Tắc động mạch vành là hiện tượng động mạch đưa máu đi nuôi tim bị tắc nghẽn, gây hoại tử cơ tim. Nếu tình trạng này diễn ra đột ngột có thể gây nhồi máu cơ tim, thậm chí ngừng tim và tử vong. Vô cùng nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn chủ quan trước căn bệnh này. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh tắc động mạch vành trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Bệnh tắc động mạch vành đe dọa sức khỏe, chớ chủ quan
1. Tại sao động mạch vành lại bị tắc nghẽn?
Động mạch vành là mạch máu duy nhất đưa máu giàu oxy và dinh dưỡng đến nuôi cơ tim. Nếu vì một lý do nào đó, động mạch vành xảy ra tắc nghẽn thì cơ tim sẽ không nhận đủ lượng máu cần thiết và sẽ dần chết đi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động co bóp của tim. Có 2 nguyên nhân chính gây ra hiện tượng tắc động mạch vành, đó là:
1.1 Sự hình thành của các mảng xơ vữa
Có rất nhiều yếu tố cùng tác động gây ra tình trạng tắc nghẽn ở mạch vành nhưng phổ biến nhất là do sự hình thành của các mảng xơ vữa.
Các mảng xơ vữa hình thành do sự lắng đọng chất béo (cholesterol), canxi và những chất thải khác trong máu. Các chất này tích tụ ở thành động mạch làm giảm thiết diện của các động mạch, làm cho lòng mạch trở nên hẹp dần. Khi các mảng xơ vữa còn ít, máu vẫn có thể lưu thông qua động mạch vành, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của tim và toàn cơ thể. Nhưng theo thời gian, các mảng xơ vữa ngày một nhiều lên và xơ hóa khiến thành mạch mất đi sự mềm mại và khả năng đàn hồi. Hệ quả tất yếu lượng máu qua mạch vành giảm dần, thậm chí không thể lưu thông nếu mảng xơ vữa choán hết lòng mạch.
Các mảng xơ vữa và huyết khối là nguyên nhân chính gây bệnh tắc động mạch vành
1.2 Sự hình thành huyết khối gây bệnh tắc động mạch vành
Huyết khối là hiện tượng hình thành nên cục máu đông trong mạch máu hoặc trong buồng tim.
Khi dòng chảy của máu chậm lại hoặc bị xáo trộn, các tế bào máu di chuyển chậm hơn và dễ bám dính vào các tổn thương ở nội mô mạch máu (tiểu cầu). Quá trình đông máu khởi phát dẫn đến sự hình thành nên lưới sợi fibrin, gia tăng bắt giữ các tế bào máu khác đi qua chúng. Điều này khiến cục huyết khối tăng nhanh về kích thước. Trong khi đó, dòng chảy chậm làm cho cục máu đông không thể tự tiêu biến mà ngược lại ngày càng to dần và gây tắc mạch.
1.3 Mối liên hệ giữa xơ vữa và huyết khối
Khi các cục máu đông quá lớn nhưng lại đi vào những đoạn mạch bị thu hẹp do các mảng xơ vữa thì hiện tượng tắc mạch càng dễ xảy ra.
Một số trường hợp, các mảng xơ vữa vỡ một cách đột ngột và khởi đầu với sự tích tụ của các tiểu cầu là những tế bào máu ngay tại chỗ vỡ. Các tiểu cầu và các mảng xơ vữa có thể bị bong ra và gây tắc một động mạch nhánh.
Ngoài xơ vữa, tình trạng co thắt mạch vành, bóc tách mạch vành…có thể là nguyên nhân gây tắc nghẽn ở động mạch vành.
2. Tắc động mạch vành có nguy hiểm không?
Mức độ nguy hiểm của bệnh tắc động mạch vành còn tùy thuôc vào vị trí tắc nghẽn và số lượng động mạch bị tắc nghẽn. Nếu tắc nghẽn xảy ra ở những động mạch vành nhánh thì chỉ có một phần cơ tim bị thiếu máu hoặc chết đi, hoạt động của tim vẫn có thể được duy trì. Tuy nhiên nếu hiện tượng động mạch vành lớn hoặc nhiều nhánh nhỏ bị tắc nghẽn cũng lúc thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng co bóp của tim và hoạt động của hệ tuần hoàn.
Sự bong tróc và di chuyển của các mảng xơ vữa và huyết khối là nguyên nhân gây ra các tai biến. Tai biến có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau:
– Tắc một động mạch vành (hội chứng động mạch vành cấp)
– Tắc một động mạch não (tai biến mạch máu não dạng thiếu máu cục bộ)
– Tắc ở một động mạch chi (thiếu máu cục bộ cấp của chi)
3. Các triệu chứng của hiện tượng tắc động mạch vành
3.1 Các triệu chứng chung
Tắc động mạch vành thường là hiện tượng cấp tính dưới dạng 1 cơn nhồi máu cơ tim và có thể gây ngừng tim nếu không được xử lý kịp thời. Khi đó, sự tắc nghẽn hoàn toàn của một động mạch vành gây ra hủy hoại một phần cơ tim.
Các triệu chứng của cơn nhồi máu cơ tim:
– Đau thắt ngực
– Khó thở
– Nhịp tim nhanh
– Đổ mồ hôi lạnh
– Buồn nôn, nôn
– Chóng mặt đột ngột, choáng váng, ngất xỉu
– Giảm khả năng gắng sức
Trong đó, biểu hiện rõ ràng nhất là cơn đau thắt ngực xảy ra khi người bệnh đang nghỉ ngơi, kéo dài hơn và thường có cường độ rất cao.
Tìm hiểu thêm: Những điều cần biết về bệnh suy vành tim không thể bỏ qua
Đau thắt ngực là triệu chứng điển hình khi mạch vành bị tắc nghẽn
3.2 Đau thắt ngực – Triệu chứng điển hình của bệnh tắc động mạch vành
Bạn có thể đã từng gặp các cơn đau thắt ngực trước đó. Các cơn đau có đặc điểm:
– Đau, tức ở giữa ngực, sau xương ức
– Đau lan lên cổ hoặc lên hàm, lan ra cánh tay và cổ tay, thường là bên trái
– Đau ở hõm dạ dày
Đau thắt ngực có 2 dạng: Đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định.
– Đau thắt ngực ổn định thường chỉ xảy ra khi gắng sức, diễn ra trong thời gian ngắn và thường chấm dứt khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc.
– Đau thắt ngực không ổn định kéo dài một cách không bình thường, xảy ra khi đang nghỉ ngơi hoặc không thuyên giảm khi bạn ngưng gắng sức. Đau thắt ngực không ổn định có thể tự khỏi, tuy nhiên dễ chuyển thành nhồi máu cơ tim hơn so với bệnh nhân có đau thắt ngực ổn định.
Một số trường hợp nhồi máu cơ tim thậm chí không có biểu hiện ngay tức thì mà chỉ được phát hiện một cách tình cờ nhờ đo điện tim và xét nghiệm máu khi kiểm tra sức khỏe. Tình trạng này thường gặp khi người bệnh có đái tháo đường.
Ngoài ra, nếu tắc động mạch vành gây ảnh hưởng đến não hoặc các chi, người bệnh có thể có các biểu hiện: lệch, méo mặt, tê liệt tay chân, khó khăn trong việc diễn đạt, sử dụng ngôn ngữ,…
4. Bệnh tắc động mạch vành cần được điều trị như thế nào?
Tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân mà sẽ có những phương án khác nhau để điều trị tình trạng tắc nghẽn mạch vành.
Thông thường, đối với những trường hợp khẩn cấp, bệnh nhân cần được làm khai thông mạch máu bằng các sử dụng thuốc giãn mạch hoặc thuốc làm tan cục máu đông. Các loại thuốc này có tác dụng làm tiêu các sợi huyết, chống lại sự tập kết tiểu cầu, làm giảm tình trạng đau ngực.
Để điều trị mạch vành tắc nghẽn mạn tính hoặc cấp tính nhưng dùng thuốc không hiệu quả, trường hợp bệnh nhân không thể dùng thuốc, một số biện pháp can thiệp có thể được xem xét nhằm tái thông mạch máu, đảm bảo cung cấp máu cho cơ tim.
Dù điều trị theo phương pháp nào, người bệnh cũng cần được thăm khám kỹ lượng các chuyên khoa tim mạch để xác định chính xác tình trạng của mình và tuân theo chỉ định của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị. Tuyệt đối không sử dụng bất cứ loại thuốc hay phương pháp điều trị dân gian nào khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.
>>>>>Xem thêm: Nguy cơ tàn phế sau đột quỵ, biện pháp phòng tránh
Nếu sử dụng thuốc không hiệu quả, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật để điều trị tắc động mạch vành
Tóm lại, bệnh tắc động mạch vành là một tình trạng rất nguy hiểm, cần được phát hiện và điều trị sớm. Những thông tin trong bài viết chỉ là kiến thức có tính tham khảo. Để chăm sóc hệ mạch vành khỏe mạnh một cách thiết thực, bạn đi khám thường xuyên tại chuyên khoa tim mạch, từ đó nhận diện sớm các yếu tố nguy cơ và phòng tránh hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.