Bệnh viêm đại tràng: Nhận biết sớm – Điều trị ngay

Bệnh viêm đại tràng thuộc nhóm bệnh đường tiêu hóa rất phổ biến ở Việt Nam. Viêm đại tràng dù không quá nguy hiểm nhưng có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Điều quan trọng là người bệnh cần nhận diện sớm các triệu chứng để kịp thời điều trị đúng cách nhanh chóng.

1. Tìm hiểu thông tin viêm đại tràng

1.1. Bệnh viêm đại tràng là gì?

Đại tràng là phần cuối cùng trong hệ thống ruột của cơ thể. Đại tràng có nhiệm vụ tiết dịch đại tràng, tổng hợp protein, hấp thụ nước, muối khoáng và một lượng nhỏ chất dinh dưỡng, tạo phân và bài tiết.

Viêm đại tràng là tình trạng viêm nhiễm gây ra các tổn thương khu trú hoặc tổn thương ở lớp niêm mạc lòng đại tràng. Viêm đại tràng thường diễn biến âm thầm, trong trường hợp bệnh không được điều trị tốt, các ổ viêm dần phát triển nặng thành loét, thủng đại tràng thậm chí là ung thư đại tràng.

Bệnh viêm đại tràng

Viêm đại tràng là bệnh lý đường tiêu hóa gặp phải phổ biến ở Việt Nam.

1.2. Nguyên nhân gây viêm đại tràng

Viêm đại tràng có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, những nguyên nhân thường gặp gồm có:
– Do bị nhiễm vi khuẩn.
– Do virus.
– Do bức xạ.
– Do thiếu máu cục bộ.
– Mắc bệnh Crohn.
– Nhiễm nấm đường ruột,…

Phần lớn các trường hợp bị viêm đại tràng là do ăn uống thiếu khoa học, ăn uống không đảm bảo vệ sinh, ăn đồ ôi thiu, ăn đồ khó tiêu,… tạo điều kiện hình thành nên các tác nhân gây bệnh.

1.3. Triệu chứng bệnh viêm đại tràng

Triệu chứng bệnh sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm cùng mức độ viêm. Triệu chứng bệnh cũng khác nhau ở viêm đại tràng cấp tính và mạn tính, cụ thể:

– Viêm đại tràng cấp tính: Người bệnh có những cơn đau quặn thắt ở bụng dưới, đau dọc theo khung đại tràng, cảm giác đầy hơi, chướng bụng, chán ăn, tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân có thể có máu. Toàn thân mệt mỏi và có thể kèm sốt nhẹ.

– Viêm đại tràng mạn tính: Triệu chứng viêm đại tràng mạn tính phần lớn sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm. Người bệnh gặp phải những cơn đau bụng kéo dài ở vùng nửa khung đại tràng trái và ở hai hố chậu. Cơn đau chỉ thuyên giảm khi người bệnh đi đại tiện. Rối loạn phân, táo bón hoặc tiêu chảy, phân có thể lẫn máu và chất nhầy, cơ thể mệt mỏi, sụt cân.

2. Chẩn đoán về viêm đại tràng

Để chẩn đoán về viêm đại tràng, trước tiên người bệnh sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để tìm hiểu về bệnh sử, triệu chứng liên quan. Sau đó tiếp tục thực hiện các chỉ định cận lâm sàng bao gồm:

Xét nghiệm máu: Để kiểm tra tình trạng thiếu máu, nhiễm trùng hoặc tìm hiểu các nguyên nhân miễn dịch khác.

– Xét nghiệm phân: Kiểm tra lượng hồng cầu, bạch cầu, thành phần ký sinh trùng trong phân để tìm ra nguyên nhân gây viêm.

– Nội soi đại trực tràng: Phương pháp này cho phép bác sĩ có thể quan sát toàn bộ bên trong đại trực tràng, phát hiện các bất thường và đánh giá tốt tình trạng viêm loét đại trực tràng. Đặc biệt, bác sĩ có thể thực hiện các can thiệp qua nội soi như cầm máu tổn thương, lấy mẫu mô làm sinh thiết giải phẫu bệnh, cắt polyp,… Đây cũng là lợi thế của nội soi mà các phương pháp chẩn đoán không xâm lấn không thể thực hiện.

– Chụp Xquang hoặc chụp CT: Thường được thực hiện ở những trường hợp nghi ngờ bệnh nặng, có biến chứng nhưng không thể thực hiện nội soi đại tràng.

Nội soi chẩn đoán viêm đại tràng

Nội soi là phương pháp tiêu chuẩn giúp chẩn đoán tốt viêm đại tràng.

3. Điều trị viêm đại tràng

Sau khi có kết quả chẩn đoán bệnh viêm đại tràng, bác sĩ chuyên khoa sẽ lên phác đồ điều trị chi tiết nhằm mục đích khắc phục các triệu chứng đi ngoài, giảm co thắt ruột, giảm đau, ngăn không cho bệnh diễn biến trở nặng,…

Điều trị nội khoa vẫn là chỉ định được ưu tiên. Người bệnh thực hiện theo đúng đơn kê của bác sĩ cũng như hướng dẫn sử dụng đúng cách. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh. Người bệnh nên tham khảo các nhóm thực phẩm nên ăn và nên kiêng để xây dựng thực đơn hằng ngày phù hợp.

Ví dụ, bạn nên chọn những loại thực phẩm như gạo, khoai tây, thịt nạc, cá ít béo, sữa đậu nành và nên hạn chế ăn trứng, sữa, nem rán, thịt mỡ, đồ ăn chiên xào, đậu đen, hành sống, rượu bia,… vì những thực phẩm này gây đầy hơi, chướng bụng. Tốt nhất, người bệnh bị viêm đại tràng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh phù hợp với tình trạng bệnh.

Điều trị viêm đại tràng

Người bệnh cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để nhận chỉ định điều trị đúng cách.

4. Lời khuyên từ chuyên gia

Viêm đại tràng nằm trong nhóm bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến ở Việt Nam nên không thể chủ quan với căn bệnh này. Khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ bệnh, bạn cần chủ động thăm khám chuyên khoa tiêu hóa, thực hiện các chỉ định trong chẩn đoán và điều trị. Điều quan trọng là cần tìm đúng nguyên nhân gây viêm và tiến hành điều trị đúng phác đồ.

Biện pháp phòng tránh bệnh viêm đại tràng hiệu quả là thực hiện chế độ ăn khoa học, đảm bảo vệ sinh. Hãy lên thực đơn đủ dinh dưỡng, đủ nước, tăng cường chất xơ và vitamin, hạn chế chất béo. Đồng thời điều chỉnh lối sống lành mạnh, kiểm soát stress, ngủ nghỉ điều độ và tập luyện thể dục đều đặn. Đặc biệt, việc chủ động thăm khám, nội soi tiêu hóa định kỳ cũng là một yêu cầu cần thiết. Các chuyên gia khuyến cáo, từ 45 tuổi kể cả không có triệu chứng mỗi người cũng nên nội soi dạ dày – đại trực tràng giúp tầm soát bệnh lý đường tiêu hóa đặc biệt là ung thư.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *