Bệnh viêm đa cơ (polymyositis) là bệnh có viêm cơ kèm theo tổn thương da hoặc không. Khi biểu hiện viêm chỉ có ở hệ cơ thì gọi là bệnh viêm đa cơ, còn nếu biểu hiện viêm xuất hiện cả ở da thì gọi là viêm cơ – da (dermatomyositis).
Bạn đang đọc: Bệnh viêm đa cơ và những điều cần biết
1. Bệnh viêm đa cơ và nguyên nhân gây bệnh
1.1. Bệnh viêm đa cơ là gì?
Viêm đa cơ là một dạng bệnh mô liên kết hiếm gặp, gây viêm ở nhiều cơ. Đặc điểm đáng chú ý nhất của bệnh là gây yếu cơ, đặc biệt là những cơ gần thân người nhất, như cơ vùng bả vai và khớp háng.
Viêm đa cơ có nhiều dạng khác nhau, nhưng thường gặp nhất là viêm đa cơ do tự miễn dịch. Bệnh khi chỉ có biểu hiện ở cơ được gọi là viêm đa cơ, còn khi đi kèm tổn thương ở da gọi là viêm da cơ. Cả 2 thể bệnh trên về bản chất là giống nhau. Bệnh có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở lứa tuổi thiếu niên (10-15 tuổi) và tầm tuổi trung niên (45-60 tuổi). Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn nam giới. Tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng ước tính là 5-10 trường hợp/1 triệu dân.
Viêm đa cơ gây yếu cơ hoặc kèm theo các tổn thương ở da.
1.2. Nguyên nhân gây bệnh
Hiện nay y học vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân chính xác gây bệnh. Nhiễm trùng do vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc virus có thể gây nên tình trạng viêm đa cơ, nhưng phần lớn các trường hợp không thể xác định được nguyên nhân gây bệnh.
Có giả thuyết cho rằng, viêm đa cơ là một bệnh tự miễn, vì một lý do nào đó mà hệ miễn dịch của cơ thể sản sinh ra kháng thể tấn công đồng thời làm tổn thương mô cơ khỏe mạnh. Nhiều người mắc viêm đa cơ có nồng độ tự kháng thể cao trong máu. Tuy nhiên đến nay các chuyên gia chưa xác định rõ liệu những tự kháng thể này có thực sự gây viêm đa cơ hay không.
3. Biểu hiện của viêm đa cơ
Về biểu hiện bệnh sẽ có sự khác nhau giữa viêm đa cơ và viêm cơ – da:
3.1. Bệnh viêm đa cơ (polymyositis)
Bệnh viêm đa cơ gây yếu các cơ bắp ở mông đùi, vai – cánh tay và các cơ ngực hay lưng, yếu cơ cả hai bên. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ nhưng nữ giới thường mắc hơn. Bệnh khởi phát âm thầm và t tiến triển chậm chạp trong vài tuần hay vài tháng. Bệnh nhân dần thấy khó khăn hơn khi đang ngồi và đứng lên, leo thang gác, chải tóc… Một số ít người thấy đau ở các bắp cơ.
Ở Việt Nam, một số bệnh nhân bị viêm đa cơ tiến triển bán cấp tính, có triệu chứng đau cơ trong vài ngày hoặc vài tuần đầu tiên. Hệ cơ ở cổ gáy bị yếu khiến đầu rũ xuống, khi ngồi không thể giữ thẳng mặt ra trước hoặc khi nằm không ngóc đầu lên được. Hệ cơ thực quản và họng – thanh quản bị yếu gây ra tình trạng khó nuốt và khó nói. Trong một số trường hợp bệnh nặng thì các cơ hô hấp bị ảnh hưởng gây khó thở, tuy nhiên trường hợp này rất hiếm gặp.
Nếu bệnh tiến triển lâu mà không kịp điều trị, thì sẽ xuất hiện tình trạng teo cơ. Cuối cùng sẽ có co cứng cơ do xơ hóa. Một số bệnh nhân bị loạn nhịp tim nặng và tử vong do hoại tử các sợi cơ tim.
3.2. Bệnh viêm cơ – da (dermatomyositis)
Cũng tương tự như viêm đa cơ, viêm cơ – da cũng có thể gặp ở mọi độ tuổi nhưng chủ yếu ở nữ giới. Bệnh cũng có biểu hiện yếu cơ nhưng có kèm theo biểu hiện da. Thường biểu hiện ở da xuất hiện trước hiện tượng yếu cơ tuy nhiên cũng có khi song hành. Điển hình là tình trạng biến đổi da màu đỏ hay màu hoa cà ở cánh mũi, gò má, trán và quanh móng tay. Cũng có thể xuất hiện ban đỏ lan tỏa, viêm da dạng eczema, ban sần,… hay có phù mi mắt và phù môi. Trẻ em thường bị tổn thương da ở vùng khuỷu và đầu gối. Về sau vùng da bị tổn thương có thể thành sẹo teo và trắng nhợt ra.
Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân thoái hóa cột sống cổ có thể khiến bạn bất ngờ
Bệnh viêm cơ – da gây ngứa, ban sần khiến người bệnh rất khó chịu.
3. Chẩn đoán và điều trị viêm đa cơ
3.1. Phương pháp chẩn đoán bệnh
Người bệnh cần trực tiếp thăm khám chuyên khoa, bác sĩ sẽ kết hợp giữa các biểu hiện lâm sàng và tiểu sử bệnh để hướng dẫn người bệnh thực hiện các xét nghiệm cần thiết như:
– Xét nghiệm máu nhằm phát hiện các enzyme cơ có trong huyết thanh tăng cao như GOT, CK, GPT,…
– Điện cơ phát hiện thấy các hình ảnh điện thế phức tạp, yếu cơ, biên độ thấp, cơ dễ bị kích thích.
– Sinh thiết cơ có hình ảnh bất thường của cơ, xuất hiện xâm lấn, thoái hóa và hoại tử.
– Sinh thiết da cho ra kết quả thâm nhiễm, teo da, có dấu hiệu thoái hóa các tổ chức của da.
– Kiểm tra bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh chụp CT kết hợp cùng đo chức năng hô hấp nhằm xác định tổn thương và xâm lấn để đưa ra biện pháp điều trị đạt hiệu quả cao.
>>>>>Xem thêm: Điều trị viêm khớp dành cho mọi lứa tuổi
Xét nghiệm máu phát hiện các enzyme cơ có trong huyết thanh tăng cao của bệnh viêm đa cơ.
3.2. Điều trị viêm đa cơ
Việc phát hiện sớm bệnh và điều trị bệnh kịp thời rất quan trọng. Thực hiện điều trị bệnh sớm sẽ cho hiệu quả càng cao và ít nguy cơ biến chứng hơn. Các biện pháp điều trị hiện nay thường được áp dụng như:
– Điều trị thuốc theo chỉ định đơn kê của bác sĩ: Điều trị bằng thuốc Corticoid kết hợp với các loại thuốc điều trị khác được chỉ định. Người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc hoặc dùng sai chỉ định vì như vậy sẽ làm tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc, từ đó làm việc điều thất bại và trở nên khó khăn hơn.
– Lọc huyết tương: Áp dụng trong các trường hợp bệnh tiến triển nặng hoặc việc điều trị thuốc không đáp ứng.
– Tập vật lý trị liệu: Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định này.
Người bệnh viêm đa cơ hoặc nghi ngờ dấu hiệu bệnh cần nhanh chóng tới ngay đơn vị y tế uy tín để được chẩn đoán đúng bệnh và tiếp nhận việc điều trị đúng chỉ định để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm về sau.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.