Bệnh trĩ giai đoạn đầu là khi búi trĩ mới được hình thành và có thể được nhận biết sớm nếu người bệnh chú ý quan sát các dấu hiệu điển hình của trĩ. Đây cũng được coi là thời điểm tốt nhất để tiến hành điều trị.
Bạn đang đọc: Bệnh trĩ giai đoạn đầu có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào?
1. Nhận biết bệnh trĩ giai đoạn đầu
Bệnh trĩ bao gồm trĩ nội và trĩ ngoại, khi ở giai đoạn đầu thường khó nhận biết vì búi trĩ lúc này mới hình thành và hầu như chưa gây ra nhiều triệu chứng khó chịu gì cho người bệnh. Tuy nhiên, vẫn có thể nhìn ra những bất thường cảnh báo trĩ và thường thì trĩ ngoại sẽ dễ nhận biết hơn.
1.1. Dấu hiệu chung
– Hậu môn sưng lên: Khi búi trĩ mới hình thành bên rìa hậu môn (trĩ ngoại) hoặc bên trong thành trực tràng (trĩ nội) khiến vùng hậu môn sưng lên. Khi đi vệ sinh hoặc vận động mạnh tình trạng này gây cảm giác đau rát và khó chịu cho người bệnh.
– Đi đại tiện có kèm chất dịch nhầy: Khi phân cứng đi qua búi trĩ có thể đẩy cả chất nhầy ở đầu búi trĩ theo cùng. Theo các cấp độ nặng dần của bệnh thì lượng dịch nhầy này sẽ tăng lên.
1.2. Dấu hiệu riêng
– Trĩ nội: Ở giai đoạn đầu, nếu không để ý kỹ sẽ rất khó phát hiện bệnh. Dấu hiệu nhận thấy rõ nhất là đi ngoài thấy máu nhưng lại không cảm giác đau đớn gì. Khi dùng sức rặn mạnh có thể thấy búi trĩ sa ra ngoài nhưng có thể tự co lên khi ngừng rặn.
– Trĩ ngoại: Bệnh trĩ ngoại giai đoạn đầu ở khu vực xung quanh lỗ hậu môn sẽ thấy có các nốt nhỏ màu đỏ (búi trĩ). Theo thời gian các nốt này sẽ lớn dần, gây đau và đem lại nhiều khó chịu, bất tiện cho người bệnh.
Bệnh trĩ khi ở giai đoạn đầu thường khó nhận biết, song vẫn có các dấu hiệu điển hình để “nhìn” ra bệnh.
2. Bệnh trĩ giai đoạn đầu có gây ra nhiều nguy hiểm không?
Bệnh trĩ nói chung không gây ra nhiều nguy hiểm hay đe dọa tới tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, đây lại là một bệnh lý thuộc vùng hậu môn – trực tràng nên dễ tạo tâm lý e ngại bệnh khó nói, hơn hết là những đau đớn và phiền phức mà trĩ gây ra ảnh hưởng lớn tới mọi hoạt động hằng ngày của người bệnh.
Với bệnh trĩ ở giai đoạn đầu cũng vậy, nhưng mức độ ảnh hưởng từ các triệu chứng sẽ ít hơn, người bệnh chưa phải chịu nhiều đau đớn hay khó chịu gì.
Tuy nhiên, bệnh sẽ ngày một diễn biến trở nặng nếu không được can thiệp xử lý đúng cách sớm. Trường hợp bệnh trở nặng sẽ gây đau rát, ngứa ngáy vùng hậu môn, chảy máu ra mủ nhiều tạo mùi hôi khó chịu cùng nguy cơ xuất hiện biến chứng như xuất huyết cấp, tắc mạch, nghẽn mạch, nhiễm trùng, hoại tử búi trĩ,…
Chính vì thế, bệnh trĩ dù ở giai đoạn đầu thì cũng cần nhận biết đúng, chủ động thăm khám với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa hậu môn – trực tràng để được đánh giá chính xác tình trạng của búi trĩ, làm cơ sở để chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Tìm hiểu thêm: Giải đáp thắc mắc: Lá ngải có chữa được bệnh trĩ không?
Bệnh trĩ không gây ra nhiều nguy hiểm, nhưng khi bệnh trở nặng sẽ gây đau, khó chịu và ảnh hưởng tới mọi hoạt động của người bệnh.
3. Các phương pháp điều trị trĩ phổ biến
Điều trị bệnh trĩ khi được thực hiện ngay ở giai đoạn đầu sẽ có nhiều lợi ích hơn hẳn: Phương pháp áp dụng sẽ đơn giản hơn, hiệu quả tốt hơn, giảm thiểu đau đớn cho người bệnh, ngăn ngừa biến chứng và tỷ lệ bệnh tái phát là thấp nhất.
3.1. Điều trị nội khoa bằng thuốc với bệnh trĩ giai đoạn đầu
Thuốc được áp dụng với bệnh trĩ ở giai đoạn đầu có tác dụng xử lý các triệu chứng, giảm đau, chống viêm và tăng cường thành tĩnh mạch. Người bệnh có thể được chỉ định kết hợp cả thuốc uống và thuốc bôi để có được hiệu quả tốt nhất.
Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý, không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà mà bắt buộc cần tuân thủ đúng đơn kê, thực hiện theo chỉ định của bác sĩ khi đã được tiến hành thăm khám trực tiếp trước đó.
>>>>>Xem thêm: Người bị trĩ kiêng ăn gì? thực phẩm người bệnh trĩ cần kiêng
Thuốc cho hiệu quả tốt với bệnh trĩ khi được phát hiện sớm và điều trị ngay ở giai đoạn đầu của bệnh.
3.2. Vệ sinh hậu môn đúng cách
Vệ sinh hậu môn sẽ giúp vùng có búi trĩ luôn được sạch sẽ, giảm thiệu triệu chứng ngứa hoặc rát, ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng hay lở loét do vi khuẩn xâm nhập, đồng thời, việc vệ sinh trước khi dùng thuốc bôi ngoài ra sẽ cho hiệu quả tốt nhất.
Vệ sinh bằng cách ngâm vùng hậu môn trong nước muối ấm. Đầu tiên, đặt một chậu nước lên bồn cầu, sau đó đổ nước ấm vào, thêm 1 lượng vừa phải muối tinh sạch, cuối cùng ngồi xuống và bắt đầu ngâm. Nên thực hiện phương pháp này đều đặn mỗi ngày 3 lần, mỗi lần từ 15 – 20 phút.
3.3. Chế độ ăn tốt cho người bệnh trĩ giai đoạn đầu
Chế độ ăn tốt cho người bệnh trĩ phải đảm bảo các thực phẩm tốt cho tiêu hóa giúp ngăn ngừa táo bón.
– Người bệnh trĩ nên uống nhiều nước vì nước sẽ giúp mềm phân nhờ đó sẽ giảm bớt khó khăn mỗi lần đi đại tiện.
– Bổ sung thêm nhóm rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc.,.. vào khẩu phần ăn mỗi ngày. Đây là nguồn cung cấp chất xơ giúp hệ tiêu hóa thêm khỏe mạnh.
– Thực phẩm giúp nhuận tràng như khoai lang, thanh long, mồng tơi, chuối cũng rất có lợi cho người bệnh trĩ.
– Tránh đồ ăn cay nóng, đồ ăn nhanh, đồ ăn cứng và các đồ uống chứa chất kích thích.
3.4. Điều chỉnh thói quen hằng ngày
– Người bệnh trĩ nên hình thành thói quen đi vệ sinh đều đặn mỗi ngày và theo 1 khung giờ cố định.
– Lưu ý thói quen khi ngồi cầu tiêu: Tư thế ngồi nên là ngồi xổm, không ngồi quá lâu, rặn quá nhiều và mạnh, vệ sinh sạch sẽ sau đại tiện và nên sử dụng loại giấy mềm thay vì thô ráp.
– Vận động điều độ, thay đổi thói quen nằm/ngồi nhiều. Môn thể theo được khuyến khích là đi bộ, tránh các bài tập quá sức.
Bệnh trĩ giai đoạn đầu không gây ra nhiều rắc rối cho người bệnh, đây cũng được coi là thời điểm “vàng” điều trị. Người bệnh nên nhận biết sớm các dấu hiệu đầu tiên của trĩ, chủ động thăm khám với bác sĩ chuyên khóa, đánh giá chính xác tình trạng của búi trĩ để được chỉ định điều trị đúng cách.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.