Bệnh thận do thuốc cản quang là một tình trạng hiếm gặp trong đó chức năng thận bị suy giảm sau khi tiếp xúc với một số loại thuốc cản quang. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh thận do thuốc cản quang tự khỏi sau một đến hai tuần.
Bệnh thận do thuốc cản quang có nguy hiểm không?
Thuốc cản quang được sử dụng trong các công nghệ chẩn đoán hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT) cũng như một số thủ thuật tim mạch. Khi được tiêm vào cơ thể, thuốc cản quang sẽ giúp các cơ quan hiển thị rõ hơn trên ảnh chụp và cho thấy các dấu hiệu bất thường.
Tuy nhiên, các công nghệ chẩn đoán hình ảnh này đều tiềm ẩn rủi ro. Thuốc cản quang có thể gây tổn thương thận.
Mặc dù bệnh thận do thuốc cản quang hiếm gặp và thường tự khỏi nhưng đây vẫn là một rủi ro và cần được cân nhắc kỹ trước khi thực hiện bất kỳ quy trình nào sử dụng thuốc cản quang.
Bệnh thận do thuốc cản quang là gì?
Bệnh thận do thuốc cản quang là một tình trạng hiếm gặp trong đó thận bị tổn thương do tiếp xúc với thuốc cản quang được sử dụng trong một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.
Mặc dù có một số ý kiến tranh luận về các tiêu chí chính xác chẩn đoán bệnh thận do thuốc cản quang nhưng bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán bệnh khi xét nghiệm creatinin máu cho thấy một trong những điều sau:
- Nồng độ creatinin trong máu tăng 25% so với ban đầu (creatinin là một chất thải được thận lọc khỏi máu)
- Nồng độ creatinin trong máu tăng 0,5 miligam trên mỗi decilit trong vòng 48 đến 72 giờ sau khi sử dụng thuốc cản quang
Mặc dù tình trạng suy giảm chức năng thận thường xảy ra trong vòng 48 đến 72 giờ nhưng đôi khi, điều này xảy ra trong vòng 7 ngày sau quy trình sử dụng thuốc cản quang. Nếu như không xác định được nguyên nhân nào khác gây suy giảm chức năng thận thì tình trạng này cũng có thể được coi là bệnh thận do thuốc cản quang.
Bệnh thận do thuốc cản quang có phổ biến không?
Thuốc cản quang được sử dụng khá phổ biến trong các công nghệ chẩn đoán hình ảnh và một số thủ thuật y tế nhưng chỉ có khoảng 2% trường hợp sử dụng thuốc cản quang mắc bệnh thận do thuốc cản quang. (1)
Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận do thuốc cản quang, gồm có:
- Bệnh tiểu đường
- Tiền sử bệnh tim mạch
- Suy thận mạn
- Từ 60 tuổi trở lên
Theo Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ (National Kidney Foundation), tỷ lệ mắc bệnh thận do thuốc cản quang có thể tăng từ 30% đến 40% ở những người bị suy thận mạn nghiêm trọng. Ngoài ra, những người mắc cả suy thận mạn và bệnh tiểu đường có nguy cơ bị bệnh thận do thuốc cản quang cao hơn từ 20 đến 50%. (2)
Triệu chứng của bệnh thận do thuốc cản quang
Các triệu chứng của bệnh thận do thuốc cản quang cũng tương tự như triệu chứng của các bệnh thận khác, gồm có:
- Mệt mỏi
- Chán ăn
- Sưng phù ở bàn chân và mắt cá chân
- Sưng quanh mắt
- Da khô, ngứa
Các loại bệnh thận khác
Bệnh thận là thuật ngữ chung cho tất cả các vấn đề về thận khiến thận suy giảm chức năng. Một số loại bệnh thận, ví dụ như bệnh thận IgA, tiến triển chậm theo thời gian nhưng bệnh thận do thuốc cản quang thường xảy ra chỉ trong vòng 2 đến 3 ngày sau khi sử dụng thuốc cản quang.
Ngoài ra, trong khi một số loại bệnh thận, chẳng hạn như bệnh thận do đái tháo đường, cần điều trị nguyên nhân gốc rễ và có thể dùng cần nhiều loại thuốc khác nhau thì bệnh thận do thuốc cản quang thường tự khỏi sau 1 – 2 tuần.
Có thể phòng ngừa bệnh thận do thuốc cản quang không?
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh thận do thuốc cản quang là hiểu rõ các yếu tố nguy cơ trước khi thực hiện các quy trình cần sử dụng thuốc cản quang.
Trước khi thực hiện các phương pháp chụp chiếu có sử dụng thuốc cản quang, người bệnh nên hỏi bác sĩ về nguy cơ suy giảm chức năng thận và cho bác sĩ biết nếu bản thân có bất kỳ yếu tố nào có thể làm tăng nguy cơ. Người bệnh cũng có thể hỏi bác sĩ về các lựa chọn thay thế không cần sử dụng thuốc cản quang.
Thực hiện theo các hướng dẫn của bác sĩ trước, trong và sau khi trải qua các quy trình chụp chiếu sử dụng chất cản quang, chẳng hạn như uống nhiều nước để tránh bị mất nước và đảo thải chất cản quang khỏi cơ thể nhanh hơn.
Hãy đi khám ngay khi có các triệu chứng của bệnh thận do thuốc cản quang.
Bác sĩ sẽ cân nhắc nguy cơ suy giảm chức năng thận trước khi thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cần sử dụng thuốc cản quang.
Nếu người bệnh bị suy thận mạn và bắt buộc phải thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh này, bác sĩ có thể sẽ cho người bệnh truyền nước biển, natri bicarbonate hoặc cả hai từ 6 đến 12 giờ trước khi tiến hành chụp chiếu để phòng ngừa bệnh thận do thuốc cản quang.
Những người có chức năng thận bình thường chỉ cần uống nhiều nước trong vòng vài giờ sau khi chụp MRI hoặc CT để đảo thải thuốc cản quang khỏi cơ thể.
Điều trị bệnh thận do thuốc cản quang
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh thận do thuốc cản quang sẽ tự khỏi.
Khoảng 7 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc với thuốc cản quang, chức năng thận sẽ trở lại bình thường. Chỉ có chưa đến 30% người mắc bệnh thận do thuốc cản quang gặp vấn đề về thận kéo dài và chưa đến 1% cần điều trị thay thế thận.
Tuy nhiên, những người mắc bệnh tiểu đường và suy thận mạn nghiêm trọng có thể cần phải lọc máu.
Tóm tắt bài viết
Bệnh thận do thuốc cản quang là tình trạng thận bị tổn thương và suy giảm chức năng sau khi tiếp xúc với thuốc cản quang được sử dụng trong các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp MRI hay CT. Đây là một tình trạng hiếm gặp và trong hầu hết các trường hợp, chức năng thận tự trở lại bình thường trong vòng 1 đến 2 tuần mà không cần can thiệp điều trị.
Trước khi chụp chiếu sử dụng thuốc cản quang, người bệnh cần cho bác sĩ biết nếu bản thân có các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận do thuốc cản quang, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc suy thận mạn. Đôi khi, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng thuốc cản quang có thể được thay bằng các kỹ thuật không cần thuốc cản quang.