Sỏi bàng quang là một bệnh lý khá phổ biến ở đường tiết niệu gây ra nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt và cuộc sống thường nhật của người bệnh. Trong đó sỏi bàng quang gây bí tiểu là một trong những triệu chứng đáng chú ý. Nếu quá trình này liên tục diễn ra mà không điều trị sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh.
Bạn đang đọc: Bệnh sỏi bàng quang gây bí tiểu – những điều cần lưu ý
1. Tình trạng bí tiểu là gì?
Thông thường con người có thể đi tiểu một cách tự chủ là do có sự kết hợp hài hòa giữa hoạt động co bóp của bàng quang và sự giãn nở của cổ bàng quang. TÌnh trạng bí tiểu là khi bàng quang chứa đầy nước nhưng người bệnh không đi tiểu được hoặc đi tiểu nhưng bàng quang không đưa được hết toàn bộ nước tiểu ra ngoài hay không rỗng hoàn toàn. Tình trạng này khiến người bệnh luôn cảm thấy muốn đi tiểu.
2. Tại sao sỏi bàng quang gây ra triệu chứng bí tiểu?
2.1 Lý giải nguyên nhân sỏi bàng quang gây bí tiểu
Trong nhiều trường hợp bệnh nhân mắc sỏi bàng quang, sỏi di chuyển đến lỗ thông bàng quang với niệu đạo và bịt kín lỗ này lại, khiến dòng chảy của nước tiểu xuống niệu đạo bị cản trở và tắc nghẽn. Hoặc sỏi bàng quang đã phát triển đến một kích thước lớn, làm cản trở dòng nước tiểu đi xuống niệu đạo và ra ngoài. Nguyên nhân cũng có thể là do sỏi bàng quang có kích thước nhỏ đã đi qua được cổ bàng quang nhưng kẹt tại niệu đạo cũng sẽ dẫn đến quá trình đào thải nước tiểu gặp khó khăn.
Ngoài ra bệnh nhân mắc sỏi có gặp thêm các bệnh lý viêm niệu đạo mãn tính dẫn đến xơ hóa, chít hẹp niệu đạo, xơ cứng niệu đạo… cũng có thể dẫn đến tình trạng tiểu khó khăn.
Sỏi bàng quang nếu mắc kẹt tại cổ bàng quang sẽ khiến nước tiểu đi xuống niệu đạo bị cản trở
2.2 Triệu chứng của sỏi bàng quang gây tình trạng bí tiểu
Khi sỏi gây ra tình trạng bí tiểu, người bệnh sẽ xuất hiện một số triệu chứng phổ biến như sau:
– Đau tức bụng dưới, đau tức bàng quang khu vực trước xương mu
– Cảm thấy bồn chồn, khó chịu kéo dài, bứt rứt, muốn đi tiểu nhiều lần
– Thường xuyên muốn đi tiểu nhưng không tiểu được hoặc lượng nước tiểu ra ít
– Tiểu rắt, tiểu són, tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu buốt
– Tiểu máu hoặc nước tiểu sậm có thể là do sỏi cọ xát gây chảy máu ở niêm mạc đường tiết niệu
3. Điều trị sỏi bàng quang giải quyết tình trạng bí tiểu
3.1 Vì sao cần điều trị kịp thời sỏi bàng quang gây bí tiểu
Các triệu chứng của bí tiểu gây ra bởi sỏi bàng quang khiến người bệnh không thể tập trung làm việc, liên tục cảm thấy khó chịu. Bệnh nhân muốn đi tiểu nhưng không tiểu được theo ý muốn, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, cuộc sống và công việc của người bệnh, nhất là ban đêm gây mất ngủ kéo dài, người mệt mỏi, cáu gắt…
Nếu không được điều trị loại bỏ sỏi kịp thời để ngăn chặn tình trạng bí tiểu diễn ra, nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe có thể ập đến bất cứ lúc nào như:
– Sỏi tăng kích thước nhanh chóng do nước tiểu ứ đọng lâu tạo điều kiện cho cặn lắng đọng trong nước tiểu tiếp tục bám vào viên sỏi hoặc hình thành nên nhiều viên sỏi khác.
– Viêm bàng quang xảy ra khi sỏi lớn gây cọ xát liên tục hoặc bám dính chặt vào niêm mạc dẫn đến chảy máu, trầy xước tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Viêm bàng quang khi không được điều trị sớm có thể dẫn đến teo bàng quang, rò bàng quang…
– Cuối cùng khi nước tiểu không được thoát ra bên ngoài cơ thể, mà được lưu lâu trong bàng quang sẽ khiến nước tiểu đẩy ngược dòng lên thận. Điều này dẫn đến các tình trạng viêm thận, giãn đài bể thận, suy thận.
Tìm hiểu thêm: Phương pháp điều trị sỏi niệu đạo hiệu quả, an toàn
Sỏi phát triển với kích thước lớn nằm trong bàng quang của bệnh nhân
3.2 Phương pháp điều trị sỏi bàng quang dẫn đến bí tiểu – Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser
Sỏi bàng quang gây ra tình trạng bí tiểu là một trong những dấu hiệu khá nghiêm trọng của bệnh, chính vì vậy bạn nên nhanh chóng đi thăm khám và điều trị kịp thời. Dựa vào kích thước sỏi, tình trạng bệnh và các yếu tố liên quan đến sức khỏe bác sĩ sẽ chỉ định phương hướng điều trị phù hợp nhất. Đối với sỏi bàng quang điều trị loại bỏ sỏi bằng phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser là kỹ thuật mang lại hiệu quả tối ưu.
Bệnh nhân được loại bỏ sỏi ra khỏi bàng quang thông qua đường tự nhiên của cơ thể, hoàn toàn không có vết mổ. Chính bởi ưu điểm vượt trội này mà bệnh nhân không có sẹo, không có vết thương lớn, không chảy máu, không mất nhiều thời gian nằm viện và hồi phục sức khỏe.
Phương pháp này kéo dài chỉ trong khoảng 30-60 phút. Trong thời gian này bệnh nhân sẽ được sử dụng một ống nội soi đưa ngược dòng từ niệu đạo đến bàng quang để tìm vị trí của sỏi. Dựa trên hình ảnh thu được của máy nội soi bác sĩ sẽ sử dụng năng lượng laser chiếu trực tiếp vào viên sỏi để làm vỡ sỏi thành vụn. Vụn sỏi sau đó sẽ được gắp ra ngoài bằng rọ.
Sau đó chỉ trong khoảng 1 ngày bệnh nhân được xuất viện và khoảng 5-7 ngày là có thể khỏe mạnh sinh hoạt trở lại như bình thường.
>>>>>Xem thêm: 2 phương pháp mổ sỏi tiết niệu phổ biến và chỉ định cụ thể
Bệnh nhân được thực hiện tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser tại Bệnh viện điều trị sỏi tiết niệu hàng đầu – Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc
3.4 Một số lưu ý sau khi thực hiện tán sỏi bàng quang
Bệnh nhân nên theo dõi tình trạng sức khỏe sau tán sỏi, nếu có bất kỳ các vấn đề về đi tiểu buốt, tiểu máu, đau hoặc sốt cần liên hệ với bác sĩ điều trị để được kiểm tra.
Sau khi đã loại bỏ sỏi ra khỏi cơ thể bệnh nhân cũng cần lưu ý có chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh để hạn chế nguy cơ sỏi tái phát. Nên uống nhiều nước, hạn chế ăn thức ăn nhanh, chất kích thích, đi tiểu khi có nhu cầu và vận động đi lại tránh ngồi quá lâu.
Sỏi bàng quang dẫn đến tình trạng bí tiểu là một trong những dấu hiệu cảnh báo sỏi có thể đã có kích thước lớn, chình vì vậy bệnh nhân cần nhanh chóng đến chuyên khoa thận – tiết niệu để thăm khám chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và có phương pháp điều trị xử lý sỏi kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.