Viêm phế quản là bệnh gì? Bệnh thường kéo dài bao lâu? Điều trị bệnh này có gì khó khăn? Đây là những câu hỏi khiến không ít bậc phụ huynh băn khoăn về bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh. Bài viết dưới đây sẽ giúp trả lời những câu hỏi đó.
Bạn đang đọc: Bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc viêm phế quản.
1. Khái niệm bệnh viêm phế quản
Đây là bệnh lý viêm đường hô hấp dưới. Bệnh còn có tên gọi khác là sưng cuống phổi khi có sự viêm nhiễm ở niêm mạc phế quản. Tuy nhiên, cần biết rằng khi này bệnh chưa ảnh hưởng đến phổi. Số lượng bệnh nhân mắc viêm phế quản ngày một gia tăng, nguyên nhân có thể do môi trường khói bụi, ô nhiễm gây hại đến hệ hô hấp. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ bị suy yếu miễn dịch cũng có nguy cơ cao mắc bệnh. Bệnh được chia thành 2 thể:
– Viêm phế quản cấp tính: diễn ra trong thời gian ngắn, khoảng dưới 2 – 3 tuần, khi này trẻ cần được điều trị dứt điểm để bệnh không kéo dài dai dẳng
– Viêm phế quản mãn tính là tình trạng bệnh kéo dài hàng tháng
Bệnh viêm phế quản hoàn toàn có khả năng lây nhiễm khi người khỏe mạnh tiếp xúc với người mắc bệnh. Khi người mắc bệnh ho, hắt xì, khạc đờm, vi khuẩn trong dịch tiết có thể gây bệnh cho người khỏe mạnh. Vì vậy, bố mẹ nên chú ý bảo vệ và vệ sinh cho con kỹ lưỡng, hạn chế cho con đến nơi đông người và đảm bảo vấn đề vệ sinh khi về nhà.
2. Viêm phế quản ở trẻ sơ sinh có những biểu hiện như thế nào?
Trẻ có các dấu hiệu điển hình như ho nhiều, đau họng, chảy nước mũi. Nhìn chung, các triệu chứng điển hình của bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh dễ khiến bố mẹ nhầm lẫn sang các bệnh khác. Do đó, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán bệnh chính xác nhất. Trước đó, bố mẹ có thể dựa vào một số dấu hiệu khác để tự nhận biết trạng thái sức khỏe của con:
– Trẻ ho nặng tiếng có đờm, dấu hiệu ho kéo dài dai dẳng nhất
– Bố mẹ có thể nghe thấy tiếng thở khò khè của con
– Trẻ khó thở, thở nông, nhanh
– Có cơn sốt khi vi khuẩn đã lan xuống 2 cuống phổi làm niêm mạc sưng tấy, phồng lên
Theo thời gian, trẻ ho nặng tiếng hơn, đờm đặc có màu xanh, vàng,… Do bệnh xảy ra ở trẻ không có dấu hiệu rõ ràng nào, bố mẹ có thể nhận biết bất thường khi trẻ có dấu hiệu bỏ ăn, bỏ bú, quấy khóc. Khi trẻ có các dấu hiệu dưới đây, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay lập tức:
– Sốt cao trên 39 độ
– Chân tay mềm, bủn rủn
– Da, môi khô
– Trẻ thở khò khè, lồng ngực đập mạnh
– Trẻ ngủ li bì, mê man
– Có thể kéo theo dấu hiệu ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa
– Tím tái ở môi hoặc toàn thân
Tìm hiểu thêm: Trẻ đau bụng buồn nôn: dấu hiệu 4 bệnh nguy hiểm!
Nếu trẻ sốt từ 39 độ trở lên cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
3. Các tác nhân gây bệnh
Nhiễm khuẩn và virus được coi là nguyên nhân chính gây bệnh. Chúng gây nên tình trạng bội nhiễm khiến bệnh của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn. Khi trẻ khỏe mạnh, cơ thể có cơ chế tự bảo vệ, loại bỏ các tác nhân gây bệnh nhưng khi sức khỏe suy yếu, các loại vi khuẩn tấn công và có điều kiện thích hợp để sinh sôi và phát triển. Virus và vi khuẩn có thể có trong không khí hoặc tấn công trẻ khi trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh.
Bên cạnh đó, trẻ có thể bị gia tăng nguy cơ mắc bệnh do một số nguyên nhân khác như:
– Tác nhân khói thuốc, khói bụi, ô nhiễm môi trường
– Trẻ suy dinh dưỡng, có sức đề kháng kém hoặc bị suy yếu miễn dịch
– Trẻ bị trào ngược dạ dày
– Tắm quá lâu hoặc tắm nước lạnh
– Thay đổi thời tiết khiến cơ thể trẻ không thích ứng kịp
4. Điều trị và chăm sóc trẻ
Khi trẻ được đưa đến gặp bác sĩ, bác sĩ sẽ thực hiện chẩn đoán bệnh dựa vào các biện pháp như:
– Thăm hỏi triệu chứng
– Nghe âm thanh thở của trẻ
– Chụp Xquang phổi
– Đo phế dung
– Xét nghiệm đờm
– Xét nghiệm máu
>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân và cách trị viêm tai cho trẻ em
Tùy tình trạng trẻ mà bác sĩ có phác đồ điều trị phù hợp.
Bác sĩ xác định mức độ bệnh và sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với thể trạng của trẻ. Nếu trẻ mắc bệnh ở thể nhẹ, điều trị chủ yếu là long đờm, giảm triệu chứng và chăm sóc trẻ. Trẻ được khuyến cáo hạn chế sử dụng kháng sinh. Trẻ chỉ được sử dụng kháng sinh khi bị bội nhiễm vi khuẩn. Bố mẹ có thể đưa trẻ về nhà chăm sóc và tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn chăm sóc và dùng thuốc của bác sĩ. Trẻ được chăm sóc tốt có thể khỏi bệnh sau vài ngày.
Đối với viêm phế quản mạn tính, bố mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về các bài tập phục hồi chức năng phổi. Ngoài ra, bố mẹ vẫn cần chú ý chăm sóc trẻ tốt, giúp con có sức chống lại bệnh và mau chóng khỏi bệnh:
– Hút đờm khi trẻ có nhiều đờm và không thể tự khạc đờm
– Không ăn đồ ăn lạnh
– Để đảm bảo trẻ vẫn có đủ dinh dưỡng, bố mẹ có thể chia nhỏ cữ bú, bữa ăn của trẻ
– Giữ nhiệt độ phòng phù hợp
– Tăng cường bù nước cho trẻ bằng cách cho bú mẹ. Với trẻ lớn hơn có thể uống bổ sung nước.
– Nắm được nguyên tắc xử trí khi trẻ bị sốt
– Loại bỏ các tác nhân làm ô nhiễm không khí trong không gian sống của trẻ.
5. Phòng bệnh bảo vệ sức khỏe trẻ
Bố mẹ cần luôn luôn chủ động phòng bệnh viêm phế quản cho trẻ. Dưới đây là một số lưu ý mà bố mẹ có thể chú ý:
– Giữ trẻ tránh xa khói thuốc lá, ra đường nên đeo khẩu trang và vệ sinh mũi họng khi trở về
– Tiêm chủng phòng bệnh
– Giữ ấm cho trẻ khi giao mùa hoặc khi vào mùa lạnh
– Hạn chế cho trẻ ăn lạnh uống lạnh
– Chú ý đến lông động vật
Viêm phế quản là bệnh lý đơn giản nhưng nếu trẻ sơ sinh mắc bệnh dai dẳng thì lại là vấn đề khác. Bệnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hệ hô hấp và quá trình trưởng thành của trẻ. Vì vậy, bố mẹ hãy luôn chú ý và cho con đến gặp bác sĩ khi sức khỏe con gặp vấn đề và tuyệt đối không tự ý điều trị bằng thuốc hoặc các mẹo dân gian tại nhà. Khoa Nhi Thu Cúc TCI chính là nơi mà bố mẹ có thể gửi trọn niềm tin, lựa chọn làm nơi chăm sóc sức khỏe con yêu.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.