Bệnh viêm dạ dày HP là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ biến chứng thành ung thư dạ dày. Điều trị viêm dạ dày kết hợp với diệt vi khuẩn HP là cần thiết nhằm ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng. Tuy nhiên, khi nào nên điều trị tiêu diệt HP và điều trị như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất? Hãy cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Bệnh viêm dạ dày HP: Hiểu đúng để điều trị hiệu quả
1. Hiểu về viêm dạ dày HP
1.1 Viêm dạ dày HP là gì?
Viêm dạ dày HP là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương, viêm loét, gây ra bởi vi khuẩn HP (Helicobacter pylori). Loại vi khuẩn này xâm nhập, phát triển trong môi trường niêm mạc dạ dày. Tại đây chúng sản sinh ra urease – chất dịch độc làm bào mòn lớp bảo vệ, phá hủy thành niêm mạc. Theo thời gian, tạo thành các tổn thương và gây ra viêm loét.
Có tới 70% dân số nước ta mắc vi khuẩn HP dạ dày
Viêm dạ dày do HP được ghi nhận chiếm tới 90% trong tổng số các ca bệnh viêm loét dạ dày. Tuy nhiên, ngoài vi khuẩn HP, tình trạng viêm dạ dày có thể đến từ việc lạm dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau, kết hợp với các yếu tố nguy cơ như: hút thuốc lá, thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, căng thẳng kéo dài…
Bệnh nhân nhiễm HP không được điều trị có khả năng bị loét dạ dày tá tràng từ 10 – 20% và từ 1 – 2% mắc ung thư dạ dày.
1.2 Dấu hiệu nhận biết viêm dạ dày HP
Có tới trên 80% người viêm dạ dày do nhiễm khuẩn HP không có triệu chứng, cũng như không có biến chứng. Tuy nhiên, tùy theo tính chất, trạng thái hoạt động của vi khuẩn HP, người bệnh có thể có những dấu hiệu như:
– Đau bụng: (Cơn đau tập trung ở vùng thượng vị, đau từng cơn hoặc đau âm ỉ vùng bụng)
– Ợ hơi, đầy hơi, chướng bụng, nhanh no dù chỉ ăn một lượng nhỏ thức ăn
– Buồn nôn và nôn
– Sốt
– Ăn kém, chán ăn
– Đại tiện phân đen hoặc phân máu
– Nhợt nhạt, mệt mỏi
Người bệnh mắc viêm loét dạ dày HP có thể có thêm những triệu chứng khác, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ mạnh – yếu của vi khẩn trong cơ thể.
1.3 Cách phát hiện vi khuẩn HP gây bệnh viêm dạ dày
Nội soi dạ dày – tá tràng: Kỹ thuật chẩn đoán tối ưu giúp phát hiện các ổ viêm loét, giúp bác sĩ đánh giá mức độ tổn thương tại dạ dày người bệnh. Phương pháp cũng cho phép thực hiện sinh thiết mô bệnh học tìm vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày.
Test hơi thở HP: Người bệnh thổi hơi lần đầu vào thiết bị phân tích. Sau đó uống dung dịch ure theo chỉ dẫn và thổi vào thiết bị phân tích hơi thở lần 2. Thiết bị sẽ dựa vào định lượng nồng độ Carbon dioxide trong hơi thở trước và sau khi uống dung dịch ure giúp xác định sự tồn tại và mức độ có mặt của vi khuẩn HP trong dạ dày người bệnh.
Tìm hiểu thêm: [Tìm hiểu] Hậu quả viêm phúc mạc bạn cần biết ngay!
Test hơi thở Hp được ứng dụng phổ biến trong chẩn đoán HP dạ dày
Xét nghiệm tìm vi khuẩn HP trong phân: Vi khuẩn HP thường được đào thải ra ngoài qua phân của người bệnh. Xét nghiệm mẫu phân bằng phản ứng miễn dịch huỳnh quang có thể cho biết có hay không vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày.
Xét nghiệm máu tìm vi khuẩn HP: Bác sĩ có thể tìm thấy kháng thể của vi khuẩn HP trong máu người bệnh nhiễm vi khuẩn HP. Nói cách khác, kết quả xét nghiệm xuất hiện kháng thể đồng nghĩa với việc người bệnh đã – đang nhiễm loại vi khuẩn này.
2. Điều trị viêm dạ dày HP
2.1 Khi nào cần tiêu diệt vi khuẩn HP dạ dày
Những trường hợp cần diệt vi khuẩn HP bao gồm:
– Loét dạ dày/ hành tá tràng
– Bệnh nhân mắc chứng khó tiêu: Đầy bụng, ăn nhanh no, đau – nóng rát vùng thượng vị…
– Thiếu máu thiếu sắt
– Xuất huyết giảm tiểu cầu không không rõ nguyên nhân
– Ung thư dạ dày muộn đã phẫu thuật
– Ung thư dạ dày sớm được cắt hớt hoặc cắt tách niêm mạc qua nội soi
– Những bệnh nhân có thành viên trong gia đình mắc ung thư dạ dày
– Có khối u dạ dày
– Viêm teo niêm mạc dạ dày
– Người làm ở môi trường có nguy cơ ung thư dạ dày: khai thác khoáng sản….
– Sau khi được bác sĩ giải thích kỹ mà người bệnh quá lo lắng về nhiễm vi khuẩn HP thì có thể cân nhắc diệt vi khuẩn HP.
Tại Việt Nam, tỉ lệ dân số nhiễm HP dạ dày lên đến 70%. Tỉ lệ tái nhiễm HP cũng rất cao, trung bình sau diệt HP 11 tháng, số ca tái dương tính xấp xỉ 23,5%. Tỉ lệ HP kháng kháng sinh tại nước ta cũng ở mức báo động. Do vậy, ngoài những trường hợp được khuyến cáo, việc điều trị diệt HP cần phải được cần nhắc kỹ, đúng chỉ định không nên lạm dụng.
2.2 Điều trị bệnh viêm dạ dày HP theo phác đồ y khoa
Đối với trường hợp vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày, diệt vi khuẩn HP là cần thiết nhằm thuyên giảm triệu chứng bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm từ người bệnh sang người lành.
Điều trị HP có thể được bác sĩ chỉ định theo các phác đồ phổ biến như:
– Phác đồ điều trị liệu pháp 3 thuốc: Áp dụng với người bệnh điều trị lần đầu hoặc nhiễm khuẩn HP mức độ nhẹ.
– Phác đồ điều trị liệu pháp 4 thuốc: Khi đã sử dụng liệu pháp 3 thuốc nhưng không có hiệu quả, hoặc hiệu quả đem lại không cao, phác đồ điều trị 4 thuốc có thể được chỉ định.
– Phác đồ điều trị nối tiếp: Sử dụng sau khi đã dùng liệu pháp 4 thuốc không đạt hiệu quả. Phác đồ này thường được dùng nối tiếp nhưng đôi khi có thể cùng áp dụng ngay từ đầu với 2 liệu trình.
– Phác đồ điều trị 3 thuốc có thêm levofloxacin: Sử dụng khi phác đồ 4 thuốc và phác đồ điều trị nối tiếp không có tác dụng loại bỏ vi khuẩn HP.
Đặc biệt, trong quá trình điều trị bệnh viêm dạ dày HP bằng thuốc, do vi khuẩn HP có tỷ lệ kháng thuốc cao, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý mua – sử dụng thuốc mà không có sự tư vấn, chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Tránh trường hợp đến khi thực sự cần tiêu diệt vi khuẩn HP thì thuốc không có tác dụng.
2.3 Điều chỉnh lối sống giúp phòng – hỗ trợ điều trị viêm dạ dày HP
Bên cạnh điều trị nội khoa, người bệnh viêm dạ dày do HP cần xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.
– Ngừng sử dụng các loại thuốc giảm đau, chống viêm. Trong trường hợp buộc phải sử dụng, người bệnh có thể hỏi ý kiến bác sĩ về liệu pháp thay thế.
– Gia đình có người nhiễm vi khuẩn HP, mỗi thành viên cần có ý thức chủ động tránh lây nhiễm bằng cách không dùng chung bát, đũa, thìa, bàn chải đánh răng; luôn rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
– Hạn chế tối đa ăn thức ăn ngoài hàng quán, vỉa hè; không ăn thực phẩm chưa qua chế biến, nấu chín như sashimi, tiết canh, gỏi, rau sống,…
– Chủ động có kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kỳ từ 6 tháng – 1 năm/lần.
– Người bệnh dương tính với vi khuẩn HP cần tuyệt đối tuân thủ việc theo dõi định kỳ, hoặc điều trị theo yêu cầu của bác sĩ để tránh những biến chứng nguy hiểm.
>>>>>Xem thêm: Hội chứng ruột kích thích K58 điều trị như thế nào?
Người mắc bệnh viêm dạ dày HP nên sử dụng đồ ăn đã chế biến, không ăn các thực phẩm sống
Bệnh viêm dạ dày HP không khó để điều trị nhưng việc lạm dụng tiêu diệt HP khi chưa cần thiết, hay sử dụng sai phác đồ, không đúng liều lượng có thể làm tăng tỷ lệ vi khuẩn HP kháng thuốc. Lúc này, người bệnh có nguy cơ tái nhiễm rất cao khiến việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị mà bác sĩ chỉ định là yếu tố quan trọng nhất trong điều trị hiệu quả viêm dạ dày do loại vi khuẩn này.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.