Bệnh phổi bẩm sinh ở trẻ thường không được phát hiện sớm vì bệnh chỉ biểu hiện mạnh ở tuổi thiếu niên. Do đó, các bậc cha mẹ cần có hiểu biết về bệnh phổi bẩm sinh để phát hiện sớm bệnh và đưa trẻ đi điều trị kịp thời.
Bạn đang đọc: Bệnh phổi bẩm sinh thường gặp cần phải lưu ý
Theo các bác sĩ, các bệnh phổi bẩm sinh hay gặp ở trẻ là: phổi biệt lập, nang phổi bẩm sinh, nang phế quản bẩm sinh, giảm sản phổi, giãn thùy phổi, dị dạng mạch máu phổi.
Tùy vào từng thể bệnh phổi bẩm sinh mà có triệu chứng khác nhau
Bệnh phổi biệt lập: Là tình trạng một vài mô phổi nằm tách biệt riêng khỏi phần còn lại của phổi, tổ chức này không thông nối với đường thở và cũng không có chức năng hô hấp. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh thường không đặc hiệu như ho, ho ra máu, đau ngực.
- Bệnh phổi bẩm sinh không phải là bệnh hiếm gặp ở trẻ nhỏ nhưng lại khó phát hiện sớm bệnh
Nang phổi bẩm sinh: Tổn thương chính là trong nhu mô phổi có nhiều nang, bên trong những nang này chứa đầy dịch. Các nang này sẽ bị giãn rộng khi trẻ thực hiện các động tác thở đầu tiên. Khi các nang này bị giãn gây chèn ép mô phổi bình thường dẫn đến tăng gánh cho tim. Trẻ sơ sinh mắc chứng bệnh này sẽ bị suy hô hấp thời gian ngắn sau khi sinh. Đây là dấu hiệu mà cha mẹ nếu phát hiện được cần đưa trẻ đi khám để chẩn đoán điều trị bệnh sớm cho con.
Nang phế quản bẩm sinh: Các nang này thường xuất hiện ở một thùy đơn độc và được lót bởi biểu mô trụ lông chuyển. Đặc biệt, các nang này rất dễ bị nhiễm khuẩn và viêm. Khi đó có thể gây chèn ép đường thở, bệnh nhân có triệu chứng khò khè, thở rít hoặc có những cơn tím tái.
Giảm sản phổi: Là tình trạng thiếu nhu mô phổi, nguyên nhân là do rối loạn ở giai đoạn đầu của bào thai. Có điểm đáng chú ý là bệnh giảm sản phổi hay đi kèm với các bệnh tim bẩm sinh như: thông liên nhĩ, thông liên thất, còn lỗ bầu dục. Bệnh cũng hay đi kèm các bất thường dạ dày ruột như: không có hậu môn, dò khí quản – thực quản. Vì vậy, những trẻ có các biểu hiện bệnh tim và phổi nói trên cần được khám để chẩn đoán cả bệnh phổi bẩm sinh.
Tìm hiểu thêm: Sự nguy hiểm của bệnh hen phế quản mãn tính
- Tùy vào các thể bệnh phổi bẩm sinh mà trẻ có những dấu hiệu cảnh báo bệnh khác nhau
Giãn thùy phổi bẩm sinh: Còn gọi là khí thũng thùy phổi bẩm sinh. Thông thường, những trẻ mắc bệnh này trong năm đầu tiên của cuộc đời sẽ có tình trạng suy hô hấp nặng nhưng khó phát hiện nguyên nhân. Nguyên nhân thường gặp của bệnh này là thiếu sụn phế quản bẩm sinh gây tắc nghẽn thùy phổi; Một số trường hợp do tình trạng đè ép phế quản từ bên ngoài gây bệnh. Bệnh nhi có biểu hiện tình trạng nguy cấp hô hấp với khó thở, thở nhanh, khò khè, ho, tím tái và các triệu chứng này nặng lên khi khóc, khi xúc động. Bệnh này cũng có đặc điểm là thường kèm theo với bệnh tim bẩm sinh.
Giãn phế quản bẩm sinh: Bệnh này thường đi kèm với các bất thường bẩm sinh khác. Trong giãn phế quản bẩm sinh có tình trạng thiếu hoặc khiếm khuyết sụn ở phế quản gây ra tình trạng tăng thông khí, xẹp đường thở và giãn phế quản.
Biểu hiện lâm sàng của giãn phế quản bẩm sinh là nhiễm khuẩn hô hấp tái phát.
Dị dạng mạch máu phổi: Bệnh liên quan đến bất thường tuần hoàn động mạch và tĩnh mạch phổi. Tổn thương hay gặp là tình trạng giãn động mạch và tĩnh mạch đơn dạng túi. Nguyên nhân do dị sản biểu mô trung gian giữa tiểu động mạch tiền mao mạch và tiểu tĩnh mạch.
>>>>>Xem thêm: Giải đáp: khói thuốc lá có thể gây ra những bệnh gì?
- Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để phát hiện sớm những bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể nhằm kịp thời điều trị (ảnh minh họa)
Triệu chứng thường gặp là bệnh nhân có ho ra máu, chảy máu mũi, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tiết niệu.
Tùy vào các thể bệnh phổi bẩm sinh ở trẻ mà có biện pháp xử trí phù hợp. Các bậc cha mẹ cần hiểu đúng về bệnh phổi, theo dõi thai kỳ đều đặn nhằm phát hiện sớm những bất thường ở thai nhi. Khi trẻ sinh ra cần được tiêm phòng đầy đủ và khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm những bất thường và bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.