Mất ngủ là tình trạng mà đa phần người lớn tuổi gặp phải. Tình trạng mất ngủ, ít ngủ, khó ngủ vào ban đêm thường gây ảnh hưởng không tốt tới cả sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh. Cùng tìm hiểu nguyên nân gây mất ngủ ở người già và cách khắc phục trong bài viết sau đây.
Bạn đang đọc: Bệnh mất ngủ ở người già: Nguyên nhân và cách khắc phục
1. Mất ngủ ở người cao tuổi thường biểu hiện như thế nào?
Mất ngủ là tình trạng thường xảy ra ở người cao tuổi với các biểu hiện:
– Khó ngủ: Ban đêm người bệnh thường mất 30 – 45 phút để đi vào giấc ngủ, có người thức trắng đêm
– Gặp khó khăn khi duy trì giấc ngủ, thường tỉnh giấc nhiều lần trong đêm
– Thường thức dậy sớm và không thể quay ngủ lại
Việc mất ngủ về đêm có thể khiến người bệnh cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi hay kiệt sức, khó tập trung vào ban ngày. Họ thường xuyên cáu gắt, hay quên. Thậm chí họ dễ bị tai nạn do thiếu ngủ.
2. Nhưng nguyên nhân nào gây mất ngủ ở người cao tuổi?
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ ở người cao tuổi, bao gồm cả nguyên nhân nguyên phát và thứ phát.
2.1 Mất ngủ nguyên phát
Mất ngủ nguyên phát thường xảy ra do sự suy giảm chức năng cùng với yếu tố tuổi tác, không liên quan đến bệnh lý tâm thần hoặc thực thể.
Càng lớn tuổi, các cơ quan trong cơ thể càng lão hóa và giảm khả năng thực hiện chức năng so với khi còn trẻ. Sự suy giảm này có thể thấy rõ ở các tế bào thần kinh. Hậu quả là gây ra tình trạng mất ngủ, khó ngủ.
2.2 Mất ngủ ở người già do các bệnh lý
Cùng với sự lão hóa của cơ thể, người cao tuổi thường dễ mắc phải các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, viêm khớp, tiểu đường, tim mạch,… Các bệnh này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ làm khởi phát hoặc gia tăng tình trạng rối loạn giấc ngủ. Trong đó, các cơn đau nhức, khó chịu do bệnh xương khớp là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khó ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc… ở người cao tuổi.
Ngoài ra các bệnh lý khác cũng dẫn đến mất ngủ, khó ngủ làm ảnh hưởng tới sức khỏe người cao tuổi như:
– Viêm phế quản mạn tính gây ho kéo dài, hen suyễn
– Các bệnh về đường tiêu hóa, điển hình là đau dạ dày, viêm đại tràng, đầy bụng khó tiêu…
– Bệnh thận
– Bệnh tiểu đường
Một nghiên cứu ở Singapore đã chứng minh rằng những người có vấn đề giấc ngủ thường có bệnh lý đi kèm như Parkinson, Alzheimer, đau mạn tính, bệnh về tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, hô hấp, rối loạn đi tiểu…
Bên cạnh đó, trầm cảm, lo lắng hay sa sút trí tuệ cũng là những yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là chứng mất ngủ.
2.3 Rối loạn giấc ngủ do thuốc
Một số loại thuốc điều trị bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ ở người cao tuổi, điển hình là các loại thuốc sau:
– Thuốc lợi tiểu, loại thuốc thường dùng cho người bị cao huyết áp hoặc tăng nhãn áp.
– Thuốc kháng cholinergic, dùng trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
– Thuốc hạ áp cho người huyết áp cao.
– Corticosteroid, thường được kê cho người bị viêm khớp dạng thấp.
– Thuốc chống trầm cảm, sử dụng cho các bệnh nhân bị rối loạn tâm thần, rối loạn lo âu.
– Thuốc ức chế histamin trên thụ thể H2 dùng cho bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hoặc loét dạ dày tá tràng.
– Thuốc levodopa, một trong những loại thuốc điều trị bệnh Parkinson.
– Thuốc adrenergic dùng trong trường hợp khẩn cấp như hen suyễn hoặc tim ngừng đập.
Tìm hiểu thêm: Thời điểm “vàng” cấp cứu đột quỵ và phòng ngừa
2.4. Những nguyên nhân khác
– Môi trường: Bình thường người già đã dễ mất ngủ, nếu phải ngủ trong không gian chật hẹp, ô nhiễm tiếng ồn, không gian ngủ thiếu trong lành, không thoáng mát hoặc nơi ở chật chội… thì tình trạng khó ngủ, rối loạn giấc ngủ càng dễ xảy ra hơn.
– Chế độ ăn, uống, sinh hoạt không hợp lý: Việc ăn uống không đủ chất, không đúng giờ, đặc biệt là thường xuyên uống rượu bia, trà, cà phê và các chất kích thích khác cũng dễ gây khó ngủ, mất ngủ ở những người lớn tuổi.
3. Khắc phục tình trạng mất ngủ ở người lớn tuổi
Tùy vào từng trường hợp, sẽ có các biện pháp khác nhau giúp người lớn tuổi khắc phục bệnh mất ngủ.
3.1 Có nên dùng thuốc ngủ để chữa mất ngủ ở người già không?
Nhiều người có thói quen sử dụng thuốc an thần khi bị mất ngủ. Nhưng các loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ và gây ra tình trạng “nhờn thuốc”. Các chuyên gia khuyên rằng không nên tự ý dùng thuốc ngủ khi chưa đi khám và tư vấn bởi bác sĩ. Khi thấy các triệu chứng khó ngủ, nên chủ động đi khám Nội thần kinh để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.
Bên cạnh việc dùng thuốc, các trắc nghiệm giấc ngủ, liệu pháp tâm lý chuyên sâu có ý nghĩa rất lớn trong chẩn đoán và điều trị, mang lại hiệu quả khám chữa bệnh tốt nhất.
3.2 Các biện pháp cải thiện chất lượng giấc ngủ
Để cải thiện tình trạng mất ngủ và phòng tránh những biến chứng, người lớn tuổi nên:
– Điều trị tốt các những bệnh lý có liên quan như tim mạch, tiểu đường, bệnh về khớp để hạn chế các triệu chứng khó chịu, từ đó sẽ cải thiện được giấc ngủ.
– Tránh căng thẳng thần kinh, stress là một yếu tố quan trọng giúp cải thiện chứng mất ngủ dù do nguyên nhân nào gây ra.
– Bố trí thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, phòng ngủ nên yên tĩnh, thoáng mát, tránh dùng chất kích thích.
– Nên đi bộ hoặc vận động thể lực vừa sức để giúp giải toả căng thẳng, lưu thông khí huyết. Ngoài ra có thể tắm nước ấm 20 phút trước khi đi ngủ.
– Sử dụng những thực phẩm tốt cho giấc ngủ như: mật ong, phấn hoa, nho, nhãn, chuối, đu đủ…
– Bật nhạc với âm lượng nhỏ và đều giúp ức chế vỏ não, giúp dễ đi vào giấc ngủ hơn.
>>>>>Xem thêm: Cách trị bệnh mất ngủ về đêm hiệu quả
Như vậy, mất ngủ ở người già có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Việc thăm khám sớm, tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây mất ngủ là yếu tố quan trọng giúp người lớn tuổi có thể khắc phục tình trạng mất ngủ một cách hiệu quả.