Bệnh viêm ruột (IBD) hay viêm ruột mạn tính là một tình trạng tái phát và thuyên giảm, đặc trưng bởi các đợt đau bụng và tiêu chảy. Bệnh thường gây nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống. Hiểu đúng về viêm ruột sẽ giúp người bệnh chủ động trong quá trình điều trị và tránh những lo lắng không cần thiết.
Bạn đang đọc: Bệnh viêm ruột (IBD): Hiểu đúng để điều trị trúng
1. Hiểu về bệnh viêm ruột (IBD)
Viêm ruột IBD (Inflammatory Bowel Disease) là nhóm bệnh gây viêm mạn tính tại các vị trí khác nhau trong đường tiêu hóa. IBD bao gồm bệnh Crohn (viêm ruột từng vùng) và viêm loét đại tràng, trong đó:
Crohn là một tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của ống tiêu hóa từ miệng đến hậu môn. Bệnh có thể gây biến chứng như: tắc ruột, các lỗ rò, áp xe, nứt hậu môn…
Khác với bệnh Crohn, viêm loét đại tràng chỉ xảy ra tại ruột già (hay ruột kết). Bệnh khởi phát từ trực tràng và phát triển lên trên liên tục. Viêm loét đại tràng diễn tiến tăng nặng có thể gây xuất huyết, phình đại tràng do nhiễm độc và tăng đáng kể khả năng ung thư.
Đáng chú ý, người bệnh ở bất cứ độ tuổi nào cũng có khả năng mắc viêm ruột, đặc biệt đối với 2 đỉnh tuổi: 17-25 và 50-60. Trong đó, đỉnh tuổi trẻ hơn thậm chí có nguy cơ tiến triển nặng hơn đỉnh tuổi còn lại.
-
Số ca bệnh viêm ruột mãn tính có xu hướng ngày càng tăng.
2. Các tác nhân gây bệnh
Cho đến nay, cơ chế bệnh sinh của viêm ruột mãn tính vẫn chưa rõ. Tuy nhiên bệnh được xác định có liên quan đến các yếu tố miễn dịch, môi trường, hệ vi sinh vật và di truyền.
2.1 Yếu tố di truyền liên quan đến việc khởi phát bệnh viêm ruột (IBD)
Bệnh viêm ruột được xác định có khả năng di truyền. Có khoảng 5-20% bệnh nhân mắc viêm ruột (IBD) có người thân trong gia đình (bố, mẹ, anh chị em ruột) từng mắc bệnh. Khả năng này càng cao hơn nếu có từ 2 thành viên trong gia đình bị viêm ruột mãn tính. Trong đó, nguy cơ di truyền của bệnh Crohn thường cao hơn bệnh viêm loét đại tràng.
2.2 Do sự bất thường của hệ miễn dịch
Thay vì tấn công và tiêu diệt các yếu tố xâm nhập vào cơ thể từ môi trường như vi khuẩn, virus…, hệ miễn dịch lại tấn công các tế bào trong đường tiêu hóa. Điều này là nguyên nhân khởi phát các triệu chứng viêm ruột mãn tính.
2.3 Hệ sinh vật (vi khuẩn, virus)
Hệ sinh vật sinh sôi và phát triển bên trong cơ thể hoặc mới xâm nhập vào cơ thể cũng có thể là tác nhân gây bệnh viêm ruột (IBD). Một số loại vi khuẩn, virus phổ biến gây viêm ruột có thể kể đến là: Salmonella, Escherichia coli (hay E. coli), Staphylococcus aureus (hay vi khuẩn tụ cầu vàng), Campylobacter jejuni (C. jejuni), Shigella,…
2.4 Nguyên nhân gây bệnh viêm ruột (IBD) đến từ môi trường tiếp xúc
Hút thuốc lá: là yếu tố làm tăng đáng kể nguy cơ mắc viêm ruột, đặc việt là bệnh Crohn. Đây cũng là tác nhận dẫn đến các biến chứng chít, hẹp, rò ruột và cần can thiệp phẫu thuật.
-
Tìm hiểu thêm: Giải đáp thắc mắc: “Viêm loét dạ dày có chữa khỏi được không?”
Hút thuốc có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc Crohn ở người bệnh.
Chế độ ăn uống thiếu khoa học: tiêu thụ lượng lớn các thực phẩm nhiều chất béo, chế biến sẵn trong thời gian dài, hoặc chế độ ăn kiêng căng thẳng cũng có thể làm tăng nguy cơ bệnh Crohn. Thiếu hụt vitamin D cũng được bắt gặp ở các bệnh nhân mắc bệnh Crohn.
Việc sử dụng các loại thuốc như: thuốc kháng viêm NSAIDs, thuốc ngừa thai, kháng sinh, thuốc trị mụn isotretinoids,… cũng làm tăng khả năng mắc viêm ruột.
Do đặc trưng khí hậu, vùng miền: Một số nghiên cứu cho thấy, nguy cơ mắc bệnh viêm ruột mãn tính ở những người dân miền Bắc thường cao hơn miền Nam.
3. Người mắc viêm ruột có triệu chứng gì?
Tùy theo loại IBD mắc phải, mức độ nghiêm trọng mà người bệnh biểu hiện các triệu chứng khác nhau. Nhìn chung, viêm ruột mãn tính thường có giai đoạn bùng phát và giai đoạn ổn định. Trong đó, các triệu chứng điển hình xuất hiện ở cả bệnh nhân mắc Crohn và viêm loét đại tràng có thể kể đến như: tiêu chảy kéo dài; đi ngoài thấy có máu trong phân; cơ thể mệt mỏi, xanh xao; chán ăn, sút cân đột ngột…
Nhóm bênh viêm ruột (IBD) cũng có thể dẫn đến các triệu chứng ngoài tiêu hóa điển hình, bao gồm: sốt, đau khớp, các vấn đề về da,… Theo thống kê của Văn phòng Sức khỏe Phụ nữ Hoa Kỳ (OWH), các triệu chứng này biểu hiện ở khoảng 25% các ca bệnh.
Đặc biệt với phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt, các triệu chứng viêm ruột có thể trở nên trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, bệnh cũng làm tăng nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt.
4. Chẩn đoán và điều trị bệnh
4.1 Viêm ruột được chẩn đoán như thế nào?
Để chẩn đoán bệnh viêm ruột (IBD), bác sĩ cần kết hợp giữa thăm khám lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm cần thiết. Người bệnh có thể được yêu cầu nội soi đại tràng hoặc nội soi dạ dày – tá tràng để tìm các tổn thương thực thể tại ruột và sinh thiết (nếu cần). Các dấu ấn viêm cũng có thể được tìm thấy thông qua xét nghiệm máu, cấy phân. Ngoài ra, các phương pháp như chụp CT hay MRI cũng được chỉ định trong trường hợp cần thiết.
Ngoài việc phát hiện viêm tại đường ruột, chẩn đoán còn có ý nghĩa phân biệt bệnh viêm ruột mãn tính với tình trạng viêm ruột cấp, hội chứng kích thích hay lao ruột.
-
>>>>>Xem thêm: Trực tràng có tác dụng gì?
Nội soi đại tràng chẩn đoán bệnh viêm ruột (IBD) tại Thu Cúc TCI.
4.2 Điều trị viêm ruột (IBD)
Cho đến hiện nay, bệnh viêm ruột (IBD) vẫn chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu. Các phương pháp điều trị vẫn hướng đến mục tiêu chính là thuyên giảm triệu chứng và ngăn bệnh diễn tiến nặng.
Điều trị nội khoa bệnh viêm ruột
Các loại thuốc để điều trị bệnh viêm ruột có thể bao gồm: thuốc chống viêm, thuốc ức chế miễn dịch, liệu pháp sinh học…
Người bệnh có thể được kê thêm các loại kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy, nhuận tràng, bổ sung khoáng chất và vitamin…. nhằm làm giảm các triệu chứng bệnh và bổ sung dinh dưỡng do bị viêm ruột.
Phẫu thuật
Trường hợp viêm ruột nặng, không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc xảy ra các biến chứng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cho người bệnh. Phẫu thuật nhằm khai thông đoạn ruột bị chít hẹp, điều trị lỗ rò đại tràng hay cắt bỏ một phần đường ruột nếu cần thiết.
Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý
Một số thay đổi trong chế độ ăn có thể tốt cho người bệnh viêm ruột (IBD) có thể kể đến như:
– Tránh các món ăn nhiều chất béo, gia vị chua, cay, nóng và đồ uống chứa caffein, cồn.
– Sử dụng một lượng chất xơ vừa phải, đặc biệt đối với các bệnh nhân bị biến chứng chít hẹp đường ruột.
– Không nên uống nhiều sữa và sử dụng các chế phẩm từ sữa nếu người bệnh mắc chứng không dung nạp lactose
– Chia nhỏ bữa ăn trong ngày và uống đủ ít nhất 2L nước/ngày.
– Bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất tăng sức đề kháng cơ thể và đường ruột.
Bên cạnh chế độ ăn, xây dựng lối sống tích cực cũng được chứng minh giúp giảm ảnh hưởng của các triệu chứng và tần suất các đợt bùng phát bệnh.
– Người bệnh nên học cách quản lý stress, tìm kiếm hoạt động yêu thích để giải tỏa bản thân khỏi căng thẳng.
– Tăng cường tập luyện thể thao. Thiền và các bài tập được chứng minh đem lại những ảnh hưởng tích cực đến hệ tiêu hóa.
– Bỏ thuốc lá.
Bệnh viêm ruột (IBD) rất khó để có thể điều trị dứt điểm, song người bệnh có thể “chung sống” hòa bình với nó nhờ can thiệp y tế đúng cách kết hợp với điều chỉnh lối sống. Người bệnh khi có nghi ngờ bất kỳ dấu hiệu bệnh viêm ruột nào, cần đến trung tâm y tế được thăm khám, có phác đồ điều trị trúng đích, hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.