Viêm gan siêu vi B có nguy hiểm không là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Đây là bệnh lý viêm gan có mức độ nguy hiểm cao, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Cụ thể viêm gan B dẫn đến những hậu quả gì? Người bệnh nên làm gì để dự phòng biến chứng? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi trên về viêm gan siêu vi B.
Bạn đang đọc: Bệnh viêm gan siêu vi B có nguy hiểm không?
1. Thông tin chung về viêm siêu vi B
Viêm gan siêu vi B là một trong những bệnh lý viêm gan phổ biến hàng đầu, gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Đây là bệnh lý nguy hiểm bởi khả năng lây truyền nhanh, triệu chứng không rõ ràng và dẫn tới nhiều biến chứng trầm trọng.
1.1. Viêm gan B có khả năng lây nhiễm cao
Ở người nhiễm viêm gan B, virus được tìm thấy trong máu của người bệnh với mật độ lớn nhất. Ngoài ra, HBV còn tồn tại trong dịch cơ thể, như tinh dịch và dịch âm đạo của người nhiễm bệnh.
Viêm gan B có tốc độ lây lan nhanh qua 3 con đường chủ yếu:
– Lây truyền từ mẹ sang con: Trẻ sơ sinh có thể bị lây truyền virus viêm gan B từ người mẹ mắc bệnh.
– Lây truyền qua đường tình dục, khi quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm virus viêm gan B.
– Lây truyền qua đường máu: Thông qua việc truyền máu, nhận các chế phẩm từ máu của người bệnh. Tiêm, xăm mình, xỏ khuyên… với các dụng cụ không đảm bảo tiệt trùng cũng làm tăng nguy cơ nhiễm viêm gan B.
Viêm gan siêu vi B có tốc độ lây lan nhanh qua nhiều con đường
1.2. Viêm gan siêu vi B không có triệu chứng rõ ràng
Phần lớn người mắc viêm gan B sẽ không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào hoặc các triệu chứng không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn. Nhiều trường hợp có biểu hiện rõ ràng thì bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng, gây ra các hậu quả nghiêm trọng.
Một số dấu hiệu cảnh báo viêm gan B thường gặp nhất bao gồm:
– Mệt mỏi, đau nhức cơ thể, sốt như cảm cúm thông thường.
– Chán ăn, ăn không ngon miệng là triệu chứng rất dễ bị bỏ qua.
– Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cũng có thể là biểu hiện của viêm gan B.
– Đau bụng vùng hạ sườn phải, nhưng người bệnh thường chủ quan vì đau bụng là triệu chứng quá phổ biến.
– Vàng da, vàng mắt thường được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn nặng.
Nếu bắt gặp các triệu chứng bất thường như trên, người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan, xem nhẹ. Hãy đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra, xét nghiệm và thực hiện các phương pháp chẩn đoán để sàng lọc hiệu quả viêm gan B và các bệnh lý khác.
2. Viêm gan siêu vi B có nguy hiểm không?
Viêm gan B khi hoạt động có khả năng tấn công trực tiếp và hủy hoại các tế bào gan. Có thể thấy đây là bệnh dễ lây truyền, triệu chứng không rõ ràng, gây hại cho gan trong âm thầm. Các yếu tố trên khiến viêm gan B trở nên nguy hiểm. Chưa hết, mức độ nguy hiểm của bệnh lý này còn thể hiện ở các biến chứng nghiêm trọng.
2.1. Biến chứng viêm gan B tối cấp
Mặc dù tỷ lệ thấp (chỉ khoảng 1%) nhưng viêm gan B cấp tính có thể dẫn đến viêm gan B tối cấp. Lúc này, chức năng gan suy giảm nghiêm trọng chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Hệ miễn dịch tấn công “nhầm” vào gan và dẫn đến các hậu quả như: đột quỵ, lú lẫn, trướng bụng, phù nề do tích tụ chất lỏng, vàng da nặng,…
Viêm gan siêu vi B tối cấp có thể khiến gan ngừng hoạt động, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị nhanh chóng.
Tìm hiểu thêm: Người bị bệnh xơ gan mất bù sống được bao lâu?
Các biến chứng của viêm gan siêu vi B đe dọa nghiêm trọng sức khỏe và tính mạng người bệnh
2.2. Viêm gan siêu vi B có nguy hiểm không – Biến chứng xơ gan
Số liệu thống kê cho thấy khoảng 20% người bệnh viêm gan B mạn tiến triển thành xơ gan. Tế bào gan bị viêm và tổn thương do virus viêm gan B là nguyên nhân chính dẫn đến biến chứng này. Các mô gan bị tổn thương sẽ bị thay thế bởi mô sẹo, dần dần làm xơ hóa lá gan. Người bệnh xơ gan bị suy giảm chức năng gan và khả năng miễn dịch, dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh.
Điều đáng nói là xơ gan rất khó phát hiện do không có triệu chứng rõ ràng. Khi tổn thương gan xảy ra trên diện rộng, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như: mệt mỏi, suy nhược, chán ăn, sụt cân, ngứa da, đau trướng bụng, sưng mắt cá chân,…
2.3. Viêm gan siêu vi B có nguy hiểm không – Biến chứng suy gan
Tế bào gan bị hoại tử dưới sự tấn công của virus viêm gan B sẽ làm suy giảm chức năng gan. Các chức năng thải độc, lọc máu, tổng hợp và chuyển hóa các chất tại gan không đảm bảo hiệu quả thực hiện.
Người bệnh suy gan có thể đối mặt với các bệnh lý khác như não gan (hôn mê gan), rối loạn đông máu,… Suy gan nếu không được điều trị kịp thời nguy cơ tử vong là rất cao.
2.4. Biến chứng ung thư gan
Ung thư gan là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, khó điều trị và tiên lượng xấu. So với những người khỏe mạnh, người bị viêm gan B có nguy cơ ung thư gan cao gấp 20 lần.
Gan bị suy yếu, xơ hóa trong thời gian dài do virus sẽ làm tăng sinh tế bào gan, tăng nguy cơ đột biến. Các tế bào ác tính nhân lên và lan rộng, dẫn đến ung thư gan. Bệnh thường diễn biến nhanh, đe dọa đến tính mạng người bệnh.
>>>>>Xem thêm: Xơ gan giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Người bệnh viêm gan B cần có chế độ ăn uống – sinh hoạt khoa học, lành mạnh để hỗ trợ hiệu quả điều trị
3. Người mắc viêm gan B nên làm gì?
Để dự phòng các biến chứng nguy hiểm do viêm gan B gây ra, người bệnh nên lưu ý:
– Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dưỡng chất, hạn chế thực phẩm dầu mỡ, không uống bia rượu.
– Nghỉ ngơi và vận động hợp lý, tránh vận động mạnh hoặc lao động quá sức.
– Người nhiễm viêm gan B nếu có ý định mang thai cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất.
– Trong thai kỳ, người mẹ nhiễm viêm gan B cần theo dõi, kiểm tra và thực hiện các biện pháp dự phòng theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh, tránh lây truyền HBV cho con.
– Người bệnh cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh lây bệnh cho người khác: quan hệ tình dục an toàn, có biện pháp bảo vệ; không dùng chung kim tiêm và vật dụng sinh hoạt cá nhân;…
– Thăm khám với bác sĩ chuyên khoa, tuân thủ phác đồ điều trị để kiểm soát tốt nhất tình trạng bệnh.
Qua bài viết này, chắc hẳn bạn đọc đã trả lời được câu hỏi viêm gan siêu vi B có nguy hiểm không. Đây là bệnh truyền nhiễm đáng báo động, cần được chú ý theo dõi và điều trị, dự phòng các biến chứng nghiêm trọng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.