Bệnh hen ở trẻ nhỏ và những điều cần biết

Bệnh hen ở trẻ nhỏ có tỷ lệ cao gấp đôi so với người lớn. Tuy nhiên thực tế ở nước ta, bệnh hen lại bị chẩn đoán rất chậm trễ, nhất là đối với lứa tuổi dưới 2 tuổi. Việc chẩn đoán muộn sẽ tất yếu ảnh hưởng đến hiệu quả của việc điều trị bệnh, khiến trẻ thường xuyên bị lên cơn hen, không thể vui chơi hay tham gia các hoạt động gắng sức như bạn bè, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của trẻ khi trưởng thành.

1. Những điều cơ bản cần biết về bệnh hen

1.1. Bệnh hen ở trẻ nhỏ là gì?

Đây là một dạng bệnh lý mạn tính liên quan đến viêm đường hô hấp. Tình trạng này sẽ làm cho đường hô hấp bị nhạy cảm với những kích thích khác nhau. Khi trẻ bị các kích thích này thì đường thở (chủ yếu là phế quản- cuống phổi) sẽ xuất hiện phù nề, co thắt và tăng tiết chất dịch nhầy trong đường thở khiến cho không khí không thể lưu thông đến phổi được. Khi trẻ lên cơn hen sẽ thấy những biểu hiện như ho, khó thở, tức ngực, thở khò khè.

Bệnh hen ở trẻ nhỏ và những điều cần biết

Bệnh hen ở trẻ nhỏ là bệnh rất nguy hiểm

Những yếu tố kích thích có thể khiến cho trẻ bị lên cơn hen đó là: đường hô hấp bị nhiễm trùng (đây là tình trạng hay gặp nhất), thời tiết thay đổi, hít phải khói bụi thuốc lá, chất độc hại, lông chó mèo, nấm, phấn hoa, bụi quần áo…, khi trẻ hoạt động gắng sức hoặc khi trẻ có cảm xúc mãnh liệt.

1.2. Làm sao để phát hiện bệnh hen ở trẻ nhỏ

Ở những trẻ lớn việc chẩn đoán bệnh hen thường dễ dàng hơn, nhất là đối với những trẻ đang lên cơn thì việc nhận ra những triệu chứng hen là khá dễ đối với bác sĩ: ho nhiều, ho về đêm, thở khó, tức ngực, thở rít khò khè, thở nhanh, kéo lồng ngực, phập phồng cánh mũi. Tuy nhiên, kể cả đối với trẻ lớn thì việc chẩn đoán khi trẻ đang không lên cơn hen cũng khá khó khăn.

Có thể nghi ngờ trẻ đang mắc bệnh hen khi có những dấu hiệu sau:

– Trẻ bị ho dai dẳng thời gian dài không hết, đặc biệt ho nhiều về đêm.

– Nếu trẻ không bị nhiễm trùng đường hô hấp hoặc không có triệu chứng nhiễm khuẩn rõ ràng mà trẻ vẫn ho hoặc khò khè mỗi khi vận động, khóc hoặc cười.

Đối với những trẻ mắc bệnh dị ứng (viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng…) hoặc trong gia đình có những người thân bị bệnh hen thì cũng sẽ được xếp vào dạng nguy cơ cao mắc bệnh.

Vậy làm sao để chẩn đoán được khi trẻ không lên cơn hen hay không có những dấu hiệu điển hình nào khác?

Bệnh hen ở trẻ nhỏ và những điều cần biết

Chẩn đoán hen cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi thường gặp nhiều khó khăn

Khi đó sẽ sử dụng phương pháp thăm dò chức năng hô hấp của trẻ. Đo hô hấp ký là biện pháp rất ưu việt giúp không chỉ chẩn đoán hen mà còn đánh giá được mức độ nặng nhẹ của hen.

Phương pháp hô hấp ký rất hữu ích trong trường hợp nghi ngờ bệnh hen và không có những biểu hiện rõ ràng về bệnh. Hô hấp ký giúp xác định mức độ tắc nghẽn của đường thở cũng như kiểm tra được mức độ giãn phế nhằm xác định bệnh hen. Tuy nhiên phương án chẩn đoán bệnh này đòi hỏi trẻ phải từ 5 tuổi trở lên vì trẻ sẽ phải hiểu được hiệu lệnh của y bác sĩ khi tiến hành kiểm tra chức năng phổi.

Hiện nay đã có máy đo dao động xung ký IOS là một loại máy móc hiện đại có thể thăm dò được chức năng hô hấp cho trẻ từ 3 tuổi trở lên.

2. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ lên cơn hen bất ngờ?

Những cơn hen cấp tính của trẻ không phải lúc nào cũng như nhau. Có 3 cấp độ là: Nhẹ, trung bình, nặng và nguy kịch. Mỗi khi trẻ bị lên cơn hen là mỗi lần trẻ rơi vào nguy hiểm. Vì vậy, việc cha mẹ cần phải biết khi có con mắc bệnh hen đó là cách cắt cơn hen khẩn cấp tại chỗ và cách để nhận biết trẻ lên cơn, đặc biệt là những dấu hiệu cần phải nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu.

Những dấu hiệu của một cơn hen chuẩn bị đến đó là: ho nhiều không dứt được, thở khò khè, nặng ngực, khó thở.

Khi trẻ đã bắt đầu chớm lên cơn hen, nếu đã được bác sĩ chỉ dẫn trước đó thì cha mẹ cần cắt cơn hen cho trẻ bằng cách dùng thuốc xịt dạng hít hoặc thuốc khí dung. Không nên dùng loại thuốc uống khi cần cắt cơn nhanh vì thuốc uống có tác dụng khá chậm và có nhiều tác dụng phụ như run chân tay.

Khi cơn hen bắt đầu thuyên giảm, vẫn cần phải cho trẻ nghỉ ngơi thêm trong vòng 1 tiếng đồng hồ.

Những trường hợp này cha mẹ nên được bác sĩ tư vấn từ trước và cung cấp cho những thông tin để xử trí cơn hen chuẩn.

3. Những điều cần biết để chăm sóc trẻ bị bệnh hen

Khi trẻ bị bệnh hen, cha mẹ cần biết rõ hai việc chính đó là: Biết dấu hiệu trẻ lên cơn hen và cách cắt cơn hen ngay tại chỗ. Đây được coi như một kế hoạch hành động sơ cấp cứu dành cho trẻ bị hen. Kế hoạch này cũng cần được phổ biến cho những người chăm sóc trẻ khác ngoài cha mẹ và cả với thầy cô giáo ở trường học của trẻ.

– Phải làm gì nếu trẻ lên cơn hen tại nhà?

Khi trẻ có dấu hiệu lên cơn hen cấp tính thì cần đưa trẻ ra ngoài không gian rộng, thoáng có nhiều oxy cho trẻ hít thở.

Bệnh hen ở trẻ nhỏ và những điều cần biết

Cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để được tư vấn về kế hoạch hành động khi trẻ lên cơn hen

Đối với trẻ lên cơn hen dạng nhẹ, cha mẹ cần sử dụng thuốc giãn phế có tác dụng nhanh như ventolin atrovent, bricanyl…những dạng thuốc này có thể dùng cho trẻ bằng thuốc viên, siro, dạng khí dung hoặc dạng bình xịt hít. Dù là dùng loại nào thì cần có chỉ định về liều lượng của bác sĩ vì mỗi lứa tuổi và cân nặng khác nhau sẽ có định lượng thuốc khác nhau.

Đối với trẻ bị lên cơn hen nặng: Dùng thuốc giãn phế có tác dụng nhanh khí dung hoặc xịt tới 3 lần, cách nhau 30 phút. Ngoài ra, cần dùng thêm thuốc có corticosteroid với liều lượng được bác sĩ chỉ định để làm giảm các cơn kích ứng của trẻ, thuốc phải uống sau khi ăn no.

Nếu trẻ bị lên cơn hen sau khi bị sốt trên 3 ngày thì có thể trẻ đã bị bội nhiễm và cần điều trị bằng kháng sinh. Trường hợp này cần đưa đến khám để được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị nội khoa.

– Làm cách nào để giúp trẻ phòng ngừa bệnh hen?

Cha mẹ cần xác định những yếu tố làm cho cơn hen bị khởi phát và loại bỏ chúng là nguyên tắc đầu tiên trong phòng ngừa bệnh hen cho trẻ. Những tác nhân khởi phát có thể là bất kỳ vật gì như phấn hoa, lông chó mèo, khói bụi, đồ ăn thức uống khiến cho trẻ bị dị ứng và khởi phát cơn hen.

Khi trẻ đi học, cha mẹ cũng cần nhờ thầy cô giáo kiểm soát các tác nhân có thể khiến trẻ lên cơn hen và kế hoạch hành động dành riêng cho trẻ bị bệnh hen.

Cố gắng cho con một bầu không khí trong lành, lành mạnh, giúp trẻ có một đường thở khỏe mạnh, hạn chế việc co thắt.

Trên đây là những thông tin về căn bệnh hen ở trẻ nhỏ, mong rằng các vị phụ huynh có thể đọc và rút ra những kiến thức bổ ích cho mình để chăm sóc trẻ bị hen.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *