Bệnh võng mạc không tăng sinh là giai đoạn đầu của bệnh võng mạc tiểu đường, triệu chứng đặc trưng là các mạch máu nhỏ rò rỉ khiến võng mạc sưng lên dẫn đến phù hoàng điểm, ảnh hưởng nặng nề tới thị lực.
Bạn đang đọc: Bệnh võng mạc không tăng sinh và 4 điều cần biết
1. Tìm hiểu về bệnh võng mạc không tăng sinh
1.1. Định nghĩa bệnh võng mạc không tăng sinh
Bệnh lý võng mạc không tăng sinh hay còn gọi là bệnh lý võng mạc nền là giai đoạn đầu tiên của bệnh lý võng mạc đái tháo đường. Ở giai đoạn này, dịch rò rỉ khiến võng mạc tổn thương, sưng phù hoặc lắng đọng, gọi là tình trạng xuất tiết. Đây là lý do phổ biến nhất dẫn đến mù lòa ở bệnh nhân đái tháo đường. Ngoài ra các mạch máu nhỏ trong võng mạc có thể co hẹp gây thiếu máu cục bộ hoàng điểm và làm suy giảm thị lực.
Một số giai đoạn khác của bệnh lý võng mạc đái tháo đường bao gồm:
– Bệnh lý võng mạc tiền tăng sinh được xác định khi những mạch máu bất thường bắt đầu tiến triển lên bề mặt võng mạc. Những mạch máu bất thường này gọi là tân mạch hóa, có đặc điểm là thành yếu, dễ vỡ và gây xuất huyết. Máu rò rỉ vào pha lê thể có thể khiến những hình ảnh đưa từ võng mạc đến não kém rõ nét.
– Bệnh lý võng mạc tăng sinh là giai đoạn nặng hơn của bệnh võng mạc đái tháo đường, đặc trưng bởi sự tăng sinh các tân mạch bất thường dẫn đến xuất huyết liên tục, tổ chức hóa và co kéo dịch kính võng mạc. Những vấn đề này có thể gây tổn thương nặng nề ở võng mạc như rách hoặc bong dẫn đến mù lòa. Trong một số trường hợp có thể gây ra các bệnh như glocom tân mạch, đau nhức trường diễn gây khó khăn cho quá trình điều trị.
Nhìn chung, bệnh lý võng mạc đái tháo đường đang là nguyên nhân phổ biến nhất gây mù lòa ở người trưởng thành. Khoảng 80% bệnh nhân đái tháo đường trên 15 năm bị tổn thương mạch máu võng mạc. Giai đoạn tiền tăng sinh là dạng nghiêm trọng nhất của bệnh, gây ảnh hưởng lên đến 20% người bệnh tiểu đường.
Phân biệt giữa giai đoạn tăng sinh và không tăng sinh của bệnh lý võng mạc đái tháo đường.
1.2. Dấu hiệu nhận biết bệnh võng mạc không tăng sinh
Ở giai đoạn này khi hoàng điểm bị phù nề hoặc thiếu máu có thể gây ra một vài vấn đề thị giác, tuy nhiên bệnh nhân có thể không bị mất thị lực ngay kể cả khi bệnh tiến triển. Một số dấu hiệu nhận biết đầu tiên của bệnh lý võng mạc không tăng sinh bao gồm:
– Vi phình mạch.
– Xuất huyết võng mạc dạng chấm, vệt.
– Xuất tiết cứng: Các nốt rời rạc màu vàng trong võng mạc, gợi ý tình trạng phù mạn tính.
– Xuất tiết bông: Những vùng vi nhồi máu của lớp sợi thần kinh võng mạc tạo thành các khoảng trắng trên võng mạc, có bờ rõ ràng, che lấp mạch máu bên dưới.
Nhìn chung ở giai đoạn này, người bệnh không có cảm giác đau đớn và bệnh chỉ phát hiện thông qua thăm khám chuyên khoa mắt.
Khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể nhận thấy một vài triệu chứng và dấu hiệu như:
– Nhìn mờ.
– Nhìn thấy chấm đen.
– Song thị.
– Đau nhức mắt.
– Gặp vấn đề khi đọc.
– Nhìn thấy điểm tối ngay giữa mắt.
– Khám mắt phát hiện một vùng gồ lên và mờ đi của các lớp võng mạc, tĩnh mạch giãn, bất thường vi mạch trong võng mạc.
Ở giai đoạn tăng sinh, một số triệu chứng nổi bật có thể kể đến:
– Mờ mắt và đột ngột mất thị lực.
– Xuất hiện đốm đen hoặc ánh sáng nhấp nháy trong tầm nhìn.
Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân gây ung thư mắt và cách phòng ngừa hiệu quả
Khi hoàng điểm bị phù nề hoặc thiếu máu có thể gây ra một vài vấn đề thị giác.
2. Chẩn đoán và điều trị bệnh lý võng mạc không tăng sinh
2.1. Chẩn đoán
Các phương pháp chẩn đoán bệnh lý võng mạc không tăng sinh bao gồm:
– Soi đáy mắt: Hỗ trợ chẩn đoán.
– Chụp màu đáy mắt: Phân loại mức độ nặng của bệnh.
– Chụp mạch huỳnh quang: Xác định mức lan rộng của bệnh để xây dựng phác đồ điều trị và theo dõi kết quả.
– Chụp OCT cắt lớp quang học: Đánh giá mức độ phù hoàng điểm và đáp ứng điều trị.
Bên cạnh đó vì chẩn đoán sớm đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi nên bệnh nhân đái tháo đường cần khám mắt có nhỏ giãn đồng tử định kỳ để sàng lọc bệnh. Bệnh nhân đái tháo đường đang mang thai nên thực hiện kiểm tra 3 tháng/lần.
2.2. Điều trị
Nhìn chung, việc phát hiện sớm và điều trị, kiểm soát đường huyết ở ngưỡng an toàn có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện cũng như tiến triển của bệnh lý võng mạc đái tháo đường.
Đối với việc điều trị cụ thể cần dựa vào từng giai đoạn phát triển của bệnh, trong đó:
– Bệnh lý võng mạc không tăng sinh giai đoạn nhẹ:
Không cần điều trị trực tiếp mà chỉ cần điều trị các yếu tố nguy cơ có khả năng khiến bệnh nặng thêm. Quan trọng nhất là phải kiểm soát tốt lượng đường huyết trong cơ thể, giảm nguy cơ phù hoàng điểm và thực hiện khám chuyên khoa mắt thường xuyên để phát hiện sớm khả năng tiến triển của bệnh. Tần suất thăm khám thích hợp rơi vào khoảng mỗi 6 – 12 tháng.
– Bệnh lý võng mạc không tăng sinh giai đoạn vừa:
Phác đồ điều trị tương tự giai đoạn nhẹ, tuy nhiên tần suất khám chuyên khoa mắt cần được giảm xuống mỗi 3-6 tháng.
– Bệnh lý võng mạc không tăng sinh giai đoạn nặng:
Phác đồ yêu cầu điều trị quang đông toàn bộ võng mạc. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý nếu kiểm soát lượng đường huyết về bình thường nhanh trước khi điều trị laser có thể gia tăng nguy cơ suy giảm thị lực.
>>>>>Xem thêm: Triệu chứng mắt nổi hột và ngứa, chớ coi thường!
Định kỳ khám chuyên khoa mắt đóng vai trò quan trọng để theo dõi tiến trình bệnh.
Ở những giai đoạn sau của bệnh lý võng mạc đái tháo đường, phác đồ điều trị có thể bao gồm:
– Bệnh lý võng mạc tăng sinh:
Điều trị quang đông toàn bộ, tạo ra những vết bỏng laser nhỏ ở toàn bộ võng mạc nhưng tuyệt đối tránh hoàng điểm. Những vết bỏng này có thể làm các tân mạch ngừng phát triển và thoái hóa, hạn chế tối đa các biến chứng tân mạch. Phương pháp này có thể ngăn chặn tình trạng mù lòa nhưng không thể cải thiện ngay thị lực về bình thường. Tương tự như đã đề cập ở trên, việc kiểm soát lượng đường huyết về bình thường nhanh trước khi điều trị có thể gia tăng nguy cơ suy giảm thị lực.
– Phù hoàng điểm:
Điều trị quang đông ổ bằng laser argon nhằm cải thiện thị lực, trước đó cần chụp mạch bằng fluorescein để phát hiện những mạch máu xuất tiết cũng như các vi phình mạch gây phù. Phương pháp này làm giảm tỉ lệ mất thị lực do phù hoàng điểm tới 50%.
Trong trường hợp tăng sinh nặng có xuất huyết tân mạch làm đục dịch kính hoặc bong võng mạc, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện cắt dịch kính. Thủ thuật này cho phép thay thế dịch kính dính máu bằng dung dịch trong suốt, loại bỏ bè xơ và sửa chữa võng mạc bị bong. Phương pháp này có thể cải thiện thị lực ở mức vừa phải, rất khó để trở về thị lực bình thường.
Hi vọng những thông tin trên đã giải đáp được thắc mắc của bạn về bệnh lý võng mạc không tăng sinh. Trong trường hợp bạn có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến bệnh lý này hay các thông tin sức khỏe nói chung, hãy liên hệ với Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được giải đáp tận tình nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.