Bệnh xuất huyết tiêu hóa trên: Nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh xuất huyết tiêu hóa trên (hay chảy máu đường tiêu hóa trên) là cấp cứu nội ngoại khoa thường gặp hiện nay. Tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được xử trí kịp thời. Bài viết dưới đây của Hệ thống Y tế Thu Cúc sẽ giúp bạn hiểu hơn về nguyên nhân và cách điều trị vấn đề này.

Bạn đang đọc: Bệnh xuất huyết tiêu hóa trên: Nguyên nhân và cách điều trị

1. Nguyên nhân chính gây xuất huyết tiêu hóa trên là gì?

Tình trạng xuất huyết này được định nghĩa là những trường hợp chảy máu ống tiêu hóa từ góc Treitz trở lên, gồm thực quản, dạ dày và tá tràng. So với xuất huyết tiêu hóa dưới xuất huyết tiêu hóa trên phổ biến hơn, có nguy cơ cao hơn gây nhiều biến chứng và tử vong.

Xuất huyết tiêu hóa trên thường có liên quan đến viêm dạ dày, tổn thương loét dạ dày, hành tá tràng dẫn đến tổn thương mạch máu.

Bệnh xuất huyết tiêu hóa trên: Nguyên nhân và cách điều trị

Xuất huyết tiêu hóa trên cần được cấp cứu kịp thời để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm

1.1. Loét dạ dày – tá tràng gây xuất huyết tiêu hóa trên

Đây là một ổ thiếu hụt ở thành của dạ dày hoặc tá tràng, xuyên đến các lớp sâu hơn qua lớp cơ – niêm. Chảy máu là biến chứng thường gặp của loét dạ dày – tá tràng, gây nguy hiểm và chi phí điều trị cao.

Phần lớn trường hợp thường tự ngừng chảy máu và ít tái phát. Tuy nhiên một số trường hợp có nguy cơ tái phát cao và cần phải điều trị nội soi. Can thiệp mạch hoặc phẫu thuật sẽ được chỉ định nếu nội soi thất bại.

Xuất huyết do ổ loét ở dạ dày hay tá tràng quan sát được qua nội soi có nhiều mức độ khác nhau như: máu chảy rỉ rả hay thành tia, hình thành máu cục, trên nền ổ loét lộ mạch máu hoặc vệt máu đen,… Khi tình trạng chảy máu đang diễn ra hay vừa chấm dứt, hoặc khi có nguy cơ chảy máu tái phát, nội soi can thiệp sẽ được thực hiện.

Hiện nay, điều trị các biến chứng xuất huyết nói chung bao gồm: nội soi để kiểm soát chảy máu, điều trị diệt trừ H. pylori, sử dụng sớm các các thuốc ức chế bơm proton đường tĩnh mạch,…

Người cao tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ chảy máu loét dạ dày – tá tràng cao nhất. Điều này có liên quan đến việc thường xuyên sử dụng các loại thuốc điều trị ở người già. Trong đó có thể kể đến aspirin, clopidogrel,kháng viêm không steroid điều trị dự phòng các bệnh lý tim mạch, tai biến mạch máu não hay viêm khớp.

1.2. Bệnh xuất huyết tiêu hóa trên do tăng áp lực tĩnh mạch cửa

Áp lực tĩnh mạch cửa tăng dẫn đến giãn tĩnh mạch thực quản và/hoặc giãn tĩnh mạch phình vị. Các tĩnh mạch này nếu bị vỡ sẽ gây chảy máu nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Xơ gan là nguyên nhân chủ yếu làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa, với căn nguyên là các bệnh lý về gan như: viêm gan virus, xơ gan do rượu, xơ gan tự miễn, xơ gan mật nguyên phát,…

1.3. Các nguyên nhân khác của xuất huyết tiêu hoá trên

Một số nguyên nhân khác gây chảy máu đường tiêu hóa trên ít gặp hơn gồm:

– Viêm loét trợt dạ dày, viêm loét trợt thực quản.

– Hội chứng Mallory-Weiss: Vết rách ở dạ dày – thực quản, thường ở niêm mạc đoạn cuối thực quản hay vùng tâm vị và phình vị.

– Tổn thương Dieulafoy (tổn thương lộ mạch máu): Một động mạch nhỏ giãn to ở lớp dưới niêm mạc dạ dày bị ăn mòn và chảy máu.

– Dị sản mạch máu của dạ dày.

– Viêm dạ dày cấp: Gây ra bởi tâm trạng căng thẳng, thường gặp ở những người bị chấn thương nặng, người bệnh nằm điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt.

Tìm hiểu thêm: Các triệu chứng đau dạ dày có thể nhận biết sớm

Bệnh xuất huyết tiêu hóa trên: Nguyên nhân và cách điều trị

Loét dạ dày – tá tràng là nguyên nhân chính thường gặp nhất gây xuất huyết tiêu hóa trên

2. Phân loại xuất huyết tiêu hoá trên

Xuất huyết tiêu hóa trên thường được phân cấp bởi phân loại Forrest theo nguy cơ tử vong cao hay thấp. Phân loại này còn được ứng dụng trong đánh giá nguy cơ chảy máu tái phát. Đồng thời nó cũng thường được dùng để lượng giá hiệu quả của các phương thức điều trị nội soi can thiệp.

Phân loại Forrest có giá trị so sánh và xem xét trường hợp xuất huyết tiêu hoá trên để thực hiện điều trị nội soi.

– Forrest I a (Máu phun thành tia), Forrest I b (Máu thấm, chảy rỉ ra): Xuất huyết tiêu hóa cấp

– Forrest II a (thấy rõ mạch máu), Forrest II b (cục máu đông kết dính), Forrest II c (trên nền ổ loét kết tụ hematin): Các dấu hiệu xuất huyết mới xảy ra gần đây.

– Forrest III: Các tổn thương không có dấu hiệu xuất huyết xảy ra gần đây.

3. Điều trị xuất huyết tiêu hoá trên như thế nào?

3.1. Nguyên tắc điều trị

Nguyên tắc chung trong điều trị gồm: cầm máu, phục hồi lại thể tích máu và hồi sức. Đồng thời nguyên nhân xuất huyết cũng sẽ được xử trí để tránh tái phát.

Với trường hợp chảy máu nhẹ, người bệnh cần:

– Ăn nhẹ, nằm nghỉ tại giường.

– Theo dõi triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm hàng ngày.

– Chẩn đoán nguyên nhân xuất huyết bằng các phương pháp: nội soi dạ dày – tá tràng, siêu âm bụng, chụp dạ dày có cản quang.

Trong khi đó, người bệnh chảy máu vừa và nặng cần thực hiện:

– Nghỉ ngơi, nằm thấp đầu.

– Thực hiện các xét nghiệm huyết học được chỉ định.

– Truyền dịch, truyền máu; sử dụng thuốc cầm máu.

– Theo dõi tình trạng chảy máu nhờ đặt ống thông dạ dày.

– Hồi sức và chống sốc trong trường hợp cần thiết; thở Oxy nếu khó thở.

3.2. Điều trị bệnh xuất huyết tiêu hóa trên theo nguyên nhân

Căn nguyên gây chảy máu đường tiêu hóa trên sẽ được xác định và tiến hành điều trị theo các phương pháp sau:

– Điều trị nội khoa.

– Điều trị nội soi: Chích cầm máu hoặc kẹp clip cầm máu là biện pháp phổ biến hàng đầu. Điều trị nội soi giữ vai trò quan trọng trong xử trí chảy máu do loét dạ dày – tá tràng.

– Điều trị ngoại khoa là hướng điều trị bắt buộc chỉ định trong chảy máu tiêu hóa kèm theo thủng ổ loét dạ dày – hành tá tràng, chảy máu tiêu hóa kèm hẹp môn vị.

Bệnh xuất huyết tiêu hóa trên: Nguyên nhân và cách điều trị

>>>>>Xem thêm: Các giai đoạn của ung thư đại tràng

Bác sĩ có thể cầm máu tại vị trí xuất huyết thông qua nội soi dạ dày – tá tràng

4. Giải pháp phòng ngừa xuất huyết tiêu hóa trên

Để bảo vệ đường tiêu hóa trên khỏi nguy cơ chảy máu, mỗi người cần lưu ý các khuyến cáo sau:

– Tránh sử dụng các loại thực phẩm có hại cho dạ dày như: đồ ăn cay nóng, thức ăn chế biến sẵn, đồ chiên rán,… Cần chú ý ăn uống hợp vệ sinh để ngăn ngừa lây nhiễm vi khuẩn HP dạ dày.

– Hạn chế tối đa đồ uống có cồn (rượu, bia) và các chất kích thích như thuốc lá,…

– Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung chất xơ cần thiết từ các loại rau xanh, hoa quả.

– Tránh các thói quen xấu gây hại cho tiêu hóa: thức khuya, ăn khuya, ăn quá no hoặc nhịn đói quá lâu,…

– Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách luyện tập thể dục, thể thao điều độ.

– Trong trường hợp cần sử dụng aspirin hay các thuốc kháng viêm, giảm đau, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng thêm các thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, tránh tình trạng viêm loét.

– Chủ động thực hiện thăm khám tiêu hóa định kỳ, nhất là những người có tiền sử mắc các bệnh lý tiêu hóa.

Trên đây là các thông tin về nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh bệnh xuất huyết tiêu hóa trên. Hãy lưu lại những thông tin này để có giải pháp bảo vệ tốt nhất sức khỏe tiêu hóa của chính mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *