Hẹp van tim là một trong những bệnh lý tim mạch do nhiều nguyên nhân gây ra. Mức độ nguy hiểm của bệnh tùy thuộc vào dạng bệnh và mức độ hẹp của van tim. Bệnh hẹp van tim là gì, có điều trị được không là thắc mắc của rất nhiều người bệnh. Cùng theo dõi bài viết sau đây để giải đáp thắc mắc này.
Bạn đang đọc: Bệnh hẹp van tim là gì, có điều trị được không?
1. Hẹp van tim là bệnh gì?
Hẹp van tim là tình trạng các van tim trở nên dày, cứng hoặc dính các mép van. Điều này làm cho khả năng mở của van tim trở nên hạn chế, gây cản trở sự lưu thông của máu qua đó.
Tim của chúng ra được phân chia thành các buồng tim. Sự co bóp nhịp nhàng của các buồng tim tạo ra một chu trình khép kín để đưa máu đi nuôi toàn cơ thể. Trong chu trình này, hệ thống van tim – những lá mỏng, mềm dẻo, được cấu tạo bởi tổ chức liên kết bao quanh bởi nội tâm mạc – đóng vai trò quan trọng đảm bảo cho máu được vận chuyển giữa các buồng tim, điều hướng máu ra vào, tim theo một chiều.
Hệ thống van tim bao gồm: van 2 lá, 3 lá, van động mạch phổi và van động mạch chủ với các chức năng:
– Van 2 lá: Kiểm soát việc đưa máu từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái
– Van 3 lá: Kiểm soát việc đưa máu từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải
– Van động mạch chủ: nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ, kiểm soát việc đưa máu từ tâm thất đến động mạch chủ để đi nuôi toàn cơ thể.
– Van động mạch phổi: nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi, cho phép máu đi từ tâm thất phải lên động mạch phổi để trao đổi oxy.
Bệnh hẹp van tim xảy ra khi van tim có những cấu trúc bất thường, ảnh hưởng đến chức năng bơm máu của tim
Cơ chế hoạt động của van tim như sau:
– Khi máu từ buồng tim trên xuống buồng tim dưới: van 2 lá và van 3 lá mở, van động mạch phổi và van động mạch chủ đóng.
– Khi máu đi từ buồng tim phía dưới lên phổi hoặc ra hệ thống tuần hoàn: van 2 lá và van 3 lá đóng, van động mạch phổi, van động mạch chủ mở.
Khi van tim không mở được hoàn toàn để máu đi từ buồng tim phía dưới lên phổi hoặc ra hệ thống tuần hoàn thì nghĩa là van tim đã bị hẹp.
2. Các dạng hẹp van tim thường gặp
Hẹp van 2 lá và hẹp van động mạch chủ là những dạng hẹp van tim thường gặp. Hẹp van 3 lá và hẹp van động mạch phổi ít gặp hơn.
Hẹp van 2 lá: Sự đóng – mở của van 2 lá giúp kiểm soát lượng máu và oxy đi theo một chiều từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái. Nếu van này bị hẹp sẽ làm giảm lượng máu từ tâm nhĩ trái chảy xuống tâm thất trái.
Hẹp van động mạch chủ: Van động mạch chủ là van điều chỉnh việc đưa oxy từ tâm thất trái đi vào động mạch chủ để đi nuôi toàn cơ thể. Khi van động mạch chủ bị hẹp, máu lưu thông qua van động mạch chủ khó khăn hơn. Do đó, tim phải làm việc cật lực để đảm bảo đủ lượng máu đi nuôi cơ thể.
3. Các triệu chứng của bệnh hẹp van tim
Tùy vào dạng hẹp van tim và mức độ hẹp, mà người bệnh có thể xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng sau:
– Đau, tức ngực, cảm giác đè nặng, đánh trống ngực thường xuyên
– Khó thở, đặc biệt là khi gắng sức
– Hoa mắt chóng mặt, ngất xỉu
– Ho khan, đặc biệt khi nằm
– Mệt mỏi, lạnh chân tay
– Phù, sưng mắt cá chân
– Giảm khả năng hoạt động thể lực
4. Nguyên nhân gây hẹp van tim
Hẹp van tim có thể do nhiều nguyên nhân:
– Do bẩm sinh: Những khuyết tật về cấu trúc ở van tim có thể xuất hiện từ khi mới sinh ra.
– Do sốt thấp khớp: Sốt do liên cầu khuẩn Streptococcus là nguyên nhân phổ biến nhất gây hẹp van tim.
– Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn: Tình trạng viêm khiến van tim dày, dính mép van.
– Vôi hóa van tim: Thường xảy ra ở người cao tuổi, do quá trình lão hóa kết hợp với rối loạn lipid máu làm lắng đọng canxi ở quanh van tim gây ra hẹp van tim.
Ngoài ra, các bệnh nhân đã xạ trị lồng ngực, mắc một số bệnh tự miễn như lupus ban đỏ cũng dễ bị hẹp van tim.
5. Sự nguy hiểm của hẹp van tim
Hẹp van tim mức độ nhẹ có thể không gây ảnh hưởng nhiều đến người bệnh. Nhưng nếu van hẹp nhiều, lượng máu bị ứ đọng ở tim và các động mạch lớn có thể dẫn tới các biến chứng sau nguy hiểm:
5.1. Rung tâm nhĩ do bệnh hẹp van tim
Rung nhĩ là một trong các dạng của rối loạn nhịp tim. Tim đập nhanh bất thường gây cảm giác đánh trống ngực, khó thở. Theo thống kê 4/10 trường hợp bệnh nhân hẹp van tim có hiện tượng rung tâm nhĩ.
5.2. Đột quỵ
Trường hợp nặng có thể gây ngừng tim hoặc làm xuất hiện cục máu đông. Cục máu đông theo máu đi lên não hoặc vào phổi có thể dẫn đến đột quỵ, tắc phổi,…
5.3. Tăng áp động mạch phổi
Máu không được lưu thông có thể ứ tại phổi, làm tăng áp lực lên thành động mạch phổi.
Tìm hiểu thêm: Bệnh tim mạch: Đe dọa sức khỏe dân văn phòng
Đột quỵ là một trong những biến chứng của hẹp van tim
5.3. Suy tim
Khi van tim bị hẹp, khả năng lưu thông của máu bị giảm đi. Do đó, tim phải bơm máu chăm chỉ hơn để đảm bảo đủ lượng máu nuôi cơ thể. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ khiến tim trở nên suy yếu.
5.4. Giãn tim
Khi máu ứ lại quá nhiều tại các buồng tim làm tim giãn rộng. Điều này dẫn tới khả năng bơm máu của tim, gây nguy cơ rối loạn nhịp.
5.5. Bệnh hẹp van tim gây viêm nội tâm mạc
Thường xảy ra ở những trường hợp hẹp van tim do nhiễm khuẩn.
Bệnh hẹp van tim vẫn rất khó để chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên nếu được chẩn đoán và phát hiện sớm, người bệnh có thể điều trị cải thiện để giảm nhẹ các triệu chứng, đưa các chỉ số về mức ổn và ngăn ngừa biến chứng.
6. Chẩn đoán hẹp van tim
Bệnh được chẩn đoán dựa trên quá trình thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng:
– Chụp X-quang lồng ngực
– Điện tâm đồ
– Siêu âm tim
– Chụp cắt lớp vi tính
– Chụp cộng hưởng từ
Từ đó, các bác sĩ có thể xác định đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp.
7. Các phương pháp điều trị hẹp van tim hiện nay
7.1. Hẹp van tim mức độ nhẹ có cần điều trị không?
Đối với các trường hợp hẹp van nhẹ, bệnh nhân thường không cần điều trị mà chỉ cần thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống, duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện lành mạnh để bệnh không tiến triển nặng hơn.
7.2 Phương pháp điều trị hẹp van tim mức vừa và nặng
Bệnh van tim ở mức độ nặng hơn, các bác sĩ thường áp dụng phương pháp điều trị nội khoa. Các loại thuốc được sử dụng tuy không thể thay đổi cấu trúc của van tim nhưng có thể hỗ trợ kiểm soát hoạt động của tim. Từ đó, ngăn chặn được các biến chứng dẫn đến phải sử dụng các biện pháp mạnh hơn.
Các loại thuốc thường được các bác sĩ chỉ định:
– Thuốc lợi tiểu
– Thuốc chống đông
– Thuốc chẹn kênh canxi
– Thuốc chống loạn nhịp tim và kháng sinh
Các loại thuốc này được sử dụng trên mỗi bệnh nhân khác nhau sẽ không giống nhau. Tùy tình trạng của từng bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ quyết định có sử dụng các loại thuốc này hay không, dùng đơn độc hay kết hợp với liều lượng phù hợp nhất. Bạn không nên tự ý sử dụng các loại thuốc này khi chưa đi khám hoặc không có đơn của bác sĩ.
>>>>>Xem thêm: Dấu hiệu suy tim sớm được nhận diện như thế nào?
Hẹp van tim có thể được điều trị hiệu quả tìm gặp chuyên gia tim mạch sớm
Nếu đã dùng thuốc mà bệnh vẫn không cải thiện hoặc bệnh đã quá nặng, khả năng hoạt động của van tim không còn hoặc rất kém thì một số biện pháp khác có thể được áp dụng để phục hồi cấu trúc van tim.
Hi vọng qua bài viết trên đây, bạn đã có được những kiến thức cơ bản về bệnh hẹp van tim và những lưu ý trong việc điều trị căn bệnh này. Nên nhớ rằng, bệnh càng được phát hiện sớm thì càng dễ điều trị. Và quá trình điều trị phải luôn có sự đồng hành của các chuyên gia tim mạch giỏi để đạt hiệu quả cao nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.