đập. Vị trí đau tập trung chủ yếu ở trán và thái dương. Cơn đau thường kéo dài từ 4 đến 72 giờ. Nếu nặng hơn có thể kéo theo triệu chứng buồn nôn, nôn, rối loạn thị giác, nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn. Mức độ đau tăng cao khi gắng sức làm việc nặng mà không nghỉ ngơi, hồi phục.
Có 2 loại đau đầu Migraine:
– Không có triệu chứng báo trước: cơn đau đầu kiểu mạch đập, nặng hơn khi cố làm việc quá sức. Đôi khi có cả cảm giác buồn nôn, hoa mắt và không chịu được ánh sáng chói, tiếng ồn. Khi cơn đau qua đi vẫn còn lại dư âm đau âm ỉ, khó chịu.
– Có triệu chứng báo trước: xuất hiệu một số dấu hiệu ở các bộ phận khác trên cơ thể như: tê bì chân tay, mệt mỏi, nói khó, thị giác suy giảm,… Các dấu hiệu này chỉ diễn ra khoảng 1 giờ rồi biến mất. Sau đó là giống với cơn đau nửa đầu không có triệu chứng báo trước.
1.2 Nguyên nhân gây bệnh đau đầu Migraine là gì?
Tuy chưa biết chính xác nguyên nhân là gì nhưng có một số yếu tố khởi phát bệnh đau nửa đầu đó là:
– Căng thẳng thường xuyên, chịu áp lực công việc/gia đình trong thời gian dài
– Thiếu ngủ
– Thay đổi thời tiết
– Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ: lượng estrogen tăng – giảm đột ngột trước và sau kỳ kinh nguyệt, mang thai và mãn kinh
– Quá trình vận chuyển máu lên não bộ gặp khó khăn, gây thiếu oxy cho não
– Sự kích thích từ những yếu tố bên ngoài như: ánh đèn chói, tiếng ồn to, mùi hương nồng
1.3 Đối tượng nào dễ mắc phải
Nữ giới là đối tượng dễ rơi vào tình trạng đau nửa đầu, đặc biệt ở độ tuổi 30-45. Lí do là bởi liên quan tới estrogen và testosterone trong cơ thể phụ nữ. Khi bắt đầu chu kì kinh nguyệt, lượng estrogen và testosterone thay đổi đột ngột gây ra chứng đau đầu nặng nề. Bên cạnh đó, khi bước qua tuổi 30, phụ nữ gặp nhiều khó khăn về giấc ngủ, ngủ không được sâu và tỉnh giấc giữa chừng.
Phụ nữ trong thời kỳ mang thai có độ nhạy cảm về mặt cảm xúc, khó đối phó được với stress nên cũng gặp tình trạng đau nửa đầu nhiều hơn.
2. Phân biệt giữa đau đầu migraine và đau đầu thông thường
2.1. Giống nhau
Đối với những ai chưa biết bệnh đau đầu Migraine là gì thì rất dễ lầm tưởng đây là bệnh đau đầu thông thường. Tuy nhiên, thực tế hai dạng đau đầu này có những điểm giống và khác nhau cần nắm rõ. Đau đầu Migraine cũng có quy trình diễn tiến bệnh giống với cơn đau đầu thông thường, chuyển biến từ nhẹ sang nặng trong thời gian dài nếu không có sự can thiệp điều trị.
2.2. Khác nhau
Đau nửa đầu và đau đầu có những điểm khác nhau, tiêu biểu như:
Về vị trí:
– Đau nửa đầu: cơn đau xuất hiện một bên đầu (nửa trái-nửa phải, nửa trước-nửa sau)
– Đau đầu: cơn đau xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào
Về triệu chứng:
– Đau nửa đầu: mệt mỏi, rối loạn thị giác, nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn, có cảm giác buồn nôn, nôn
– Đau đầu: chóng mặt, đau nhức các cơ đầu/cổ và vai, cơn đau nặng hơn khi nhìn ánh sáng chói
Về nguyên nhân:
– Đau nửa đầu: do yếu tố thay đổi hormone (chủ yếu ở phụ nữ), do di truyền hoặc tiền sử gia đình, do môi trường xung quanh
– Đau đầu: do căng thẳng, làm việc quá sức,….
3. Cách điều trị bệnh đau nửa đầu migraine
3.1. Thiết lập lối sống khoa học
Một lối sống khoa học, có lợi cho sức khỏe phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thói quen ăn uống hàng ngày, tập thể dục, chế độ sinh hoạt đúng giờ. Điều này giúp hạn chế tiến triển và giảm mức độ đau đầu Migraine hiệu quả ngay từ giai đoạn khởi phát. Nếu bị đau đầu Migraine, bạn nên:
– Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, caffein bởi có thể gây ra chứng mất ngủ, làm tăng cơn đau nửa đầu. Bổ sung những nhóm thực phẩm giàu magie, vitamin B như rau xanh, cá, chuối,… Ngoài ra, chú ý cắt giảm gia vị trong nấu ăn, dùng ít gia vị cay nóng giúp giảm nhẹ cơn đau nửa đầu.
– Tập thói quen sinh hoạt điều độ, đúng giờ bằng cách ngủ sớm, không thức khuya, đảm bảo giấc ngủ đủ 7-8 tiếng/ngày. Đây là khoảng thời gian não bộ được nghỉ ngơi, hồi phục cũng như được thư giãn tốt nhất sau quá trình làm việc vất vả. Đặc biệt, lựa chọn không gian yên tĩnh, ánh sáng it cũng rất quan trọng đối với những người mắc đau nửa đầu.
– Vào buổi sáng và tối, duy trì các bài tập nhẹ nhàng, không quá sức như yoga, thiền,.. cũng là cách chữa đau nửa đầu Migraine hiệu quả. Trong quá trình tập luyện, tâm trí sẽ được giải phóng, bớt suy nghĩ tiêu cực và tinh thần trở nên nhẹ nhàng, thoải mái hơn.
Tìm hiểu thêm: Mách bạn cách trị mất ngủ tại nhà không dùng thuốc
3.2. Điều trị bằng thuốc
Phần lớn bệnh nhân khi được hỏi “cách điều trị bệnh đau đầu migraine là gì?” thì câu trả lời là dùng thuốc.
Đây là cách điều trị cắt cơn đau nhanh chóng, tạm thời. Mục đích chính là giảm cường độ, tần suất, thời gian và các triệu chứng kèm theo cơn đau. Thông thường với cơn đau nhẹ, vừa phải thì có thể sử dụng thuốc giảm đau thông thường như: aspirin, indometacin, diclofenac …
Tuy nhiên không phải trường hợp đau đầu nào cũng cần dùng thuốc. Việc sử dụng sai cách hoặc lạm dụng thuốc không những không giúp cải thiện bệnh mà còn khiến tình trạng đau đầu thêm trầm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể. Bởi vậy, người bệnh cần đi khám và chỉ uống thuốc khi có đơn của bác sĩ. Không tự ý mua và uống một cách tùy tiện.
3.3. Thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên ngành
Đau đầu Migraine cần được lưu tâm ngay từ sớm bởi khi diễn tiến nặng hơn bệnh có thể gây ra hệ lụy khôn lường. Điển hình như: thị giác suy giảm, trầm cảm và có nguy cơ cao đột quỵ. Do đó, cần đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám trực tiếp với các bác sĩ có chuyên môn cao để nắm bắt tình trạng sức khỏe cũng như nguyên nhân gây ra bệnh lý.
Các phương pháp hỗ trợ chẩn đoán đau nửa đầu bao gồm:
– Chụp cắt lớp vi tính (CT- scaner)
Đây là kĩ thuật sử dụng tia X để cho ra hình ảnh cắt ngang của não bộ. Dựa vào đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán vị trí tổn thương và có phương hướng can thiệp phù hợp
– Chụp cộng hưởng từ MRI
Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh công nghệ cao, giúp cho hình ảnh chi tiết hơn của não và các mạch máu. Cách này giúp hỗ trợ trong việc kiểm tra tối ưu hơn, bác sĩ phán đoán được nguyên nhân nào gây nên đau đầu như: nhiễm trùng, khối u, xuất huyết trong não. Hơn nữa phát hiện các vấn đề liên quan khác của hệ thần kinh.
>>>>>Xem thêm: Đau đầu thái dương: nguyên nhân và cách điều trị
Hy vọng với thông tin hữu ích trên, bạn đã có cái nhìn rõ nét hơn và hiểu đúng về bệnh đau đầu Migraine là gì. Không nên chủ quan bởi bệnh diễn tiến âm thầm trong thời gian dài và liên tục nếu không được can thiệp sớm. Bệnh không chỉ gây ra khó chịu, mệt mỏi mà còn gây nên các biến chứng khôn lường tới sức khỏe bản thân và chất lượng cuộc sống. Khi thấy các dấu hiệu của bệnh, hãy đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị đúng.