Bệnh trào ngược dạ dày thực quản rất phổ biến tại Việt Nam. Ban đầu thường chỉ có các triệu chứng nhẹ như ợ hơi, ợ chua. Tuy nhiên, nếu không chữa trị sớm sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như barrett thực quản, ung thư thực quản…
Bạn đang đọc: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản và sự nguy hiểm của nó
1. Trào ngược dạ dày thực quản là gì và các mức độ của bệnh
1.1. Tìm hiểu bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Đây là tình trạng các chất trong dạ dày bao gồm dịch acid, dịch tiêu hóa, thức ăn trào ngược vào thực quản, hầu họng và đôi khi trào cả vào đường hô hấp. Bệnh gây ra các triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, gây tổn thương thực quản với các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ, tuy nhiên phần lớn bệnh nhân trào ngược là người trưởng thành. Theo thống kê, có khoảng từ 10 đến 20% người trưởng thành từng bị trào ngược dạ dày ít nhất một lần trong đời.
Trào ngược dạ dày thực quản gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh
1.2. Sự tiến triển của bệnh qua các mức độ trào ngược
Trào ngược dạ dày thực quản được các bác sĩ chia ra làm 5 cấp độ, tương ứng với mức độ nghiêm trọng của bệnh tăng dần:
– Trào ngược cấp độ 0: Cấp độ này, tải lượng acid trào lên thực quản ít, không đủ để làm tổn thương thực quản.
– Trào ngược cấp độ A: Đây là cấp độ trào ngược dạ dày phổ biến nhất, với 90% trường hợp bệnh nhân. Trào ngược cấp độ A khiến niêm mạc thực quản bị tổn thương nhẹ do acid, gây ra những triệu chứng như nóng rát, ợ chua, cảm giác nghẹn khi nuốt nhưng ở mức độ nhẹ.
– Trào ngược cấp độ B: Giai đoạn này người bệnh có triệu chứng nghẹn khi nuốt thức ăn rõ ràng hơn do thực quản bị viêm nhiễm. Kích thước những vết trợt viêm tại niêm mạc thực quản có chiều dài trên 5mm, có thể nằm rải rác hoặc hội tụ gần nhau.
– Trào ngược cấp độ C: thực quản liên tục tiếp xúc với acid trào ngược dẫn đến việc hình thành vết loét dài. Màu sắc và tế bào lót ở vùng thấp của thực quản bị thay đổi, có thể gây ra bệnh Barrett thực quản. Người bệnh có nhiều triệu chứng nghiêm trọng như ợ nóng, khó nuốt, nôn ra máu, đau tức vùng ngực.
– Trào ngược cấp độ D: Lúc này tình trạng tổn thương ở thực quản lan rộng. Những triệu chứng trào ngược giống ở cấp độ C liên tục xuất hiện, đi kèm với sự sụt giảm sức khỏe thể chất của người bệnh. Ở cấp độ này, bệnh cũng dễ phát triển thành ung thư nhất.
2. Những ai dễ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản?
Trào ngược dạ dày thực quản có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, từ trẻ sơ sinh cho đến người trưởng thành. Tuy nhiên, những đối tượng sau được đánh giá là có nguy cơ cao mắc bệnh trào ngược hơn, bao gồm:
– Những người bị thừa cân, béo phì sẽ tạo sức ép lớn lên bụng dẫn đến bệnh trào ngược.
– Phụ nữ đang mang thai, đặc biệt trong những tháng cuối dễ bị trào ngược hơn do tử cung mở rộng chèn ép lên dạ dày, ruột…
– Những người phải sử dụng thuốc điều trị như thuốc trị hen suyễn, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị tiểu đường, thuốc giảm đau xương khớp nhóm…
– Những người hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá sẽ làm kích thích niêm mạc dạ dày gây trào ngược.
– Những người bị thoát vị hoành hoặc xơ cứng bì, liệt dạ dày…
– Những người có lối sống và thói quen ăn uống không tốt như ăn nhiều đồ chua, đồ dầu mỡ, lười vận động, uống bia rượu… cũng có nguy cơ cao bị trào ngược dạ dày.
– Căng thẳng hay stress cũng là yếu tố thường gặp gây ra tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.
– Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, một số yếu tố bẩm sinh có thể là nguyên nhân dẫn đến khó nuốt, hay nôn trớ và ợ…
Tìm hiểu thêm: Bệnh đường tiêu hóa gồm những gì?
Thừa cân, béo phì làm gia tăng mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản
3. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản nguy hiểm như thế nào?
Bệnh diễn tiến trong thời gian dài mà không được điều trị đúng cách sẽ gây ra biến chứng, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
3.1. Viêm thực quản – biến chứng phổ biến nhất của bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Đây là biến chứng thường gặp ở 50% bệnh nhân bị trào ngược. Biến chứng này được chẩn đoán qua nội soi dạ dày thực quản, người bệnh có nhiều biểu hiện như ợ nóng, nghẹn, khó nuốt, tăng tiết nước bọt và đau ngực…
3.2. Biến chứng hẹp thực quản, bệnh thực quản Barrett và ung thư thực quản
Hẹp thực quản có biểu hiện như đau ngực, khó nuốt, vướng nghẹn… Do quá trình trào ngược lên thực quản, acid từ dạ dày sẽ ăn mòn lớp niêm mạc dẫn đến viêm. Nếu tình trạng trào ngược kéo dài, với tần suất cao sẽ khiến thực quản bị tổn thương không thể phục hồi, dẫn đến hình thành các mô sẹo gây hẹp thực quản.
Nếu tình trạng hẹp thực quản không được điều trị đúng cách, sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm thành bệnh thực quản Barrett. Biến chứng này xảy ra ở 8-15% bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản kéo dài, nhưng lại cực kỳ nguy hiểm vì có nguy cơ phát triển thành ung thư biểu mô tuyến thực quản.
Ung thư biểu mô tuyến thực quản là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh trào ngược, thường gặp ở những bệnh nhân trên 50 tuổi. Ở giai đoạn đầu, bệnh hoàn toàn không có triệu chứng rõ ràng. Khi đến giai đoạn nặng, người bệnh xuất hiện đau ở xương ức sau, khàn tiếng, sụt cân nhanh, nuốt nghẹn, cổ sưng to…
>>>>>Xem thêm: Đầy hơi chướng bụng ở trẻ sơ sinh
Trào ngược dạ dày thực quản nếu không điều trị sẽ gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm
4. Phòng bệnh trào ngược dạ dày bằng chế độ ăn uống
Lựa chọn thực phẩm phù hợp sẽ giúp giảm dạ dày bớt tăng tiết acid, từ đó hạn chế tình trạng trào ngược lên thực quản. Ăn uống điều độ và khoa học cũng giúp kiểm soát được cân nặng, từ đó hạn chế nguy cơ bị trào ngược hay kiểm soát được tình trạng bệnh.
Các bác sĩ khuyên nên đưa vào thực đơn mỗi ngày các thực phẩm sau:
– Các loại ngũ cốc nguyên hạt, gạo nguyên cám hay yến mạch.
– Sữa chua có chứa nhiều lợi khuẩn hỗ trợ tốt cho tiêu hóa, tuy nhiên không nên ăn sữa chua vào lúc đói.
– Nên ăn các loại trái cây ít tính acid.
– Nên ăn các loại đạm dễ tiêu như thịt thăn lợn, thịt ngan, thịt vịt và các loại cá được chế biến bằng cách hấp hoặc nấu canh.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nên các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên thăm khám với chuyên khoa tiêu hóa khi có triệu chứng nghi ngờ để có phương pháp điều trị sớm ngăn bệnh tiến triển phức tạp hơn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.