Bệnh thoát vị bẹn: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Bệnh thoát vị bẹn là bệnh lý thường gặp ở nam giới, gặp nhiều ở trẻ em (bé trai). Trẻ sinh non có nguy cơ mắc cao hơn. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, thoát vị bẹn có thể gây biến chứng “nghẹt” đe đến dọa tính mạng của người bệnh. Cùng tìm hiểu về bệnh thoát vị bẹn: nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị trong bài viết dưới đây. 

1. Khái niệm và nguyên nhân gây thoát vị bẹn

1.1 Định nghĩa

Bệnh thoát vị bẹn xảy ra khi một phần của ruột hoặc mô mỡ từ ổ bụng trượt ra khỏi vị trí bình thường và chui qua một lỗ yếu ở thành bụng, hình thành một khối phồng ở vùng bẹn

Thoát vị bẹn chủ yếu là do bẩm sinh, một số ít do mắc phải. Đáng lẽ ra khi trẻ được sinh ra thì ống phúc tinh mạc (ở bé trai) và ống Nuck (ở bé gái) sẽ đóng lại ngăn không cho các tạng trong ổ bụng (thường là ruột) có cơ hội chui xuống làm thành một khối phồng ở bẹn. Nhưng vì nguyên nhân nào đó mà các ống này không đóng lại, tạo điều kiện cho tạng (ruột) chui xuống bẹn tạo nên khối thoát vị.

Bệnh thoát vị bẹn: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Sự tồn tại ống phúc tinh mạc (ở bé trai) là con đường để ruột sa xuống bẹn – bìu (còn gọi là khối thoát vị bẹn – bìu).

1.2 Nguyên nhân gây bệnh thoát vị bẹn

Trẻ sinh non: Vào tháng thứ bảy, khi tinh hoàn di chuyển xuống bìu sẽ kéo theo nếp phúc mạc tạo thành một túi dạng ống phúc tinh mạc. Sau đó khi trẻ sinh ra ống này sẽ đóng lại. Nhưng với trẻ sinh non, các cơ quan trong cơ thể của bé có thể chưa được hoàn chỉnh, đây là lý do dễ tồn tại ống phúc tinh mạc.

Yếu tố di truyền: Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng bệnh thoát vị bẹn có thể do yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình bạn có người từng mắc bệnh này, bạn có nguy cơ cao bị thoát vị bẹn.

Sự yếu kém của cơ bắp: Khi các cơ bắp vùng bẹn yếu kém hoặc bị tổn thương, khả năng hỗ trợ và bảo vệ các cơ quan bên trong ổ bụng giảm, tạo điều kiện cho ruột hoặc mô mỡ trượt ra ngoài.

Hoạt động gắng sức: Thực hiện các hoạt động đòi hỏi sự gắng sức, như nâng vật nặng, tập thể dục quá mức, hoặc công việc nặng nhọc có thể gây áp lực lên vùng bẹn, làm tăng nguy cơ thoát vị bẹn.

Bệnh lý mãn tính: Một số bệnh lý mãn tính như ho kéo dài, táo bón kinh niên, hoặc tiểu đường cũng có thể góp phần làm tăng nguy cơ thoát vị bẹn.

2. Nhận diện triệu chứng thoát vị bẹn

Hầu hết thoát vị bẹn không có triệu chứng cho đến khi phát hiện khối phồng ở trẻ. Nếu quan sát kỹ vùng bẹn của trẻ/nam giới bạn có thể nhận thấy một số điểm bất thường gợi ý bệnh lý thoát vị bẹn như:

Khối phồng ở vùng bẹn: Dấu hiệu phổ biến nhất của thoát vị bẹn là sự xuất hiện của một khối phồng ở vùng bẹn, đặc biệt là khi ho, cười hoặc nâng vật nặng. Khối phồng này thường biến mất khi bạn nằm xuống.

Đau hoặc khó chịu: Người bệnh có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu ở vùng bẹn, đặc biệt khi vận động hoặc khi áp lực trong bụng tăng lên.

Cảm giác nặng nề: Cảm giác nặng nề hoặc khó chịu kéo dài ở vùng bẹn là một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh thoát vị bẹn.

3. Biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị

Thoát vị bẹn không thể tự khỏi, việc điều trị không quá khó khăn nên cần phát hiện và điều trị sớm. Nếu để muộn dễ gây thoát vị “nghẹt”. Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất, xảy ra khi phần ruột bị kẹt lại trong túi thoát vị và không nhận được máu cung cấp, dẫn đến hoại tử ruột, tổn thương tinh hoàn. Lúc này người bệnh cần được phẫu thuật khẩn cấp, cắt bỏ đoạn ruột hoại tử gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người bệnh và thậm chí ảnh hưởng tới cả chức năng sinh sản sau này. Trường hợp thoát vị nghẹt không được phẫu thuật kịp thời, người bệnh có thể tử vong.

Bệnh thoát vị bẹn: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Thoát vị bẹn nếu không điều trị dễ dẫn tới nghẹt, hoại tử phần ruột chui xuống bẹn – bìu, lúc đó phải mổ cấp cứu tùy theo tình trạng thoát vị mà có thể phải cắt bỏ phần ruột bị hoại tử, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người bệnh.

4. Chẩn đoán và điều trị bệnh thoát vị bẹn

4.1 Chẩn đoán

Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra vùng bẹn của bệnh nhân bằng cách yêu cầu người bệnh đứng, ho hoặc thực hiện các động tác làm tăng áp lực trong ổ bụng để phát hiện khối phồng.

Siêu âm: Siêu âm là một phương pháp hình ảnh giúp xác định chính xác vị trí và kích thước của khối thoát vị.

CT Scan hoặc MRI: Trong một số trường hợp phức tạp, bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT hoặc MRI để đánh giá chi tiết hơn về tình trạng thoát vị.

4.2 Phương pháp điều trị bệnh thoát vị bẹn

Hiện nay có 2 phương pháp chính điều trị bệnh lý thoát vị bẹn đó là phẫu thuật mở (mổ mở) và phẫu thuật nội soi.

Phẫu thuật mở (mổ mở): Phương pháp này bao gồm việc bác sĩ mổ một đường nhỏ ở vùng bẹn, sau đó đẩy phần ruột hoặc mô mỡ trở lại ổ bụng và khâu lại cơ bắp yếu.

Phẫu thuật nội soi: Phương pháp này ít xâm lấn hơn, sử dụng các dụng cụ đặc biệt và một camera nhỏ để thực hiện phẫu thuật qua các lỗ nhỏ trên bụng. Phẫu thuật nội soi thường có thời gian hồi phục nhanh hơn, ít xâm lấn nên ít đau hơn, sẹo rất nhỏ thậm chí không để lại sẹo, giảm tỷ lệ tái phát, hạn chế bỏ sót thoát vị bẹn bên đối diện.

Phẫu thuật nội soi hiện nay có 3 loại là phẫu thuật nội soi 1 lỗ, 2 lỗ và 3 lỗ.

Bệnh thoát vị bẹn: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc có khám và phẫu thuật thoát vị bẹn cho trẻ em và người lớn bằng phương pháp phẫu thuật nội soi tiên tiến hàng đầu hiện nay.

5. Cần lưu ý gì trước khi phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn?

Người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ đó là thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước khi phẫu thuật gồm: xét nghiệm máu cơ bản, siêu âm bẹn bìu để đánh giá, chụp X quang phổi (nếu cần).

Ngoài ra, người bệnh không được ăn thức ăn đặc 6 giờ trước khi phẫu thuật để đảm bảo rằng dạ dày rỗng khi gây mê, giảm nguy cơ bị trào ngược (hít phải dịch dạ dày) trong khi gây mê.

Bệnh thoát vị bẹn là một vấn đề sức khỏe phổ biến, nhưng nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn và tránh được các biến chứng nguy hiểm. Hãy luôn chú ý đến sức khỏe của mình và đừng ngần ngại tham khảo ý kiến bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *