Bệnh tim khó thở có nguy hiểm không?

Các bệnh lý tim mạch có thể biểu hiện rất đa dạng. Trong đó, khó thở là một triệu chứng cảnh báo bệnh tim quan trọng, nhưng lại thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp thông thường, vì vậy dễ dẫn đến chủ quan. Cùng tìm hiểu khó thở là dấu hiệu của những bệnh lý tim mạch nào và bệnh tim khó thở có nguy hiểm không, điều trị và phòng ngừa ra sao nhé. 

Bạn đang đọc: Bệnh tim khó thở có nguy hiểm không?

1. Bệnh tim khó thở có gây nguy hiểm cho người bệnh không?

Khó thở là một biểu hiện của rất nhiều bệnh lý khác nhau, đặc trưng bởi cảm giác mệt mỏi, khó khăn trong việc hít thở và điều hòa nhịp thở. Tình trạng khó thở có thể xảy ra ở các bệnh nhân mắc bệnh lý về phổi như viêm phổi, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi, thuyên tắc phổi; bệnh thiếu máu; bệnh tim mạch, bệnh lao…Trong đó, các bệnh lý tim mạch cũng là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng khó thở. Các khiếm khuyết hoặc tổn thương của hệ tim mạch gây ứ tắc mạch máu, làm tăng áp lực ở phổi, gián đoạn hoặc rối loạn quá trình trao đổi oxy.

Nhiều người thắc mắc về mức độ nguy hiểm của tình trạng khó thở do tim. Theo các chuyên gia tim mạch, bệnh tim khó thở có nguy hiểm hay không còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây khó thở, mức độ khó thở của người bệnh, thời điểm phát hiện và cách điều trị. 

Bệnh tim khó thở có nguy hiểm không?

Khi hệ tim mạch gặp rối loạn, khiến máu nghèo oxy hoặc gia tăng áp lực cho phổi, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng khó thở.

1.1 Các cấp độ của bệnh tim khó thở

–  Cấp độ 1: Tình trạng khó thở khi bệnh nhân thực hiện các hoạt động gắng sức như khi leo cầu thang, mang vác vật nặng. Mức độ khó thở gia tăng tỉ lệ thuận với mức độ gắng sức.

–  Cấp độ 2: Bệnh nhân khó thở cả khi không gắng sức. Chỉ làm việc nhẹ như bê chậu cây, đi lại bình thường cũng khiến họ thở hổn hển.

–  Cấp độ 3: Những việc thường ngày như đánh răng, rửa mặt,… cũng có thể khiến người bệnh cảm thấy khó thở, mệt nhọc.

–  Cấp độ 4: Bệnh nhân khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, không làm gì.

Cấp độ khó thở càng cao thì mức độ nguy hiểm càng lớn. 

1.2 Bệnh tim khó thở thường là các bệnh nào?

Nhiều bệnh lý có thể có triệu chứng khó thở nhưng điển hình nhất là:

– Suy tim

Tình trạng suy tim khiến cung lượng tim giảm, áp lực tĩnh mạch phổi tăng. Điều này làm giảm khả năng giãn nở của phổi và tăng công hô hấp. Đồng thời sự tích lũy dịch trong các phế nang do chênh lệch áp suất cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động thông khí – tưới máu của tim và phổi, làm giảm sự oxy hoá của động mạch hệ thống và gây khó thở. Tim càng suy yếu thì hiện tượng khó thở càng nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.

– Hẹp van tim

Các van tim bị hẹp không thể mở được hoàn toàn trong quá trình co bóp khiến máu không thể tống hết khỏi các buồng tim. Bởi vậy mà lượng máu bơm lên phổi để trao đổi oxy cũng giảm theo khiến máu đi nuôi cơ thể trở nên nghèo oxy và dưỡng chất. Điều này gây ra tình trạng khó thở. Để đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể, tim buộc phải làm việc nhiều hơn, lâu dần dẫn đến suy tim với triệu chứng khó thở như trên. Bên cạnh khó thở, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, đau tức ngực. 

Tìm hiểu thêm: Tim đập nhanh có nguy hiểm không?

Bệnh tim khó thở có nguy hiểm không?

Khó thở là một trong những biểu hiện của bệnh nhân suy tim.

– Bệnh mạch vành

Đây là một bệnh lý tim mạch khá phổ biến. Đặc trưng bởi tình trạng mạch vành bị tắc nghẽn làm giảm lượng máu tới cơ tim. Triệu chứng điển hình của bệnh này thường là cơn đau thắt ngực. Nhưng nhiều trường hợp, bệnh nhân có thể kèm theo mệt mỏi, vã mồ hôi, khó thở. Nguyên nhân là do tình trạng thiếu máu khiến khả năng co bóp và bơm máu của tim giảm, làm máu dễ bị ứ lại tại phổi. Người bệnh gặp khó khăn trong việc thở, thường thở gấp, thở không ra hơi, đặc biệt là khi gắng sức, căng thẳng stress hoặc lúc về đêm.

Nếu thấy khó thở kèm theo những cơn đau ngực kéo dài trên 15 phút thì bạn nên nghĩ tới cơn nhồi máu cơ tim cấp và đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay. 

– Các bệnh tim bẩm sinh

Các trường hợp trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh như thông liên nhĩ, hẹp – hở van tim, còn ống động mạch chủ,… thường rất ít biểu hiện triệu chứng. Nhưng một số dấu hiệu bất thường có thể biểu hiện như: bú kém, quấy khóc, khó thở, mệt khi thở,… do những khiếm khuyết về cấu trúc gây xáo trộn dòng chảy của máu và làm tăng áp phổi. 

2. Phát hiện và điều trị bệnh tim khó thở như thế nào?

2.1 Khó thở do tim có dễ phát hiện không?

Các bệnh tim khó thở càng được phát hiện và điều trị sớm thì càng hạn chế được những khó chịu cho người bệnh và nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Tuy nhiên các triệu chứng của bệnh tim mạch nói chung thường ít biểu hiện ở giai đoạn nhẹ. Chỉ khi ở giai đoạn tiến triển, các biểu hiện mới ngày càng bộc lộ rõ ràng. Hơn nữa, hiện tượng khó thở thường khiến người bệnh liên tưởng đến các bệnh về hô hấp thông thường, các bệnh lý về phổi dẫn đến chủ quan hoặc điều trị sai. Điều này khiến bệnh tình ngày càng chuyển biến nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

2.2 Cần làm gì khi có biểu hiện khó thở?

Khi thấy triệu chứng khó thở, mệt khi thở, đặc biệt nếu kèm theo các triệu chứng như đau ngực, ho khan, vã mồ hôi,… người bệnh cần đi khám ngay để phát hiện và điều trị bệnh càng sớm càng tốt. 

Tại các cơ sở y tế, bệnh nhân sẽ được khám với bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm để nhận định, phân biệt các triệu chứng và chỉ định các kỹ thuật chẩn đoán phù hợp giúp xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, từ đó mới có thể đưa ra phương án điều trị phù hợp. 

Bệnh tim khó thở có nguy hiểm không?

>>>>>Xem thêm: Dấu hiệu bị động kinh cần nhận biết sớm

Khi gặp phải tình trạng khó thở kéo dài hoặc đột ngột dữ dội, bạn cần thăm khám ngay tại chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng.

Hi vọng những thông tin tham khảo trên đây đã giúp bạn có thêm kiến thức về bệnh tim khó thở, giúp chủ động nhận biết và phát hiện sớm căn bệnh này, tránh những nguy hiểm cho bản thân. Để kiểm soát tình trạng sức khỏe của mình, hãy thường xuyên thăm khám tại chuyên khoa tim mạch. Nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào hoặc có nhu cầu thăm khám, vui lòng liên hệ để được tư vấn và hỗ trợ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *