Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh HP dạ dày chiếm tới 80% và con số này chưa có dấu hiệu giảm. Sự lây lan của vi khuẩn HP trong cộng đồng cũng là một bài toán khó. Vậy những đối tượng nào sẽ có nguy cơ cao nhiễm khuẩn HP? Hãy cùng tìm hiểu ngay.
Bạn đang đọc: Bệnh HP dạ dày có thể gặp phải ở những đối tượng nào?
1. Vi khuẩn HP và các con đường lây nhiễm bệnh
1.1. Nhiễm khuẩn HP có nguy hiểm không?
Hoạt động của vi khuẩn H.pylori gây ra nhiều những thay đổi ở dạ dày và tá tràng. Vi khuẩn khu trú và phát triển tại các mô bảo vệ lót dạ dày dẫn đến việc giải phóng ra các enzym, độc tố làm bào mòn lớp lót bảo vệ này hoặc trực tiếp gây ra các tổn thương ở thành dạ dày.
Theo thời gian sẽ gây ra các bệnh lý đường tiêu hóa như viêm dạ dày, viêm hang vị, viêm loét dạ dày – tá tràng. Điều đáng nói là, các bệnh tiêu hóa từ nguyên nhân nhiễm khuẩn HP thường sẽ nặng hơn, điều trị khó khăn và kéo dài hơn. Đặc biệt, 90% các ca ung thư dạ dày đều có liên quan đến việc nhiễm khuẩn HP.
Vi khuẩn HP hoạt động là nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý thường gặp ở dạ dày.
1.2. Con đường lây nhiễm HP
Vi khuẩn HP có tốc độ lây lan nhanh trong cộng đồng theo 3 đường lây phổ biến như sau:
– Lây qua đường từ miệng đến miệng: Đường lây truyền vi khuẩn này thông qua việc ăn uống là chủ yếu như các hoạt động ăn chung, uống chung, gắp thức ăn cho nhau,… Đây là đường lây truyền vi khuẩn trực tiếp và cũng phổ biến nhất.
– Lây qua đường từ phân đến miệng: Vi khuẩn HP có thể theo phân ở người mắc bệnh ra ngoài môi trường thông qua hoạt động tiêu hóa. Nhiễm khuẩn HP xảy ra khi việc ăn uống và sinh hoạt không đảm bảo yêu cầu vệ sinh như ăn sống, thực phẩm không sạch, môi trường sống ô nhiễm,…
– Lây qua đường dạ dày tới dạ dày: Việc lây nhiễm chéo này xảy ra khi thực hiện thăm khám y tế không đạt tiêu chuẩn từ việc dùng chung các dụng cụ như dây nội soi dạ dày, nội soi tai mũi họng, dụng cụ răng hàm mặt,…
2. Những đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh HP dạ dày
Nhiễm khuẩn HP dạ dày có thể gặp phải ở mọi người, mọi lứa tuổi, mọi đối tượng trên khắp thế giới. Tốc độ lây nhiễm HP sẽ cao hơn ở những điều kiện số nguy cơ cao sau đây.
2.1. Sinh sống cùng với người mắc bệnh HP dạ dày
Đây sẽ là đối tượng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao nhất. Việc sinh hoạt hằng ngày cùng người nhiễm khuẩn HP cho tỷ lệ lây nhiễm lên tới 80-90%. Vì vậy, khi phát hiện người thân trong gia đình dương tính với vi khuẩn HP thì bạn cũng cần chủ động xét nghiệm sớm và thực hiện các biện pháp phòng bệnh ngay.
Tìm hiểu thêm: Trào ngược chữa mãi không khỏi: Đã chữa đúng nguyên nhân?
Vi khuẩn HP có thể lây nhiễm qua các thành viên trong gia đình.
2.2. Người sinh sống ở nơi bị ô nhiễm, ở những khu vực kém phát triển
Môi trường sống ô nhiễm, nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo là điều kiện lý tưởng cho các loại vi sinh vật gây hại tới sức khỏe “lộng hành” và trong đó bao gồm cả vi khuẩn HP.
Bên cạnh đó, những khu vực kém phát triển, trình độ dân trí còn thấp thì ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như của cộng đồng còn chưa cao. Nguy cơ phát triển các bệnh lây nhiễm cũng cao hơn, người dân sẽ dễ là đối tượng bị nhiễm vi khuẩn HP.
2.3. Sinh hoạt chung nơi đông người sẽ dễ mắc bệnh HP dạ dày
Những nơi đông người tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh rộng hơn vì không phải ai cũng có kiến thức và trách nhiệm chung trong việc phòng tránh lây nhiễm chéo an toàn cho tập thể. Theo đó, những người sống trong ký túc xá, khu tập thể, nhà cộng đồng,.. là những đối tượng có nguy cơ nhiễm khuẩn HP cao hơn.
Do vậy, mỗi người cần nâng cao về ý thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân trước tiên và cho tập thể nói chung bằng những việc đơn giản như dùng riêng biệt các dụng cụ sinh hoạt như bát đũa, thìa, cốc,..; giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường sống thường xuyên; ăn uống và sinh hoạt lành mạnh,…
3. Khi nào cần chủ động thăm khám
Người nhiễm khuẩn HP thường không thể hiện các triệu chứng rõ ràng trong thời gian đầu nhiễm khuẩn. Vì vậy, ngay cả khi không có các dấu hiệu tiêu hóa cụ thể, bạn cũng nên thực hiện xét nghiệm HP định kỳ để tầm soát bệnh, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao như:
– Người có tiền sử mắc các bệnh lý dạ dày.
– Gia đình có người từng nhiễm HP hoặc thành viên mắc ung thư dạ dày.
– Người thường xuyên phải sử dụng các nhóm thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm,…trong điều trị bệnh mạn tính.
Bên cạnh đó, đối với các trường hợp gặp phải các triệu chứng cụ thể như sau hãy chủ động thăm khám và xét nghiệm HP càng sớm càng tốt:
– Đau bụng.
– Đau thượng vị.
– Ợ hơi, ợ chua.
– Đầy hơi, chướng bụng.
– Buồn nôn và nôn.
– Sốt.
– Chán ăn, ăn không ngon.
– Giảm cân bất thường.
– Cảm giác khó nuốt khi ăn.
– Nôn ra máu.
– Đi đại tiện có lẫn máu.
– Chóng mặt, ngất xỉu.
– Mặt tái nhợt.
>>>>>Xem thêm: Viêm tá tràng nên ăn gì?
Hãy chủ động thăm khám khi gặp các triệu chứng nghi ngờ nhiễm khuẩn HP dạ dày.
4. Chẩn đoán bệnh HP dạ dày
Chẩn đoán HP dạ dày có thể được thực hiện theo nhiều phương pháp với những ưu điểm riêng và phù hợp với từng mục đích của từng ca bệnh cụ thể. Bạn thực hiện thăm khám lâm sàng cùng bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ sẽ chỉ định 1 trong 4 phương pháp xét nghiệm chẩn đoán HP sau đây:
– Xét nghiệm máu
– Test hơi thở
– Phân tích mẫu phân
– Sinh thiết xét nghiệm HP qua nội soi dạ dày.
Trong đó, sinh thiết HP qua nội soi dạ dày là phương pháp xét nghiệm có xâm lấn nhưng mang lại kết quả chẩn đoán có độ chính xác cao đồng thời kiểm tra, phát hiện mọi tổn thương hay bệnh lý gây ra bởi nguyên nhân nhiễm khuẩn HP. Từ đó, hỗ trợ tốt nhất việc lên phác đồ điều trị bệnh.
Nếu bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh HP dạ dày hoặc có mong muốn kiểm tra xét nghiệm HP, hãy lựa chọn những cơ sở y tế uy tín chất lượng với đầy đủ các phương pháp được thực hiện để nhận chỉ định xét nghiệm tối ưu nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.